LIVE Diễn biến COVID-19 ngày 11/3/2020: 114 quốc gia có dịch, hơn 4 ngàn người tử vong!

VietTimes – VietTimes liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, số ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh trong ngày. Bạn hãy bấm F5 nếu quay lại bài viết này để làm mới trang.
Nhân viên y tế ở Vũ Hán khử trùng bệnh nhân trước khi ra viện.(Ảnh Đông Phương).

Số ca nhiễm ở Italy đã vượt mốc 10 ngàn người!

Số người bị bệnh và tử vong ở Italy tiếp tục tăng mạnh (Ảnh: Guancha)

BNO Newsroom đưa tin Italy đã có thêm 977 trường hợp COVID-19 nữa được xác nhận, đưa tổng số người bị nhiễm lên 10.149 với thêm 168 ca tử vong mới, đưa tổng số người bị chết vì SARS-CoV-2 lên 631.

Để đối phó với tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, Thủ tướng Italy Conte đã tuyên bố vào tối ngày 9/3 giờ địa phương rằng các biện pháp phong tỏa đối với vùng Bologna từ ngày 10 được mở rộng ra cả nước. Mọi người sẽ không được phép ra khỏi địa bàn ngoại trừ các vấn đề khẩn cấp về công việc và gia đình. Thủ tướng Conte nói các trường tiểu họcn trung học, đại học trong nước tiếp tục đóng cửa, nhưng giao thông công cộng sẽ vẫn bình thường. “Thời gian cấp bách và tôi chịu trách nhiệm về những biện pháp này. Chúng ta phải nắm chắc tương lai của mình”.

Số nạn nhân chết trong vụ sập khách sạn dùng làm nơi cách ly ở Phúc Kiến, Trung Quốc đã tới 26, vẫn còn một số mất tích

Đã có 26 người bị chết trong vụ sập khách sạn Hân Giai ở Tuyền Châu, Phúc Kiến (Ảnh: Đông Phương).

Công tác cứu hộ các nạn nhân trong vụ sập khách sạn Hân Giai ở Tuyền Châu, Phúc Kiến, nơi được sử dụng để cách ly những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Đến 7h00 sáng thứ Tư (11/3), số người chết từ vụ việc đã tăng lên 26.

Khách sạn Hân Giai bất ngờ sụp đổ vào Thứ Bảy (7/3), khiến 71 người bị mắc kẹt. Các nhà chức trách ngay lập tức tiến hành chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ. 3 người trong số họ đã được giải cứu sau khi bị mắc kẹt trong 52 giờ. Vào Thứ Ba (10/3), một người đàn ông khác bị mắc kẹt 68 giờ đã được giải cứu. Từ lúc 4 giờ sáng đến 6 giờ sáng thứ Tư, có thêm 6 người bị mắc kẹt được tìm thấy tại hiện trường, nhưng đều không còn dấu hiệu của sự sống khi được cứu ra. Hiện vẫn còn khoảng 3 người bị mắc kẹt, công tác tìm kiếm và cứu hộ vẫn tiếp tục.

Hàn Quốc có thêm 242 trường hợp COVID-19, chết 61 người

Số người bị nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã là 7.775 (Ảnh Guancha).

Theo Thông tấn xã Yonhap ngày 11/3, Cơ quan phòng chống dịch bệnh trung ương của Hàn Quốc đã đưa tin, từ 00h00 ngày 10 đến 00h00 giờ địa phương ngày 11/3, Hàn Quốc đã có thêm 242 trường hợp bị COVID-19 đưa tổng số người bị nhiễm lên 7.755.

Ngoài ra, cơ quan y tế Hàn Quốc tuyên bố vào ngày 11/3 rằng một bệnh nhân nữ 79 tuổi bị COVID-19 đã chết tại Bệnh viện Đại học Gyeongbuk vào lúc 8 giờ tối giờ địa phương ngày 10/3; đây là cái chết thứ 43 tại Daegu. Tính đến nay, tổng số người chết ở Hàn Quốc đã tăng lên 61.

Ngoài ra, theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tính đến 9 giờ sáng ngày 10/3, số quốc gia và khu vực đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh đối với Hàn Quốc đã tăng lên 109.

Sĩ quan cao cấp hơn 20 quân đội họp tại căn cứ Mỹ ở Đức, kết thúc hội nghị 2 tướng chỉ huy bị nhiễm COVID-19!

Hội nghị chỉ huy Lục quân Mỹ và các nước NATO hôm 6/3 (Ảnh: AP)
Theo hãng tin Mỹ AP, nguồn tin quân đội tiết lộ, hôm 6/3, một cuộc họp đã được tổ chức tại căn cứ quân sự Mỹ ở Wiesbaden, Đức với thành phần tham dự là  các chỉ huy Lục quân quân đội các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu. Tuy nhiên, sau cuộc họp, 2 người tham gia đã được chẩn đoán bị nhiễm COVID-19. Xem thêm ở đây!

Nguồn lực y tế khan hiếm, các nhân viên y tế Italy buộc phải lựa chọn “ưu tiên cứu chữa bệnh nhân trẻ tuổi”

Với số trường hợp mới được chẩn đoán bị COVID-19 đã vượt mốc 10 ngàn người, các nhân viên y tế Italy đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn. Do thiếu nghiêm trọng giường bệnh và vật tư y tế, các nhân viên y tế tuyến đầu ở Italy buộc phải lựa chọn trong việc cứu giúp bệnh nhân. Xem xét đến cơ hội sống sót, những người trẻ tuổi thường là đối tượng được ưu tiên điều trị. Xem thêm ở đây

Quân đội Iran thành lập bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19

Bệnh viện dã chiến do quân đội Iran thiết lập. (Ảnh: FARS/CCTV)

Hãng thông tấn Fars của Iran đưa tin, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã thành lập một bệnh viện dã chiến kiểu “bệnh viện ca-bin” như ở Vũ Hán tại tỉnh Tây Azerbaijan của Iran với 200 giường cách ly để chống lại dịch bệnh COVID-19.

Hình ảnh cho thấy các giường bệnh đặt san sát trong một nhà thi đấu bóng rổ. Chưa rõ khi nào bệnh viện này thu nhận bệnh nhân, đối tượng điều trị là thế nào. Tính đến sáng 11/3, Iran đã có 8.042 người bị bệnh, đã điều trị khỏi 2.731 người, tử vong 291 người.

93 người bị lây nhiễm tập thể trong một tòa nhà ở Seoul

Tòa nhà xảy ra vụ lây nhiễm tập thể nghiêm trọng  tại Seoul (Ảnh: Yonhap).

Thị trưởng Seoul, ông Park Won-sun ngày 11/3 nói, số ca lây nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận tại tòa nhà “Hàn Quốc” ở Sindorim-dong, Guro-gu, Seoul, đã tăng lên 93. Trước đó,hôm 10/3, số ca nhiễm được công bố là 64. 93 người được chẩn đoán đều là nhân viên hoặc thành viên gia đình nhân viên làm việc trong tầng 11 của tòa nhà, trong đó 65 người đến từ Seoul, 15 người đến từ Incheon và 13 người đến từ Gyeonggi-do. Việc xét nghiệm virus cho nhân viên ở các tầng khác vẫn đang tiếp tục.

Được biết bệnh nhân được xác nhận đầu tiên trong tòa nhà là một nhân viên của Trung tâm tiếp nhận các cuộc gọi của công ty bảo hiểm làm việc tại tầng 11 của tòa nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán vào ngày 8/3. Tòa nhà sau đó đã được phong tỏa và những người có tiếp xúc gần với người bệnh phải cách ly tại nhà. Sau đó, nhiều nhân viên và thân nhân của họ liên tiếp được chẩn đoán bị COVID-19.

Tòa nhà xảy ra sự cố là kiến trúc có 19 tầng nổi và 6 tầng hầm. Ngoài Trung tâm tiếp nhận các cuộc gọi của công ty bảo hiểm, tòa nhà còn có các địa điểm tổ chức đám cưới, Trung tâm chăm sóc sau khi sinh và các căn hộ nhỏ. Hiện tại, chính quyền quận Guro đã thiết lập một địa điểm sàng lọc virus tạm thời ở bên cạnh tòa nhà để xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cư dân, nhân viên và khách đến tòa nhà.

MC Đài Truyền hình Iran quỳ xuống cầu xin dân chúng hãy ở nhà

  Iran là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19. Gần đây, một người dẫn chương trình truyền hình Iran thậm chí đã quỳ xuống khẩn cầu mọi người ở nhà, đừng đi ra ngoài.

Theo Đài Truyền hình Al-Arabiya của Ả Rập Saudi ngày 10/3 rằng trong một chương trình phát trực tiếp của truyền hình Iran, người dẫn chương trình đã chọn cách quỳ xuống cầu xin khán giả ở nhà.

Trong đoạn video, một người dẫn chương trình của kênh truyền hình Yazd của nhà nước Iran nói: “Không ai có thể miễn dịch với virus, nguy cơ là có thật. Tôi nói điều này như một người đàn ông, một người anh, một người cha, làm ơn hãy nghe tôi”.

MC này nói thêm: "Chúng tôi đã tìm thấy 7 trường hợp nhiễm coronavirus mới ở Yazd vào ngày thứ Năm và 57 ca vào thứ Sáu. Tại sao vậy? Mọi người vẫn ra hoạt động ngoài trời trong hai ngày qua. Hãy ở trong nhà! Tôi khẩn cầu các bạn! Tôi, với tư cách là người dẫn chương trình phát thanh và truyền hình của Cộng hòa Hồi giáo Iran, quỳ xuống trước các bạn!”.

Người dẫn chương trình này nói: “Tôi quỳ xuống và cầu xin bạn hãy ở nhà và nghĩ về bản thân, gia đình và con cái các bạn!”.



Tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) ở Trung Quốc tiếp tục lây lan mạnh ra khắp thế giới. Tại Trung Quốc, số bị bệnh mới và nghi nhiễm tiếp tục giảm, số người đã khỏi bệnh xuất viện tăng; Vũ Hán đã đóng cửa toàn bộ 14 bệnh viện dã chiến. Trừ tỉnh Hồ Bắc, các địa phương khác đã dần khôi phục các hoạt động bình thường như giao thông công cộng, phục hồi sản xuất, nhưng cả nước hiện vẫn còn hơn 17 ngàn người đang điều trị tại các bệnh viện, số ca tử vong vẫn ở mức 17 người/ngày. Chuyên gia Trung Quốc Lý Lan Quyên dự báo đến cuối tháng 3 có thể chấm dứt số người mới nhiễm bệnh. 

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn ra phức tạp và rất nghiêm trọng tại một số nước châu Á như Hàn Quốc, Iran, Nhật; đặc biệt là các quốc gia châu Âu như Italy, Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch và Mỹ ...Đã có ít nhất 114 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới bị dịch bệnh COVID-19 tấn công với số người mới bị bệnh, số tử vong đều tăng rất nhanh. Tổng số ca bị bệnh ngoài Trung Quốc đã hơn 31 ngàn người, số tử vong đang tăng rất nhanh (hơn 200 người/ngày). 

Các bệnh nhân cuối cùng ở Bệnh viện khoang vuông Vũ Xương xuất viện, bệnh viện dã chiến cuối cùng ở Vũ Hán đóng cửa (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Trung Quốc Guancha, tính đến 24h00 đêm 10/3, số ca mắc bệnh trong cả nước này được báo cáo là 80.932 (tăng 28 ca); nghi nhiễm 72 ca (tăng 5), đã xuất viện 60.205 người, (tăng 1.513) số người tử vong đã lên tới 3.140 (tăng 17); đang điều trị 17.587 người

Tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch bệnh theo thống kê sơ bộ có 67.760 ca bị bệnh (tăng 17, Vũ Hán 49.965); đã chữa khỏi 47.743 (Vũ Hán 31.975), tử vong 3.024 (Vũ Hán 2.404).

Hồng Kông đã có 118 người bị bệnh (chết 3), Đài Loan: 47 ca (chết 1), Ma Cao: 10 người bị bệnh.

Tính đến 6 giờ sáng ngày 11/3, trên toàn thế giới đã có ít nhất 114 quốc gia và vùng lãnh thổ bị dịch bệnh COVID-19 tấn công với ít nhất 116.254 người bị bệnh (tăng 4.795 người), chết 4.084 người (tăng 204 người). Trong đó, châu Á: 98.099, chết 3.506, đã chữa khỏi 63.482 (trong đó, các quốc gia bị nặng ngoài Trung Quốc là: Hàn Quốc: bị bệnh 7.513, chết 54; Iran: 8.042, chết 291, Nhật Bản: 581 chết 12; Singapore: 166 người bị bệnh; Malaysia: 129, Barain: 109); tàu Diamond Princess: 696, chết 6; tàu Grand Princess: 21; châu Âu 16.358, tử vong 541 (riêng Italy 9.172 người bị bệnh, chết 463; Tây Ban Nha: 1.648, chết 35; Pháp: 1.606, chết 30; Đức: 1.239, chết 2, Anh: 319, chết 2; Thụy Sỹ: 476, chết 3; Bỉ: 239; Thụy Điển: 326; Na Uy: 169; Hà Lan: 382; Đan Mạch: 113; Áo: 157); châu Mỹ 875, chết 28 (Mỹ: bị bệnh: 704, chết 26) , châu Đại Dương 106, chết 3; châu Phi 99.

Nhiều người Iran bị chết và ngộ độc vì rượu giả (Ảnh: Toutiao).

Tin là uống rượu có thể diệt được virus Corona mới, 27 người Iran chết vì rượu giả

Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Iran, khu vực bị ảnh hưởng nặng ở Trung Đông, trong khi người dân địa phương lo lắng thì trên mạng xã hội đang lan truyền những phương pháp sai lầm như uống rượu có thể phòng chống dịch bệnh khiến ít nhất 27 người bị chết vì uống phải  rượu giả làm bằng cồn công nghiệp.

Hãng thông tấn Mehr của Iran đưa tin, khi dịch bệnh đang bùng phát, trên mạng xã hội địa phương đã lan truyền nhiều phương pháp phòng ngừa và điều trị dịch bệnh không khoa học hoặc vô căn cứ. Tại Khuzestan và Alborz, những tin đồn đã giết chết ít nhất 27 người vì nghiện rượu.

Iran trước nay luôn tuân thủ nghiêm ngặt việc cấm rượu và các sản phẩm có cồn như rượu vang đỏ cũng bị cấm bán. Khi trên các cơ quan truyền thông địa phương nói uống rượu có thể chống lại dịch bệnh, một số người đã uống nhầm cồn công nghiệp dùng để khử trùng được bán trên thị trường. Cũng có báo nói có người mua phải rượu giả bị pha nhiều methanol gây nên các sự cố đáng tiếc.

Tại tỉnh Khuzestan, ít nhất 20 người chết trúng độc cồn và 218 người phải nhập viện cấp cứu. Một người trong số họ bị mù và một số người đang trong tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, ít nhất 7 người chết trúng độc cồn ở tỉnh Alborz.

Các chuyên gia chỉ ra rằng nếu một lượng lớn methanol đưa vào cơ thể có thể gây mù, tổn thương gan và thậm chí tử vong. Điều đáng nói là số ca được chẩn đoán bị COVID-19 chính thức của tỉnh Khuzestan là 73, ít hơn nhiều so với số bệnh nhân nhập viện vì trúng độc cồn.

Số người nhiễm COVID-19 ở Tây Ban Nha đang tăng đột biến (Ảnh: Guancha).

Số người bị nhiễm COVID-19 ở Tây Ban Nha đã lên 1.622

 Bộ Y tế Tây Ban Nha hôm 10/3 cho biết số ca bệnh COVID-19 được xác nhận ở Tây Ban Nha đã là 1.622, tăng 623 ca trong 24 giờ qua. Chính phủ đã quyết định thực hiện một loạt các biện pháp mới để kiểm soát ổ dịch.

Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết 101 bệnh nhân được xác nhận đang được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt, 35 người trong số họ đã chết và 135 người đã được chữa khỏi. Có 782 ca được xác nhận ở Madrid, chiếm khoảng một nửa số ca của cả nước và 21 trường hợp tử vong.

Bộ trưởng Bộ Y tế Tây Ban Nha El Salvador Ilya cho biết trong một cuộc họp báo cùng ngày rằng Tây Ban Nha sẽ tạm dừng các chuyến bay trực tiếp từ Italy đến tất cả các sân bay ở Tây Ban Nha từ 01h00 ngày 11 đến 25/3, các trận bóng đá của giải La Liga và các giải thể thao khác sẽ được tổ chức mà không có khán giả. Tại ba khu vực, trong đó có Madrid, nơi dịch bệnh nghiêm trọng nhất, mọi hoạt động với hơn một nghìn người trong không gian kín đều bị đình chỉ.

Quốc hội Tây Ban Nha cũng đã tuyên bố sẽ đình chỉ hoạt động trong tuần tới. Ông Ortega Smith, Tổng thư ký của “Phong trào lên tiếng” Tây Ban Nha, đã được chẩn đoán nhiễm bệnh. Hôm 9/3, ông đã tham dự một cuộc mít tinh gần 9.000 người của đảng này ở Madrid.