Trước đó vào ngày 30-7, Washington chính thức thông báo đã bổ sung thêm nhiều cá nhân và tổ chức của Nga mà Mỹ cho rằng có liên quan đến sự kiện ở Ukraine vào danh sách bị trừng phạt. Theo một văn bản dự kiến được công bố vào ngày 10-8: “Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố danh tính của 61 đối tượng, những người có tài sản và lợi ích bị phong tỏa”.
Được biết, trong danh sách trừng phạt lần này có 8 nhân vật thân cận với tỷ phú khí đốt Nga G.Timchenko, 5 nhà vận hành cảng Crimea, 1 nhà vận hành phà và 4 cựu quan chức Ukraine có liên hệ với cựu Tổng thống bị lật đổ V. Yanukovych.
Như vậy, thay vì đối thoại, Mỹ đã quyết định lựa chọn hình thức đối đầu trong quan hệ với Nga. Điều này chắc chắn sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Nga vốn đang rất khó khăn. Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể khiến Nga phải hứng chịu thiệt hại ở mức tương đương 9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Năm 2014, Nga chứng kiến giới đầu tư rút vốn khỏi xứ sở Bạch dương với mức kỷ lục, khoảng 154,1 tỷ USD. Còn theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga, con số này của năm nay sẽ khoảng 90 tỷ USD. Hệ quả là GDP của Nga trong năm 2015 sẽ giảm 3,4%. Cùng với đó, giá dầu sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga, khiến ngân sách của Nga luôn trong tình trạng căng thẳng.
Tuy nhiên, không riêng gì Nga, chính bên cấm vận cũng gặp không ít khó khăn do quyết định của mình, đặt biệt là các nước châu Âu. Tháng 8 năm ngoái, Nga đã hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ các nước áp đặt biện pháp trừng phạt nước này, trong đó có các nước thành viên EU. Lệnh cấm được áp dụng với các mặt hàng thịt, xúc xích, cá, rau, trái cây, các sản phẩm từ sữa. Cuối tháng 6-2015, lệnh cấm vận này được tiếp tục kéo dài thêm 1 năm (đến ngày 5-8-2016).
Theo ông J. Maat, Chủ tịch liên minh nghiệp đoàn đại diện cho lợi ích của 28 triệu nông dân châu Âu, EU đã thiệt hại 5,5 tỷ euro do lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Nga. Còn theo các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu tài chính Áo (Wifo), tổng mức tổn thất của EU có thể lên đến 100 tỷ USD. Ngoài ra, xu hướng tiếp diễn trừng phạt còn khiến 2 triệu người lao động trong khối bị mất việc làm trong một vài năm tới. Trước mắt, EU đã phải bỏ ra hàng trăm triệu euro trợ giúp cho những hộ nông dân bị tác động bởi lệnh cấm vận của Nga.
Bên cạnh trả đũa trực tiếp, Nga cũng tung ra không ít các đòn nhằm chia rẽ EU. Chẳng hạn, chính sách ngoại giao năng lượng của Nga đã kéo những nước như Hungary đứng về phía Matxcơva trong các cuộc tranh luận của EU về tăng cường trừng phạt Nga. Điện Kremlin cũng đã ngỏ ý muốn giúp đỡ Hy Lạp, một thành viên NATO, thoát khủng hoảng ngân sách. Chính vì thế mà chính phủ cánh tả mới thành lập ở Hy Lạp đã tỏ thái độ phản đối việc EU trừng phạt Nga…
Ngay sau khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt mở rộng, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố khẳng định các hành động mới của phương Tây nhằm vào Nga không chỉ hủy hoại mối quan hệ Nga - Mỹ, mà còn không giúp gì trong việc giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu khác có sự tham dự của Nga. Đây được coi là lời cảnh báo báo của Nga cho những đòn trả đũa trong tương lai.
Hoàng Sơn theo An ninh Thủ đô