Đồng rúp của Nga chạm mức thấp nhất trong 16 tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đồng tiền của Nga đã mất 25% giá trị trong năm nay, hạn chế khả năng tài trợ cho nhập khẩu.

Đồng rúp suy yếu có thể khiến Nga giảm quy mô rót vốn cho nhập khẩu (Ảnh: Reuters)
Đồng rúp suy yếu có thể khiến Nga giảm quy mô rót vốn cho nhập khẩu (Ảnh: Reuters)

Theo Financial Times, đồng rúp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng so với đồng USD, do chi tiêu quân sự của Nga tăng và sụt giảm doanh thu từ xuất khẩu gây thêm sức ép với đồng tiền này, vốn đang hứng chịu các đòn cấm vận của phương Tây cùng sự gia tăng của dòng vốn chảy ra nước ngoài.

Đồng tiền của Nga đã mất khoảng 25% giá trị trong năm nay và được giao dịch dưới mức 99 rúp đổi 1 USD vào thứ Sáu tuần trước, do tác động của cuộc chiến với Ukraine. Mức suy giảm đã cao hơn mức tăng của đồng rúp trong năm ngoái, khi chiến sự ở Ukraine kéo theo đà tăng mạnh của giá dầu và khí đốt.

Sự sụt giảm đã tăng tốc trong những tuần gần đây, làm gia tăng sức ép kinh tế đối với Moscow sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây hạn chế dòng vốn chảy vào Nga và các nước châu Âu, giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, làm giảm doanh thu mà nước này nhận được từ việc bán dầu.

Nền kinh tế Nga đã được thúc đẩy nhờ chi tiêu của chính phủ cho quốc phòng và các cam kết xã hội. Nhưng điều này cũng làm tăng thâm hụt ngân sách, đẩy đồng tiền xuống thấp hơn. Sự gia tăng chi tiêu đã khiến nhập khẩu hàng năm tăng 20% ​​trong nửa đầu năm nay.

Việc giảm mạnh lãi suất vào năm ngoái đã gây thêm sức ép giảm giá đối với đồng rúp; Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã cắt giảm lãi suất từ ​​20% xuống 7,5% trong vòng chưa đầy một năm.

“Chi tiêu của chính phủ đóng vai trò là một kênh trực tiếp thúc đẩy nhập khẩu với độ trễ ngắn”, Natalia Lavrova, nhà kinh tế cấp cao tại BCS Global Markets, nói với Financial Times. “Một chính sách tiền tệ nới lỏng cũng có tác dụng tương tự với độ trễ dài hơn”.

Theo số liệu chính thức được công bố vào tuần trước, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga - gần bằng chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu - đã giảm 85% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2022.

Sức ép đối với tài khoản vãng lai có nguy cơ tiếp tục làm suy yếu đồng rúp và gây ra lạm phát khi chi phí nhập khẩu tăng lên. Sofya Donets, kinh tế trưởng khu vực Nga tại Renaissance Capital, một ngân hàng đầu tư ở Moscow, cho biết đồng rúp “có xu hướng ổn định khi thặng dư tài khoản vãng lai đạt gần 5 tỉ USD hoặc cao hơn”. Vào tháng 7, thặng dư đã giảm xuống còn 1,8 tỉ USD.

Sự sụt giảm diễn ra trong tuần trước đã khiến CBR tạm dừng một quy tắc ngân sách, trong đó cho phép mua hoặc bán ngoại tệ từ các quỹ nhà nước khi doanh thu từ dầu khí cao hơn hoặc thấp hơn một mức nhất định.

Tuy nhiên vẫn có nhiều hy vọng cho Moscow. Doanh thu từ các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, dầu mỏ và khí đốt, đã giảm hơn 40% trong 7 tháng đầu năm so với năm 2022 do các lệnh cấm vận và mức giá trần mà G7 áp đặt đã đẩy giá xuống. Nhưng vào tháng 7, chúng bắt đầu hồi phục, lần đầu tiên vượt quá 800 tỉ rúp kể từ khi các biện pháp này có hiệu lực.

Các nhà kinh tế cho biết việc đình chỉ quy tắc ngân sách sẽ loại bỏ động lực khiến đồng rúp suy yếu khi tác động của giá dầu cao hơn trong những tuần gần đây gây ảnh hưởng đến doanh thu./.

Theo Financial Times