|
Đến hết năm 2014, Doanh nghiệp Việt đã đầu tư 19,78 tỷ USD ra nước ngoài |
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho hay, tính lũy kế đến 31/12/2014 đã có 930 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư Việt Nam đạt 14,85 tỷ USD, điều chỉnh tăng vốn cho 92 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 4,93 tỷ USD.
Như vậy, tổng vốn đầu tư đăng ký (cả cấp mới và tăng thêm) đã đạt 19,78 tỷ USD. Riêng trong năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn song tình hình đầu tư ra nước ngoài vẫn đạt kết quả khả quan.
Cụ thể, trong năm vừa rồi, Bộ KHĐT đã tiếp nhận 153 hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp mới và đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 109 dự án đầu tư sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam trên 1,047 tỷ USD, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 739 triệu USD. Tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài (gồm cả cấp mới và tăng vốn) đạt trên 1,786 tỷ USD trong 2014.
Các dự án tập trung chủ yếu vào thị trường Campuchia với 23 dự án (chiếm 21% tổng số dự án), Myanmar với 16 dự án (14,7%); Lào với 13 dự án (12%); Hoa Kỳ với 12 dự án (11%) và Singapore với 9 dự án (8,2%).
Về quy mô vốn đầu tư cấp mới, lớn nhất là Tanzania (chỉ có 1 dự án chiếm 34% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam); thứ hai là thị trường Campuchia (chiếm 31,1% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam ); thứ ba là Burundi (chỉ có 2 dự án chiếm 16,2% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam). Về lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư tập trung và lĩnh vực thông tin truyền thông (54,3%), nông-lâm nghiệp và thủy sản (27,5%), khai khoáng (6%).
Có 7 dự án lớn trên 50 triệu USD là Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Tanzania (355,2 triệu USD) và dự án đầu tư mạng viễn thông tại Burundi của Viettel (170 triệu USD). Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP An Đông Mia (80,4 triệu USD). Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Cao su Tây Ninh (64,7 triệu USD). Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Dầu Tiếng – Kratie (63,8 triệu USD) và Dự án trồng cao su tại Campuchia của CTCP Tân Biên – Kampongthom (61,98 triệu USD). Đáng chú ý là Dự án thăm dò, khai thác dầu khí Lô PM304 tại Malaysia điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài thêm 465,32 triệu USD.
Bảy dự án trên đã có số vốn đăng ký 1,261 tỷ USD (trong tổng vốn đăng ký 1,786 tỷ USD), chiếm 70,6% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Việt Nam.
Có thể thấy các dự án quy mô lớn tập trung trong các lĩnh vực viễn thông, nông - lâm nghiệp tập trung tại Lào, Campuchia và một số nước thuộc Châu Âu, Châu phi, phù hợp với các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Đặc biệt, đã có xu hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng.
2 tỷ USD tiếp tục "chảy" ra nước ngoài trong năm 2015
Về tình hình thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài, trong năm 2014, theo báo cáo chưa đầy đủ, ước vốn thực hiện đạt khoảng 1 tỷ USD. Theo số liệu thống kê hiện có, vốn thực hiện lũy kế đến năm 2014 đạt khoảng 6 tỷ USD, chiếm trên 30,6% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, lĩnh vực dầu khí có số vốn thực hiện lớn nhất đạt khoảng 2,9 tỷ USD; lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên 660 triệu USD; lĩnh vực thủy điện đạt khoảng trên 500 triệu USD; lĩnh vực thông tin truyền thông đạt 450,6 triệu USD; lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đạt trên 230 triệu USD…
Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư ra nước ngoài, có một phần đáng kể vốn được thực hiện trong nước (không chuyển ra nước ngoài). Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn cao su Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản, Viettel… một phần vốn đầu tư ra nước ngoài được thực hiện để trả cho các nhà thầu của Việt Nam hoặc mua háng hóa, dịch vụ của Việt Nam để chuyển ra nước ngoài thực hiện dự án.
Như vậy, đầu tư ra nước ngoài trong năm 2014 vẫn duy trì tỷ lệ vốn đăng ký ổn định, so với cùng kỳ năm trước, số lượng dự án tăng 10% tuy nhiên tổng vốn đăng ký giảm 10% do các dự án chủ yếu là quy mô nhỏ, tập trung về thương mại, dịch vụ. Số lượng dự án tập trung nhiều tại Campuchia và Myanmar. Vốn đầu tư tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực viễn thông, trồng cây công nghiệp, phù hợp định hướng của Chính phủ về khuyến khích và thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.
Các dự án còn lại phân bổ đa dạng tại nhiều quốc gia, khu vực như các nước ASEAN, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, Úc, Châu Phi; đồng thời tập trung chủ yếu vào kinh doanh thương mại và dịch vụ trên cơ sở các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của các nhà đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có các dự án trong các lĩnh vực xây dựng, vận tải, bất động sản, sản xuất chế biến... Điều này cho thấy tính đa dạng trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam, đồng thời cho thấy xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng, chiến lược đầu tư tập trung vào các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư thấp, khả năng quay vòng vốn nhanh, nhanh chóng đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ KHĐT, bên cạnh dòng vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt là của cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp FDI ngày càng tăng. Trong năm 2014, có 12,5% dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép là của nhà đầu tư cá nhân, 76% dự án của các công ty tư nhân. Trong đó, nhiều công ty đã có tên tuổi trong lĩnh vực hoạt động của mình cũng bắt đầu đầu tư ra nước ngoài (FPT, BKAV, Tôn Hoa Sen, Kim Đan, chuyển phát Tín Thành...).
Trên cơ sở số liệu vốn đăng ký các năm qua và số lượng hồ sơ đang tiếp nhận và xử lý năm 2014, dự kiến số dự án cấp mới trong năm 2015 khoảng 150 dự án với tổng vốn đăng ký (gồm cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh) khoảng 1,5-2 tỷ USD. Trong khi đó, vốn thực hiện năm 2015 đạt khoảng 1-1,2 tỷ USD.
Theo Dân trí