|
Ông Trump tỏ ra hết sức cứng rắn với Trung Quốc và có hẳn một chiến lược tổng thể dài hạn nhằm đối phó với Bắc Kinh |
Nikkei Asean Review ví thông báo của chính quyền Trump sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ngay trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà như "một trái bom". Cùng với mức thuế nghiệt ngã này, bộ Thương mại Mỹ cũng thông báo đưa 44 doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến quân sự, vào danh sách kiểm soát chặt.
Báo Nhật cũng ghi nhận phản ứng bất thường của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Singapore, bên lề Diễn đàn An ninh khu vực ngày 3/8, ngoại trưởng Trung Quốc tỏ thái độ mềm mỏng, khi khẳng định các bất đồng thương mại Mỹ-Trung cần được giải quyết thông qua thương lượng. Tuy nhiên, ít giờ sau khi trở lại Bắc Kinh, sau khi bộ trưởng Thương mại Trung Quốc tuyên bố đang chuẩn bị trả đũa với 60 tỷ USD hàng Mỹ, thì ông Vương Nghị như trở thành một con người khác hẳn. Trả lời báo chí Trung Quốc, ông Vương tỏ ra hết sức cứng rắn: "Nếu Mỹ tấn công, chúng tôi sẽ không lùi bước".
Sự thiếu thống nhất giữa các phát ngôn và sự thay đổi đột ngột nói trên dường như cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang rất lúng túng trong việc tìm ra được một quan điểm nhất quán trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, đang diễn biến khó lường.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ vừa bùng lên, lãnh đạo tối cao Trung Quốc đang lâm vào thế bị động. Cho đến nay, kể từ sau cuộc hội kiến Donald Trump -Tập Cận Bình hồi tháng 4/2027, chính quyền Bắc Kinh vẫn chủ trương tìm kiếm một quan hệ ổn định với Washington. Trong giới học giả Trung Quốc, nhiều người cho rằng hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc đã quá ngạo mạn, Bắc Kinh đánh giá quá thấp đối thủ, lẽ ra ông Tập Cận Bình phải chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến thương mại với Washington.
Cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng đẩy kinh tế Trung Quốc vào như thế khó, trước nguy cơ tổn thất hàng trăm tỷ USD. Nhiều tiếng nói chỉ trích cho rằng Bắc Kinh không có chiến lược phù hợp để đối phó với Washington, ít ra là hướng tới các cuộc thương lượng, tránh gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Hiện tại kế sách đối phó của Bắc Kinh dường như vẫn chỉ là phản ứng đáp trả, nhưng rõ ràng đó là sự đáp trả yếu ớt và bối rối. Một hội nghị của lãnh đạo Trung Quốc tháng trước đã thừa nhận những yếu tố từ bên ngoài đang đè nặng lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Trong kỳ họp quốc hội tháng 3 vừa qua, ông Tập đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Ông Tập Cận Bình vốn vừa là tổng bí thư vừa là chủ tịch nước. Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào điều lệ đảng, nghĩa là đặt ông Tập ngang hàng với Mao Trạch Đông. Hiến pháp Trung Quốc được sửa đổi, mở ra khả năng ông Tập nắm quyền lâu dài sau khi thời hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch theo lệ thường kết thúc, kéo dài đến 2023.