Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 20/7 dẫn tờ The Financial Times Anh cho biết gần đây Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson lên tiếng yêu cầu Trung Quốc và các nước châu Á khác có thái độ "kiềm chế" sau khi Tòa trọng tài phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.
Đối với vấn đề này, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh xuyên tạc cho rằng, vụ kiện trọng tài Biển Đông "xuất phát từ động cơ chính trị". Chính phủ Mỹ một mặt điều tàu chiến đến khu vực Biển Đông thách thức cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc, một mặt lại thông qua thủ tục tư pháp để "làm nhục" Chính phủ Trung Quốc.
Lưu Hiểu Minh nói: "Hành vi của Mỹ trong tất cả mọi việc có vấn đề rất lớn... Tôi cho rằng, vụ kiện trọng tài này có động cơ chính trị".
"Một mặt, họ (Mỹ) điều tàu chiến và máy bay đến thách thức (cái gọi là) "chủ quyền" của Trung Quốc, mặt khác, họ cho rằng đây có thể là một vụ kiện pháp lý tốt... muốn làm nhục Trung Quốc về ngoại giao, gây thiệt hại cho hình tượng của Trung Quốc, đồng thời cũng đem lại cho họ một căn cứ pháp lý để thách thức Trung Quốc".
Ngày 18/7, tại Bắc Kinh, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson đã có cuộc hội đàm với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, hai bên bàn với nhau về các vấn đề an ninh trên biển, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã ngang nhiên nói rằng cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc ở Biển Đông là "lợi ích cốt lõi", liên quan đến "cơ sở cầm quyền" của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc.
Đồng thời, ông Lợi đã ra sức dọa nạt rằng Hải quân Trung Quốc đã sẵn sàng (dùng vũ lực) để bảo vệ cái gọi là "chủ quyền". Dư luận cho rằng, qua cuộc gặp này, Trung Quốc muốn tuyên bố cái gọi là "giới hạn" của họ với Mỹ.
Theo tờ Người quan sát, những năm gần đây, Lầu Năm Góc Mỹ đã phát động các chiến dịch tự do đi lại, điều máy bay trinh sát hải quân tuần tra định kỳ trên vùng trời Biển Đông.
Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson cho biết việc Mỹ tiến hành các hành động như vậy là để đối phó với các yêu sách trên biển “quá mức” của Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Lưu Hiểu Minh còn cho biết ông muốn trước khi các nước xung quanh Biển Đông ngồi vào bàn đàm phán, thì phải tiếp nhận đề nghị "gác lại tranh chấp" (nhưng chủ quyền thuộc về Trung Quốc) của Trung Quốc, tập trung vào "hợp tác khai thác tài nguyên Biển Đông".
Đồng thời Lưu Hiểu Minh hy vọng tận dụng được cơ hội trong tình hình cách đây không lâu nhà lãnh đạo mới của Philippines Rodrigo Duterte có thái độ "hữu nghị" với Bắc Kinh.
Nhưng, ngày 19/7, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay cho biết ông đã từ chối đề nghị "tiến hành hội đàm song phương về tranh chấp chủ quyền Biển Đông với điều kiện là không thảo luận vụ kiện trọng tài Biển Đông" của người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Những phát biểu trên đây của Đại sứ Trung Quốc tại Anh đã được đưa ra tại một cuộc họp báo do ông này tổ chức vào ngày 19/7, mục đích là tuyên truyền lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, giới thiệu sách trắng Biển Đông do Trung Quốc công bố ngày 13/7, trong đó có rất nhiều tuyên bố, nhận định xuyên tạc sự thật.