Donald Trump đắc cử: Israel ăn mừng, Ukraine "ngậm bồ hòn làm ngọt"

Hầu hết các nhà quan sát ít nhất đều cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ rất khó dự đoán, một số còn cho rằng sẽ có “những điều bất ngờ”.
Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho Israel thực hiện các chiến dịch quân sự ở Trung Đông (Ảnh: NBC News)

Việc ông Donald Trump trở lại nắm quyền ở Mỹ có thể làm thay đổi đáng kể diễn biến các cuộc xung đột hoành hành ở Trung Đông và châu Âu.

Từ đống đổ nát của các chiến dịch quân sự chết chóc của Israel ở Dải Gaza và miền Nam Lebanon cho đến các chiến trường ở miền Đông Ukraine, nơi lực lượng Nga đang tiến quân...trong nhiều tháng qua, cuộc bầu cử ở Mỹ đã tập trung vào những cuộc xung đột liên quan đến các đồng minh phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Washington.

Những cuộc ăn mừng đã nhanh chóng xuất hiện ở Israel trong hôm 6/11, sau khi ông Trump tái đắc cử. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng ông Trump về điều mà ông gọi là “sự trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử” - một phản ứng tưng bừng có thể làm dấy lên lo ngại về sự leo thang hơn nữa khi nước này tiến hành tấn công ở phía Bắc Gaza và chuẩn bị cho một cuộc tấn công trả đũa của Iran.

Một đồng minh khác của Mỹ thì không được vui mừng như ông Netanyahu.

Các quan chức Ukraine đã đưa ra lời khen ngợi riêng của họ đối với ông Trump, nhưng thực tế là giờ đây họ phải đối mặt với một tương lai thậm chí còn bất ổn hơn, do nhiều nghi ngại về việc liệu chính quyền Trump có duy trì viện trợ quân sự cho Kiev hay không. Sự nghi ngại diễn ra ngay giữa lúc Ukraine đang đối mặt với việc quân đội Triều Tiên xuất hiện trên chiến trường.

Tổng thống đắc cử Trump bị các nhà phê bình lên án là một người theo chủ nghĩa biệt lập nguy hiểm, khuyến khích những kẻ mạnh mẽ và được những người ủng hộ ca ngợi là người bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ. Hầu hết các nhà quan sát đồng tình rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ rất khó đoán định.

Brian Katulis, một thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông, cho biết điều duy nhất chắc chắn ở đây là “sẽ có những điều bất ngờ”.

Người Palestine chen chúc nhau mua bánh mì từ tiệm bánh duy nhất còn hoạt động ở Deir Al Balah, trung tâm Gaza, hôm 6/11 (Ảnh: Anadolu)

Israel ăn mừng trước chiến thắng của Trump

Ở Israel, giới lãnh đạo cánh hữu của nước này hết sức vui mừng trước chiến thắng của ông Trump, hai quan chức giấu tên nói với NBC News. Tuy nhiên, họ nói rằng sự phấn khích đó đã bị giảm bớt do lo ngại rằng chính quyền Biden sẽ tăng cường áp lực trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ.

Các bộ trưởng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhất của Israel nằm trong số những người đầu tiên chúc mừng thành công của ông Trump, trong đó phải kể đến Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, những người công khai ăn mừng trên mạng xã hội.

Thành công của ông Trump đã lan truyền khắp thế giới Arab. Một số quan chức ở khu vực này nói với giới truyền thông rằng họ theo dõi quá trình kiểm phiếu ở Mỹ với cảm giác vừa ngạc nhiên vừa thích thú, trong khi các nhà quan sát bày tỏ lo ngại rằng kết quả này có thể khuyến khích Israel leo thang hơn nữa một cuộc xung đột vốn đã mở rộng.

Mặc dù đã tăng cường nỗ lực, nhưng đến nay chính quyền Biden vẫn không đạt được lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt chiến dịch đẫm máu của Israel ở Gaza và đảm bảo trả tự do cho các con tin vẫn bị Hamas giam giữ; hay việc ngăn chặn các cuộc giao tranh giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon.

Ông Trump đã công khai kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Gaza, nhưng chưa nêu rõ ràng kế hoạch chi tiết. Ông cũng nói trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ ủng hộ “quyền giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố” của Israel.

Một quan chức Israel gợi ý rằng ông Netanyahu có thể tìm cách chấm dứt sớm chiến dịch ở Gaza trong nhiệm kỳ của ông Trump, như một cách mang lại cho ông Trump một chiến thắng ngoại giao nhanh chóng.

“Không ai ở Israel ưa bà Harris. Không ai tin tưởng bà ấy”, một quan chức Israel nói với NBC News.

Người biểu tình Israel chặn một con đường ở Tel Aviv vào tối 5/11 trong bối cảnh công chúng phẫn nộ trước việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (Ảnh: AFP)

Fawaz Gerges, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London, cho biết ông Netanyahu chắc chắn đang “đặt cược vào Donald Trump” sau khi “tận dụng thời gian với Joe Biden”.

Gerges cho biết ông lo ngại rằng dưới thời Trump, Washington, vốn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Israel, “về cơ bản sẽ trao cho ông Netanyahu bất cứ điều gì ông ấy muốn - đặc biệt là “bật đèn xanh” để không chỉ tiếp tục cuộc chiến ở Gaza và Lebanon mà thậm chí còn leo thang cuộc chiến chống lại chính Iran”.

Theo Dự án Chi phí Chiến tranh của Đại học Brown, chi tiêu của Mỹ cho các hoạt động quân sự của Israel đã đạt hơn 17,9 tỷ USD từ ngày 7/10/2023 đến ngày 30/9/2024.

Nhắc lại nhiệm kỳ Tổng thống năm 2016 của ông Trump, Gerges cho rằng vị Tổng thống đắc cử đã thể hiện sự sẵn sàng “vượt trách nhiệm để trao cho ông Netanyahu mọi thứ”, bao gồm cả quyết định gây tranh cãi của ông về việc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sự công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan đang tranh chấp.

Bất chấp những lo ngại đó, Gerges cho biết quan điểm chung trong thế giới Arab là “ai giành được Nhà Trắng” không phải là vấn đề, vì “chính sách đối ngoại của Mỹ về mặt lịch sử vẫn gắn liền với Israel”.

Nhiều người Palestine ở Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng dường như có chung quan điểm đó. Đây là khu vực mà Israel tin rằng chiến thắng của ông Trump sẽ đồng nghĩa với việc họ sẽ có thêm sự tự do để mở rộng các khu định cư.

“Là một người Palestine, tôi nghĩ điều đó không thành vấn đề. Cộng hòa hay Dân chủ - họ đều không giúp được chúng tôi”, Riyad Awad, 61 tuổi, ở thành phố Ramallah ở trung tâm Bờ Tây cho biết hôm 6/11.

Trong đoạn video do đoàn làm phim của NBC News ghi lại ở Gaza, có thể thấy người Palestine đang tập trung tại một nơi trú ẩn tạm bợ ở Khan Younis để xem kết quả bầu cử Mỹ được chiếu trên màn hình tivi.

Một số bày tỏ quan ngại sâu sắc về chiến thắng của ông Trump, trong khi những người khác tò mò liệu ông có phải là nhân vật phù hợp để ngăn chặn cuộc chiến sau nhiều tháng nỗ lực thất bại của Mỹ hay không.

“Ông ấy nói rằng ông ấy sẽ chấm dứt chiến tranh”, Hussam Alsharif, 19 tuổi, nói. “Ông ấy là người có tiếng nói riêng. Một khi ông ta ra lệnh, không ai có thể làm gì khác ngoài việc tuân theo ông ta”.

Ông Donald Trump gặp Tổng thống Ukraine Zelensky tại Trump Tower ở thành phố New York vào tháng 9 (Ảnh: AP)

Ukraine “ngậm bồ hòn làm ngọt”

Sau khi ông Trump đắc cử, Ukraine đã cố gắng thể hiện rằng họ không mấy quan ngại về sự thay đổi của Mỹ đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trump cho biết ông sẽ có thể giải quyết cuộc xung đột trước khi ông nhậm chức, điều này chắc chắn sẽ đòi hỏi những nhượng bộ lớn mà Kiev cho là không thể chấp nhận được. Ông đã ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin và đổ lỗi sai lầm cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vì đã khơi mào chiến tranh, đồng thời từ chối cam kết gửi thêm viện trợ cho Kiev.

Maksym Kostetskyi, người đứng đầu Trung tâm hoạch định chính sách, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Kiev, cho biết ông Trump sẽ thực hiện “các nỗ lực xoa dịu” Nga. “Tôi e rằng nó sẽ có những tác động tiêu cực đến xã hội Ukraine”, ông nói.

Thế nhưng, ông Zelensky phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” và hoan nghênh chiến thắng của ông Trump, nói rằng ông mong chờ “kỷ nguyên của một nước Mỹ hùng mạnh dưới sự lãnh đạo quyết đoán của Tổng thống Trump”.

Mỹ đã phê duyệt 175 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, kể từ cuộc chiến bùng nổ vào tháng 2/2022. Nếu ông Trump rút lại sự hỗ trợ của Mỹ, khả năng phòng thủ của Ukraine trước quân đội Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nước này cũng có thể bị buộc phải đầu hàng.

Các quan chức Nga, trong khi đó, cho biết Moscow mong đợi những thay đổi dưới thời Trump.

“Rất khó dự đoán”, một nhà ngoại giao Nga nói với NBC. “Kết quả không phải là phần thú vị nhất. Điều tốt nhất là những gì xảy ra sau đó”.

Trên thực tế, Ukraine đã phản đối giới hạn hỗ trợ của Mỹ dưới thời chính quyền Biden trong nhiều tháng.

Kostetskyi, thuộc tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Kiev, cho biết: “Chiến thắng của ông Trump đồng nghĩa với những rủi ro và cơ hội lớn. Chỉ có thời gian mới có thể cho thấy nó sẽ đi đến đâu”.