DN đồng tình việc thanh tra 60 dự án có vấn đề, nhưng kiến nghị được tiếp tục thực hiện

VietTimes – Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) đã bày tỏ như vậy tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp đang diễn ra, với chủ đề: “Đồng hành cùng Doanh nghiệp”. Đáng chú ý, đó chỉ là một trong 5 ý kiến mà vị doanh nhân này gửi tới người đứng đầu Chính phủ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Chụp màn hình)
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Chụp màn hình)

Chủ tịch HORE gọi đề nghị thanh tra 60 dự án BĐS là một vấn đề “đang nóng”. Trong 5 ý kiến mà vị doanh nhân này gửi tới người đứng đầu Chính phủ, vấn đề “đang nóng” này được đề cập sau cùng. Nhưng lại được nói kỹ nhất.

“Đề nghị của Bộ Tài chính đối với Chính phủ thì chúng tôi cũng rất đồng tình với xử lý của các Phó Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua đối với 60 dự án có vấn đề phải thanh tra”, trích phát biểu của ông Châu.

Vị Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM – tổ chức có nhiều hội viên có tên trong Tờ trình của Bộ Tài chính - kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Quyết định thay thế Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, Quyết định 140 năm 2008, Quyết định 86 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ để có một khung pháp lý mới xử lý vấn đề này, phục vụ quá trình cổ phần hóa của chúng ta trong thời gian tới.

“Và kiến nghị sửa đổi ngay, kể cả sửa đổi Luật Đấu thầu để chúng ta sửa đổi cơ chế về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu bảo đảm công khai minh bạch để khắc phục tình trạng quân xanh-quân đỏ trong đấu thầu, đấu giá trong thời gian vừa qua ở một số nơi”, ông Châu nói.

Đồng thời, đại diện HOREA kiến nghị, để cho các chủ đầu tư vẫn được tiếp tục thực hiện dự án của mình. Nếu trong trường hợp thanh tra phát hiện các vấn đề thì các chủ đầu tư đó có nghĩa vụ phải nộp tài chính bổ sung nếu có. Còn trong trường hợp không phát hiện các vi phạm pháp luật cụ thể thì nên để cho các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án của mình để bảo đảm sản phẩm bàn giao cho khách hàng.

Cũng theo ông Châu: “Cuối cùng, đối với người mua nhà, họ không có lỗi nên người mua nhà không phải chịu trách nhiệm gì khi mua sản phẩm của các dự án.

Trước đó, bắt đầu bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HOREA Lê Hoàng Châu nói rằng: “Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ sau cuộc gặp lần thứ nhất ngày 29/4 năm ngoái tại dinh Thống Nhất và đã ra Nghị quyết 35. Sau đó rất nhiều Nghị quyết cũng như Nghị định của Chính phủ đã thể hiện đúng quan điểm Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp”.

Nói về thị trường bất động sản, ông Châu tỏ ý quan ngại. Bởi mặc dù thị trường vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng nhưng đã có dấu hiệu chững lại, có những rủi ro tiềm ẩn bên trong, để xử lý, vấn đề rất phức tạp. “Mới đây có vấn đề là ở TP. Hồ Chí Minh đã có cơn sốt đất nền ở các quận, huyện ven Thành phố. Rồi không phải chỉ TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang cũng có hiện tượng này. Gần đây nhất là việc chúng ta thấy công bố các dự án trong quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các mặt bằng, dư luận cũng rất quan tâm”.

Theo vị doanh nhân, đứng trước tình hình đó, HOREA đã có rất nhiều văn bản kiến nghị. “Chúng tôi đã gửi một số tập tài liệu kiến nghị trong năm vừa qua gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Hôm nay chúng tôi xin được kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ 5 ý kiến”. Cụ thể:

“Một kiến nghị cũ của năm ngoái là kiến nghị Chính phủ cho phép hạch toán bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập khác của doanh nghiệp. Điều này đã được đưa vào Nghị quyết 35 của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Cho nên rất mong lần này Chính phủ tiếp tục ghi nhận và thực hiện chính nội dung đã được quy định trong Nghị định 35 của Chính phủ về vấn đề cho hạch toán bù trừ đối với các doanh nghiệp và kinh doanh đa ngành, trong đó có kinh doanh bất động sản để bảo đảm bình đẳng của các doanh nghiệp.

Điểm thứ hai, chúng tôi xin kiến nghị cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài nhưng khi xảy ra tranh chấp thì xử lý theo pháp luật của nước ta. Tại vì Luật Đất đai chỉ cho thế chấp ở trong nước, không cho thế chấp ở nước ngoài. Nhưng bây giờ chúng ta hội nhập, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần có sự thế chấp đó ở những ngân hàng nước ngoài. Chúng ta cho Việt kiều nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam thì đối với những người này cũng có nhu cầu thế chấp để vay tiền nước ngoài. Chúng tôi đề nghị sửa đổi chế tài cho thế chấp này.

Thứ ba, chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi một số điều của các luật về đầu tư kinh doanh ngay trong năm 2017. Dự thảo Luật này đã được đưa ra trong năm 2016 nhưng cuối cùng chỉ thông qua có phần sửa đổi các vấn đề về điều kiện kinh doanh. Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của các luật về đầu tư kinh doanh, dự kiến chúng ta sẽ sửa đổi khoảng 15 luật. Đây là một vấn đề hết sức hệ trọng. Nếu làm được sẽ tạo một môi trường kinh doanh thoáng theo tiến trình hội nhập.

Thứ tư, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cũng như là phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh có giải pháp hiệu quả để hạ nhiệt cơn sốt ảo giá đất ở vùng ven Thành phố. Ở đây cơn sốt này diễn ra đối với đất nền chứ không phải đất dự án. Đất dự án thì vẫn bình thường nhưng đất nền ở Quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và hiện nay lan lên cả Củ Chi và huyện Cần Giờ. Đó là một điểm rất bất thường. Giới đầu nậu và cò đất chính là thủ phạm, nguyên nhân chính gây ra cơn sốt đất này và cũng chính là bên hưởng lợi lớn nhất trong quá trình này. Cho nên nó tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ rất nguy hiểm đối với tình hình kinh tế, bất động sản, nhất là tính bền vững.

Chúng tôi kiến nghị với UBND Thành phố công bố, nói rõ thông tin bởi vì những thông tin về huyện Hóc Môn, Bình Chánh… bị giới cò đất này lợi dụng. Những dự án lớn của các tập đoàn rất lớn đang dự định đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh cũng bị giới cò đất và giới đầu nậu lợi dụng tung hỏa mù để đẩy giá lên. Xin kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Kinh doanh bất động sản. Bởi vì Luật Kinh doanh bất động sản quy định kinh doanh bất động sản phải có đăng ký kinh doanh nhưng giới đầu nậu, cò đất hiện nay đang kinh doanh với tư cách cá nhân chứ không đăng ký kinh doanh, không chịu thuế và nấp bóng người chủ đất hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh. Cho nên phải sửa luật về vấn đề này.”

Vấn đề cuối cùng, như đề cập ở đầu bài viết, có liên quan đến đề nghị thanh tra 60 dự án BĐS có vấn đề mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ.

Theo Tờ trình số 2000/BTC-TTr của Bộ Tài Chính, trong 60 dự án bất động sản có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước, có 11 dự án trên địa bàn TP HCM và 24 dự án trên địa bàn Hà Nội.

Danh sách 11 dự án trên địa bàn TP HCM:

1/ Dự án Riva Park (504 Nguyễn Tất Thành, P.18, Q.4) do Công ty cổ phần công nghiệp cao su miền Nam làm chủ đầu tư.

2/ Chung cư thương mại (38 Kim Biên, P.13, Q.5) do Công ty phát triển địa ốc Sài Gòn 5 làm chủ đầu tư.

3/ Cao ốc Res 11 tại số 205 Lạc Long Quân, P.3, Q.11 do Công ty cổ phần địa ốc 11 làm chủ đầu tư.

4/ Dự án tại số 128 Hồng Hà, P.9, Q.Phú Nhuận do Công ty cổ phần thương mại Phú Nhuận làm chủ đầu tư.

5/ Cao ốc thương mại dịch vụ kết hợp căn hộ chung cư (104 Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) do Tổng Công ty Bến Thành TNHH một thành viên làm chủ đầu tư

6/ Dự án M-One Nam Sài Gòn - Masteri M-One (35/12 Bế Văn Cấm, P.Tân Kiểng, Q.7) do Công ty cổ phần đầu tư TCO Việt Nam làm chủ đầu tư.

7/ Dự án khu căn hộ - trung tâm thương mại Đông Dương (334 Tô Hiến Thành, P.14, Q.10) do Công ty cổ phần phát triển đô thị Đông Dương làm chủ đầu tư.

8/ Dự án tại số 8 Hoàng Minh Giám, P.9, Q.Phú Nhuận do Công ty cổ phần Nova Festival làm chủ đầu tư.

9/ Dự án tại số 119 Phổ Quang, P.9, Q.Phú Nhuận do Công ty TNHH Nova Sagel làm chủ đầu tư.

10/ Dự án tại số 15 Thi Sách, P.Bến Nghé, Q.1 do Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư.

11/ Dự án nhà ở xã hội khu căn hộ CC1 - Felix Home (P.6, Q.Gò Vấp) doTổng Công ty xây dựng số 1 làm chủ đầu tư.

Danh sách 24 dự án trên địa bàn Hà Nội:

1/ Dự án tòa nhà hỗn hợp ở phường Yên Sở, Q.Hoàng Mai của CTCP Hateco Hà Nội.

2/ Dự án Khu nhà ở thấp tầng tại Xa La, P.Phúc La, Q.Hà Đông của Liên danh Công ty TNHH MTV ĐTPTTL Sông Nhuệ và Công ty CPTM Ngôi nhà mới.

3/ Dự án nhà ở thấp tầng, nhà ở cao tầng và văn phòng làm việc (gồm Hồng Hà Tower và khu nhà thấp tầng) tại số 89, ngõ 1181 đường Giải Phóng, P.Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai của CTCP Cầu 1 Thăng Long.

4/ Dự án tại số 36 đường Phạm Hùng, Q.Nam Từ Liêm của CTCP Tập đoàn FLC.

5/ Dự án La Casa Villas tại số 25 Vũ Ngọc Phan, P.Láng Hạ, Q.Đống Đa của Công ty TNHH Đầu tư RITM-Mekong

6/ Dự án Pandora tại số 53 Triều Khúc, Q.Thanh Xuân của Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình.

7/ Dự án Hà Nội Center Point (Hacinco Complex) tại số 3.7 CC đường Lê Văn Lương, P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân của CTCP Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội.

8/ Dự án khu đô thị đường Ngọc Khánh, Q. Ba Đình.

9/ Dự án Capital Garden tại ngõ 102 Trường Chinh, P.Phương Mai, Q.Đống Đa của CTCP Formach & Kinh Đô.

10/ Dự án chung cư nhà ở thấp tầng ở phố Minh Khai - Vinahud 536A Minh Khai thuộc P.Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex.

11/ Dự án khu nhà ở văn phòng, nhà trẻ và trường tiểu học ở ngõ 622 Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội số 5.

12/ Dự án khu văn phòng làm việc, cho thuê và nhà ở thấp tầng ở số 36, ngõ 61 Lạc Trung, Q.Hai Bà Trưng của CTCP Thủy sản Khu vực 1.

13/ Dự án khu đô thị Q.Ba Đình.

14/ Dự án Khu biệt thự liền kề 69 Đại Từ thuộc phường Đại Kim, Q.Hoàng Mai của CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Giao thông 208.

15/ Dự án khu nhà ở thấp tầng kết hợp dịch vụ thương mại ở phường Thanh Trì, Q. Hoàng Mai của CTCP Vận tải muối.

16/ Dự án tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng - Eco Green Tower ở số 1, phố Giáp Nhị, Q.Hoàng Mai của CTCP Hóa Chất.

17/ Dự án khu nhà ở Phùng Khoang ở phường Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm của CTCP ĐT XD và sản xuất vật liệu Nam Thắng.

18/ Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, căn hộ và khu đỗ xe công cộng phường Thụy Khuê, Q.Tây Hồ của CTCP ĐT và PT BĐS Hồ Tây.

19/ Dự án tổ hợp văn phòng làm việc dịch vụ và căn hộ cao cấp cho thuê - Five Stars Westlake ở số 167 phường Thụy Khuê, Q.Tây Hồ của CTCP Quan hệ Quốc tế - Đầu tư Sản Xuất.

20/ Dự án tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và chung cư - PVV Vinapharm Tower ở số 60B Nguyễn Huy Tưởng, Q.Thanh Xuân của Tổng cty Dược Việt Nam.

21/ Dự án khu hỗn hợp nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ ở phường Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân của CTCP Phát triển Thanh Xuân.

22/ Dự án khu nhà ở chung cư, văn phòng, nhà trẻ ở 283 Khương Trung, Q.Thanh Xuân CTCP Thăng Long Talimex.

23/ Dự án nhà ở thấp tầng ở số 53 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Phương Liệt, Q.Thanh Xuân của CTCP XNK – Đầu tư xây dựng Thăng Long.

24/ Dự án trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng và nhà ở - Rivera Park tại số 69 Vũ Trọng Phụng, Q.Thanh Xuân của CTCP Tu bổ Di tích Trung ương – Vinaremon./.