Doanh nghiệp công nghệ số điểm "việc cấp bách" để đột phá, phát triển

Nhiều doanh nghiệp công nghệ số nhìn nhận Nghị quyết 57 là cơ hội tốt để Việt Nam phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024 nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định để phát triển. Với những mục tiêu, giải pháp rất cụ thể, rõ ràng, Nghị quyết đưa ra những chính sách đột phá để tháo gỡ những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thời gian qua.

Trong đó phải kể tới cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; Cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc…

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam.

Doanh nghiệp lớn phải đi đầu trong phát triển hạ tầng số

Trao đổi với VietTimes, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái khẳng định các doanh nghiệp công nghệ trụ cột của Nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong việc hiện thực hóa các nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW vào thực tiễn.

Đây là những đơn vị có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và hạ tầng, đồng thời sở hữu đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, đáp ứng tốt yêu cầu triển khai các mục tiêu chiến lược”.

Ông Thái nhấn mạnh, các doanh nghiệp lớn cần dẫn đầu trong phát triển hạ tầng công nghệ số quốc gia, đặc biệt là triển khai mạng 5G, trung tâm dữ liệu và các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Những dự án này không chỉ đảm bảo sự kết nối đồng bộ mà còn thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT.

Chủ tịch VNPT cho hay tập đoàn sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính, đang được triển khai đồng bộ và quyết liệt.

Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), với trọng tâm là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, Cloud và 5G, 6G. Việc này nhằm tạo cơ sở cho đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ số tiên tiến, đặc biệt là mạng 5G, trung tâm dữ liệu và các nền tảng số quốc gia, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo chuyên sâu và thu hút nhân tài trong nước lẫn quốc tế.

Trong năm 2025, VNPT sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ cao AI, IoT, Cloud, Cyber Security có khả năng kết nối trao đổi dữ liệu với các nhà cung cấp hạ tầng, dịch vụ đa dạng ngoài xã hội nhằm mở rộng phạm vi ứng dụng, hiện đại hóa sản phẩm dịch vụ, cung cấp đa dịch vụ đa nền tảng.

Đồng thời, tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng 5G thương mại trên toàn quốc; thử nghiệm, phát triển, ứng dụng các công nghệ, kiến trúc mới trên hạ tầng 5G; tiếp tục triển khai đầy đủ và toàn diện phát triển Chính phủ số hướng đến Chính phủ thông minh.

Tạo cơ chế khuyến khích mua sắm sản phẩm Make in Viet Nam

Nhắc tới một nội dung được đề cập trong Nghị quyết 57 về “cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hoá là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra”, Chủ tịch Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng nhìn nhận đây đang là một trong những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ để thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất trong nước.

Theo Chủ tịch Viettel, các doanh nghiệp trong nước đã nghiên cứu, phát triển được nhiều sản phẩm công nghệ cao với chất lượng tương đương thế giới, nhưng vướng mắc lớn nhất trong thương mại hóa là giá thành chưa thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.

Sở dĩ có điều này là do các doanh nghiệp Việt Nam không có lợi thế về thị trường, về quy mô. Họ đang đặc biệt cần những chính sách linh hoạt trong nghiên cứu công nghệ, sản phẩm mới - ông Thắng chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, sáng 15/1.

Từ đó, Chủ tịch Viettel đề xuất sớm ban hành quy định cụ thể để khuyến khích mua sắm, ưu tiên sử dụng đối với các sản phẩm công nghệ cao Make in Viet Nam.

Viettel cam kết tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ.

Cùng với đó, Viettel mong mỏi sớm hình thành và hướng dẫn sử dụng quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược; sớm ban hành hướng dẫn để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật.

Tập đoàn mong muốn có hướng dẫn việc đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới không chỉ dựa trên các hiệu quả về tài chính. Bởi kết quả sau mỗi lần nghiên cứu, dù thành công hay thất bại, đều mang lại những bài học quý báu để từ đó mau chóng đạt được thành công trong tương lai, ông Thắng nói.

Tận dụng cơ hội để nắm vị trí số 1 về AI, bán dẫn

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, việc các cường quốc rút khỏi Trung Quốc sau đại dịch, chuyển đến Việt Nam và các quốc gia khác, sẽ đem tới tăng trưởng cho ngành CNTT nước nhà.

“Chúng ta có thể làm chủ và sản xuất rất nhiều công nghệ, sản phẩm. Khi Việt Nam đã có một đội ngũ kỹ sư CNTT tương đương với các nước phát triển về công nghệ thông tin, chúng ta có thể tạo nên những thay đổi”, Chủ tịch Trương Gia Bình nói tại diễn đàn công nghệ số.

Ông Trương Gia Bình tin tưởng rằng với Nghị quyết 57, cộng đồng CNTT Việt Nam sẽ tham gia rất tích cực và sẽ đạt thành tích lớn.

Người đứng đầu FPT cam kết đầu tư vào 5 công nghệ trụ cột: Trí tuệ nhân tạo, Bán dẫn, Công nghệ ô tô, Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh.

FPT đặt mục tiêu đầu tư sản xuất chip bán dẫn có AI; dự kiến làm những mô hình AI rất bé, có thể để lên con chip. Với hàng vạn, hàng triệu con chip khác nhau, đây là ngành công nghiệp không thể tưởng tượng được cho đất nước.

Ông Bình ví von, trong bối cảnh công nghiệp ô tô đang "chuyển từ cơ khí sang phần mềm... như điện thoại có bánh xe”, phần mềm xe hơi đang trở thành lĩnh vực được nhiều tập đoàn lớn ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản quan tâm.

Ông Trương Gia Bình cho biết FPT sẽ đầu tư xây dựng 2 nhà máy ở Việt Nam và Nhật Bản. Trong 5 năm tới, FPT sẽ xây dựng 5 nhà máy Trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia cung cấp hạ tầng tính toán về trí tuệ nhân tạo hàng đầu khu vực.

“Mấy chục năm qua Việt Nam đã đi ra thế giới về phần mềm, chúng ta cần thế giới. Từ nay, vài thập kỷ tới, thế giới sẽ cần Việt Nam vì chúng ta có thể vươn lên số 1 ở lĩnh vực AI, bán dẫn - những công nghệ lõi mà mọi quốc gia đều cần”, ông Trương Gia Bình nói.