Loạt chủ BĐS nghỉ dưỡng BIM Land, Crystal Bay lỗ nặng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(VietTimes) –Trong nửa đầu năm nay, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng như BIM Land, Crystal Bay… vẫn ảm đạm khi lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Loạt chủ BĐS nghỉ dưỡng BIM Land, Crystal Bay, Hưng Thịnh Quy Nhơn thua nặng
Loạt chủ BĐS nghỉ dưỡng BIM Land, Crystal Bay, Hưng Thịnh Quy Nhơn thua nặng

Loạt chủ nghỉ dưỡng thua lỗ

Theo công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land) ghi nhận lỗ 341 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 810 tỷ đồng. Đây là lần đầu doanh nghiệp này báo lỗ sau 5 năm.

BIM Land đang phát triển một số dự án tại Quảng Ninh và Phú Quốc như Khu nghỉ dưỡng InterContinental Residences Halong Bay, khu nghỉ dưỡng Park Hyatt Phu Quoc Residences (Bãi Trường, Phú Quốc), Phu Quoc Marina Square, Grand Bay Halong…

Hay Công ty Cổ phần Crystal Bay tiếp tục lỗ sau thuế gần 76 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang đầu tư nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng như: Ninh Chữ Sailing Bay (Ninh Thuận) với tổng vốn đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng; SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang (Ninh Thuận) vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng hay dự án Crystal Marina Bay (Khánh Hoà) với vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Tonkin Land - chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng phức hợp Le Méridien Đà Nẵng - đã lỗ liên tiếp từ khi công bố thông tin năm 2021 đến nay. Nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp báo lỗ 8 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thấy cửa sáng

Báo cáo từ đơn vị nghiên cứu thị trường DKRA Group cho thấy, trong tháng 8, toàn thị trường có 2.180 căn biệt thự nghỉ dưỡng mở bán. Nguồn cung tăng nhẹ so với tháng trước nhưng thấp hơn 5% so với cùng kỳ 2023. Thanh khoản tiếp tục giảm 22% so với tháng 7, với 25 căn được tiêu thụ, tương đương 1% nguồn cung.

Đơn vị này cho biết những chính sách cam kết thuê, mua lại, hỗ trợ lãi suất... được áp dụng rộng rãi nhưng không mang lại hiệu quả.

Giá bán biệt thự sơ cấp (chủ đầu tư mở bán lần đầu) đi ngang, giá thứ cấp (nhà đầu tư bán lại) duy trì tình trạng cắt lỗ từ 10-20%.

Với loại hình nhà phố, shophouse biển, nguồn cung trong tháng 8 đạt khoảng 2.907 căn, 100% là hàng tồn kho thuộc dự án cũ mở bán từ nhiều năm trước. Thanh khoản đứng yên khi không có một giao dịch thành công nào được ghi nhận. Giá bán sơ cấp đi ngang, còn thứ cấp tiếp tục cắt lỗ 30-40%.

"Condotel, dòng sản phẩm duy nhất từng có cải thiện thanh khoản trong quý II, cũng chỉ có 192 căn được hấp thụ trong tháng qua trên tổng số 4.826 căn mở bán. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 4%, giảm 53% so với tháng trước", báo cáo nêu.

Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) mới đây cũng cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm, toàn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có 3.114 sản phẩm mở bán mới, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2023 nhưng mới bằng 27% của năm 2022. Khoảng 1.799 sản phẩm được giao dịch, bằng 20% cùng kỳ 2022.

VARS đánh giá mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì động thái đi ngang, còn ở thị trường thứ cấp vẫn ghi nhận mức giảm trung bình 15-20% so với giá hợp đồng. Thậm chí, có những dự án dù giảm sâu đến 40-50% vẫn khó bán.