Điện Kremlin nói gì về pha đảo chiều chính sách của Tổng thống Biden?

Ông Dmitry Peskov cho rằng Washington có nguy cơ làm leo thang xung đột khi cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ chống lại Nga.
Điện Kremlin ở thủ đô Moscow, Nga (Ảnh: RT)

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các báo cáo cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Kiev tiến hành các cuộc tấn công tầm xa bằng cách sử dụng vũ khí do Mỹ tài trợ, nếu được xác nhận, cho thấy xung đột có thể leo thang mạnh mẽ.

Một số hãng tin hôm 17/11 đưa tin rằng ông Biden đã đồng ý dỡ bỏ thêm các hạn chế về cách Kiev có thể sử dụng vũ khí do Lầu Năm Góc cung cấp. Tổng thống Mỹ được cho là đã cho phép chính phủ của Tổng thống Vladimir Zelensky tấn công vùng Kursk của Nga bằng tên lửa đạn đạo ATACMS. “Kế hoạch chiến thắng” mà nhà lãnh đạo Ukraine đệ trình lên chính phủ Mỹ hồi tháng 9 cũng yêu cầu sử dụng không hạn chế vũ khí phương Tây.

Ông Peskov tuyên bố rằng quan điểm của Moscow về vấn đề này đã được Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ từ đầu năm nay, rằng các cuộc tấn công theo đường lối mà ông Zelensky yêu cầu sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự đóng góp trực tiếp của tình báo và chuyên môn quân sự phương Tây. Ông cảnh báo, nếu được tiến hành, các cuộc tấn công như vậy đồng nghĩa với việc “các quốc gia NATO đang có chiến tranh với Nga”.

Khi được hỏi liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có đảo ngược quyết định của ông Biden khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025 hay không, ông Peskov từ chối bình luận trực tiếp. Thay vào đó, ông cảnh báo rằng nếu các thông tin trên phương tiện truyền thông được xác nhận, “đó chắc chắn sẽ là một vòng xoáy leo thang căng thẳng mới và một tình huống mới liên quan đến sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột này”.

Ông Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine sau 24 giờ nếu đắc cử. Những người ủng hộ Tổng thống đắc cử đã cáo buộc ông Biden phá hoại các chính sách tương lai của ông Trump bằng cách leo thang xung đột.

Các cử tri đã trao cho ông Trump quyền rút lui khỏi các cuộc chiến tranh nước ngoài, Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene lập luận.

Cả Kiev và Washington đều chưa xác nhận thông tin này. Ông Zelensky đã nói trong một bài đăng video hàng ngày vào hôm 17/11 rằng “các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói” và nói thêm rằng “những điều như vậy không được công bố. Tên lửa sẽ tự nói lên điều đó”.

Chính phủ của ông Zelensky đã phản đối các cam kết ngoại giao của phương Tây với Nga diễn ra kể từ sau chiến thắng của ông Trump. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phá vỡ sự im lặng suốt 2 năm vào tuần trước bằng cách gọi điện cho Tổng thống Nga.

Trong khi đó, quân đội Ukraine đã tiến hành một số cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tự sát tầm xa nhằm vào Moscow trong hai tuần qua.

Ông Zelensky đã phát động một cuộc tấn công vào vùng Kursk vào tháng 8, tuyên bố rằng việc chiếm đất của Nga sẽ mang lại cho chính phủ của ông một lợi thế thương lượng trong các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.

Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nga, cho đến nay, Kiev đã mất khoảng 33.250 binh sĩ và hàng nghìn vũ khí hạng nặng trong nỗ lực này.