Trong công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 176 tỷ đồng, gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) nhờ đó cải thiện từ mức 0,01% của cùng kỳ lên 0,06% trong nửa đầu năm nay.
Tại thời điểm cuối quý II/2024, vốn chủ sở hữu của Flamingo Holding tăng lên 2.777 tỷ đồng, tăng gần 12%. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,41, tương ứng nợ phải trả hơn 3.900 tỷ đồng.
Liên quan đến trái phiếu, theo dữ liệu của HNX, Flamingo đang lưu hành một lô trái phiếu mã FHDCH2124001, phát hành vào tháng 12/2021 với kỳ hạn 3 năm và lãi suất 11%/năm, được trả lãi định kỳ mỗi 3 tháng. Lô trái phiếu này có giá trị gốc ban đầu là 600 tỷ đồng, tuy nhiên, doanh nghiệp đã mua lại hơn một nửa trong nửa đầu năm 2023, hiện còn lại 254,7 tỷ đồng.
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 của Flamingo đã vượt cả năm 2023. Năm ngoái, công ty báo lãi 175 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với năm 2022.
Về Flamingo, doanh nghiệp khởi sự từ mảng kinh doanh lữ hành với thương hiệu HanoiRedtours vào năm 1996, tiền thân là Công ty Xây dựng Hùng Vương.
Năm 2009, Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải - một thành viên của doanh nghiệp này được thành lập. Đây là chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng 5 sao quốc tế Flamingo Đại Lải Resort (FDL) tại Ngọc Thanh, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau 2 thập kỷ phát triển, doanh nghiệp này chuyển đổi thành mô hình thành Tập đoàn Flamingo vào năm 2017. Cùng thời điểm này, tập đoàn khởi công và cho ra mắt dự án Flamingo Cat Ba Beach Resort.
Đến thời điểm hiện tại, Flamingo hoạt động trong 4 lĩnh vực: bất động sản, dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch lữ hành và quy hoạch kiến trúc với những dự án đã và đang triển khai như: Flamingo Hải Tiến (Thanh Hóa), Flamingo Heritage Tân Trào (Tuyên Quang); Flamingo Golden Hill (Hà Nam)…
Bất động sản nghỉ dưỡng chưa có tín hiệu phục hồi
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng ảm đạm khi lỗ lớn, riêng doanh nghiệp Flamingo vụt sáng khi báo lãi.
Báo cáo của đơn vị nghiên cứu DKRA Group mới đây cho biết, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có tín hiệu phục hồi cả về nguồn cung và thanh khoản.
Theo báo cáo, trong tháng 8/2024, toàn thị trường có 2.180 căn biệt thự nghỉ dưỡng mở bán. Nguồn cung tăng nhẹ so với tháng trước nhưng thấp hơn 5% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, thanh khoản tiếp tục giảm 22% so với tháng 7, với 25 căn được tiêu thụ, tương đương 1% nguồn cung.
"Những chính sách cam kết thuê, mua lại, hỗ trợ lãi suất... được áp dụng rộng rãi nhưng không mang lại hiệu quả.
Giá bán biệt thự sơ cấp (chủ đầu tư mở bán lần đầu) đi ngang, giá thứ cấp (nhà đầu tư bán lại) duy trì tình trạng cắt lỗ từ 10-20%", báo cáo nêu.
Với loại hình nhà phố, shophouse biển, nguồn cung trong tháng 8 đạt khoảng 2.907 căn, 100% là hàng tồn kho thuộc dự án cũ mở bán từ nhiều năm trước. Thanh khoản đứng yên khi không có một giao dịch thành công nào được ghi nhận. Giá bán sơ cấp đi ngang còn thứ cấp tiếp tục cắt lỗ 30-40%.
Condotel, dòng sản phẩm duy nhất từng có "cải thiện" thanh khoản trong quý II, cũng chỉ có 192 căn được hấp thụ trong tháng qua trên tổng số 4.826 căn mở bán. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 4%, giảm 53% so với tháng trước.