|
Một số địa phương ở Trung Quốc đã mở cửa trở lại dịch vụ ăn uống nhưng khách ăn phải kiểm tra thân nhiệt và ngồi riêng (Ảnh: CNS). |
Ngâm người trong bể phân bò để ...chống dịch COVID-19
Một số người ở bang Karnataka phía Nam Ấn Độ đã ngâm người trong bể phân bò để...chống lại dịch bệnh COVID-19. Một số nhà lập pháp địa phương đã nói rằng phân bò là một chất khử trùng có thể trị được SARS-CoV-2 và cải thiện khả năng miễn dịch. Phương pháp chống dịch hoang đường rõ ràng rất nực cười, nhưng không thiếu các phương pháp chống dịch chẳng dựa trên bằng chứng khoa học nào. Trong những tháng gần đây, tại Hồng Kông đã có nhiều tin đồn gây hoang mang, xảy ra nạn cướp giấy vệ sinh và cướp gạo. Việc áp dụng các cách này chẳng những không có tác dụng mà có thể hại mình hại người khác.
Italy quyết định phong tỏa cả nước đến ngày 3/4
|
Tối 9/3 theo giờ địa phương, Thủ tướng Italy Conte đã tuyên bố ban hành sắc lệnh phong tỏa toàn quốc (Ảnh: Đông Phương).
|
Theo trang tin Đông Phương, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Italy đang diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ trong ngày 9/3 đã có thêm 1.797 ca nhiễm bệnh mới với 97 ca tử vong; đưa tổng số lên 9.172 người bị nhiễm bệnh và 463 người chết.
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte tối 9/3 đã ký ban hành một sắc lệnh mới, quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Quyết định có hiệu lực ngay từ hôm nay 10/3 đến ngày 3/4 khiến đất nước hơn 60 triệu dân này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bị phong tỏa.
Theo sắc lệnh, sẽ thực hiện phong tỏa cả nước kể từ ngày 10/3. Mọi người dân Italia được yêu cầu ở trong nhà, hạn chế tối đa việc di chuyển để tránh nguy cơ dịch lan rộng. Người dân sẽ chỉ được phép ra khỏi khu vực cư trú vì mục đích công việc, lý do sức khỏe hoặc các trường hợp khẩn cấp khác. Các trường học đóng cửa, các quán ăn, quán bar, quán cà-phê phải đóng cửa trước khi trời tối; cấm toàn bộ các hoạt động về đêm.
Sắc lệnh cũng buộc tất cả các sự kiện thi đấu thể thao phải tạm hoãn đến sau ngày 3/4. Trước đó, Ủy ban Olympic Italy đã tuyên bố rằng tất cả các sự kiện thể thao trong nước sẽ bị đình chỉ cho đến ngày 3/3; tuy nhiên do giải Serie A không thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Olimpic nên chính phủ sẽ có sắc lệnh riêng buộc giải này ngừng thi đấu; Liên đoàn bóng đá Italy và đội tuyển quốc gia sẽ không bị ảnh hưởng bới lệnh cấm này khi tham gia các giải thi đấu quốc tế. Italia cũng sẽ tăng cường kiểm soát tại các nhà ga, sân bay và cấm tất cả du thuyền cập cảng.
Trước đó, chính phủ Italia đã yêu cầu đóng cửa các rạp chiếu phim, bảo tàng và cho học sinh nghỉ học đến đầu tháng 4.
Phát biểu tại cuộc họp báo tối 9/3, Thủ tướng Conte nói: “Quyết định đúng đắn hôm nay là ở trong nhà. Tương lai của chúng ta, tương lai của Italia nằm trong tay chúng ta. Lúc này chúng ta cần phải có trách nhiệm hơn bất cứ lúc nào trước đây...Chúng ta không còn nhiều thời gian”.
Sắc lệnh phong tỏa toàn quốc của Italia được đưa ra chỉ không đầy 48 giờ sau khi chính phủ Italia ban bố lệnh phong tỏa các vùng dịch ở 14 tỉnh phía Bắc và vùng Lombardy với gần 16 triệu dân. Tuy nhiên, bất chấp lệnh phong tỏa này, số ca mắc và tử vong vì Covid-19 vẫn tăng mạnh.
Hiện Italia đã trở thành “ổ dịch” lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Cộng hòa Sip có các ca nhiễm đầu tiên, toàn bộ 27 quốc gia EU đã “thất thủ” trước dịch bệnh COVID-19
|
Bộ trưởng Y tế Síp Ioannu thông báo nước này đã có 2 ca nhiễm COVID-19 (Ảnh: Lianhezaobao).
|
Theo Lianhezaobao của Singapore ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Cộng hòa Síp, Ioannu, nói hôm 9/3 theo giờ địa phương: 2 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên được xác nhận đã xuất hiện ở Síp, cả 2 đều là trường hợp nhập khẩu từ ngoài vào.
Ông Ioannu nói trong cuộc họp báo, 1 trong hai trường hợp là một nhân viên y tế 64 tuổi trở về từ Vương quốc Anh và người kia là một người đàn ông 25 tuổi đến từ Italy. Một phòng thí nghiệm đã xác nhận 2 trường hợp dương tính sau khi kiểm tra khoảng 50 trường hợp nghi nhiễm.
Ioannu nói rằng nhân viên y tế bị bệnh đã trở về từ Anh vào ngày 3/3, các triệu chứng xuất hiện vào ngày hôm đó nhưng Bộ Y tế không được thông báo cho đến ngày 8/3. Nhà chức trách đang theo dõi tất cả những người đã liên lạc với ông ta. Sau khi trở về từ Italy vào ngày 26/2, người đàn ông 25 tuổi được xác nhận đã tự cách ly theo khuyến nghị của nhân viên y tế. Vào ngày 5/3, anh ta đã thông báo cho cơ quan y tế về các triệu chứng của bệnh COVID-19.
Cộng hòa Síp là một thành viên của Liên minh châu Âu EU. Cho đến nay, tất cả 27 quốc gia thành viên của EU đều đã xác nhận có các trường hợp lây nhiễm bệnh COVID-19,
Mông Cổ “thất thủ” trước COVID-19, thực hiện phong tỏa tất cả các tỉnh lỵ và thủ đô
|
Thủ đô Ulaanbaatar và các tỉnh lỵ của Mông Cổ đều bị phong tỏa sau khi có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên (Ảnh: Đông Phương).
|
Mông Cổ đã trở thành quốc gia và khu vực mới nhất bị “thất thủ” trước dịch COVID-19. Quốc gia này xác nhận ca bệnh đầu tiên vào Thứ Ba 10/10. Bệnh nhân là công dân Pháp và là một trường hợp nhập cảnh. Thủ đô Ulaanbaatar và thủ phủ của tất cả các tỉnh đã được phong tỏa kể từ hôm nay.
Bệnh nhân là một nhân viên nam của một công ty hạt nhân của Pháp. Ông ta bay tới Ulaanbaatar từ Moscow, Nga vào hôm 2/3, bị sốt hôm 7/3. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy bị viêm phổi do Coronavirus, hiện ông đang bị cách ly. Bộ Y tế nói rằng bệnh nhân đáng lẽ phải được cách ly trong khách sạn trong 14 ngày sau khi bị sốt, nhưng ông ta đã phớt lờ các khuyến nghị của chính quyền và ra ngoài để kiểm tra một mỏ uranium.
Kết quả, hơn 120 người đã bị cách ly do tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân và hơn 500 người đã gián tiếp tiếp xúc với bệnh nhân phải theo dõi y tế. Hai công dân Mông Cổ ở gần bệnh nhân phải rời khỏi khu vực cư trú và chính quyền cho biết họ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật.
Ủy ban khẩn cấp quốc gia Mông Cổ đã họp vào để thảo luận về các biện pháp đối phó với dịch bệnh và sau đó tuyên bố rằng Ulaanbaatar và thủ phủ của tất cả các tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp cách ly từ nay đến thứ hai tuần sau (16/3). Trong thời gian đó các công dân không được ra hay vào thành phố, giao thông đường không và đường bộ phải tạm ngừng.
Để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, Mông Cổ đã quyết định gia hạn lệnh cấm các chuyến bay đi và đến Nhật Bản và Hàn Quốc cho đến ngày 28 tháng này. Tất cả người nước ngoài từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý và Iran hoặc những người đã đến các quốc gia có nguy cơ cao này trong vòng hai tuần đều không được nhập cảnh; công dân Mông Cổ trở về từ các quốc gia nói trên sẽ bị cách ly trong 14 ngày bằng chi phí tự trả.
Australia: đã có hơn 100 người nhiễm bệnh, siêu thị bán mỗi người 1 cuộn giấy vệ sinh
|
Sieu thị ở Australia hết nhẵn hàng; giấy vệ sinh cũng bị hạn chế mức mua chỉ 1-2 cuộn/người (Ảnh: Đông Phương).
|
Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lan rộng ở Australia. Bang New South Wales đã tăng nhiều ca mắc bệnh vào hôm nay 10/10; trong đó 1 bệnh nhân gần đây đã đến Hồng Kông. Số ca nhiễm bệnh trên toàn quốc tăng lên 101 và số ca tử vong là 3. Thủ tướng Morrison có kế hoạch công bố kế hoạch kích thích nền kinh tế, dự kiến sẽ là 10 tỷ đô la Australia. Ông cũng cho rằng tác động của COVID-19 có thể nghiêm trọng hơn so với sóng thần tài chính toàn cầu năm 2008.
New South Wales là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất, với tổng số 55 trường hợp cho đến nay. Một bệnh nhân nam ở độ tuổi 20 sống ở Victoria mới trở về từ Hồng Kông, một bệnh nhân nữ khác ở độ tuổi 40 mới trở về từ Hàn Quốc, hiện tại chính quyền đang theo dõi nguồn lây nhiễm ở những bệnh nhân mới khác. Ngoài ra, một bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu ở Sydney kêu gọi mọi người trong thành phố phải tự cách ly trong hai tuần để giảm bớt các trường hợp và giảm gánh nặng y tế.
Ngoài ra, Morrison nói rằng chính phủ sẽ công bố gói kích thích kinh tế khoảng 10 tỷ đô la Australia để giảm tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế, nhưng không có thông tin chi tiết nào được công bố. Ông cũng chỉ ra rằng gói kích thích có thể giúp tránh thất nghiệp và hỗ trợ hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, nhưng nói rằng các biện pháp này là phù hợp và có tính tạm thời, nhưng có thể được tăng lên theo thời gian và mức độ nghiêm trọng của tác động kinh tế.
Trong lúc dịch bệnh, đã xuất hiện cơn sốt tranh mua, với giấy vệ sinh được tìm kiếm nhiều nhất. Woolworths, một chuỗi siêu thị lớn, trước đó đã công bố giới hạn chỉ bán 4 cuộn giấy vệ sinh mỗi người. Đến Chủ nhật để đảm bảo cung cấp đủ, siêu thị lại giới hạn mỗi người chỉ được mua 2 cuộn. Trong khi đó ở Coles, một chuỗi siêu thị khác, đã giảm số lượng hạn mức mua giấy vệ sinh xuống còn 1 cuộn/người.
Vụ sập khách sạn sử dụng cách ly người nghi nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc: 20 người đã chết, vẫn còn 10 người bị vùi
|
Sau 3 ngày cứu hộ vẫn còn 10 người chưa được tìm thấy (Ảnh: Sina).
|
Ông Thường Dũng, Thứ trưởng Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc cho biết đến trưa nay đã có 20 người chết trong vụ sụp đổ khách sạn Hân Giai ở Tuyền Châu, Phúc Kiến. Hiện vẫn còn 10 người bị vùi dưới đống đổ nát; việc tìm cứu vẫn đang được tiến hành. Trong số 61 người được tìm thấy có 20 người chết, 41 người bị thương.
Ông nói trong một cuộc họp báo do Văn phòng thông tin Quốc Vụ viện tổ chức rằng 63 giờ đã trôi qua kể từ vụ tai nạn, hiện tại chỉ còn 9 giờ cho 72 giờ vàng để giải cứu. Hiện nhiều phương tiện công nghệ khác nhau đang được sử dụng để phát hiện các dấu hiệu của sự sống.
Ông nói rằng bước đầu người ta cho rằng đây là một sự cố trách nhiệm an toàn lao động. Khách sạn được xây dựng trái phép và liên tục vi phạm các quy định.
Thường Dũng cho biết sau khi cuộc giải cứu kết thúc, một cuộc điều tra toàn diện sẽ được triển khai để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và để truy cứu trách nhiệm người có liên quan theo đúng luật pháp và quy định.
Vào tối ngày 7 tháng 3, một vụ sập tòa nhà đã xảy ra tại khách sạn Hân Giai ở quận Lý Thành, thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến. Vào thời điểm đó, khoảng 70 người đã bị mắc kẹt. Đây là một khách sạn được địa phương sử dụng để cách ly những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân bị COVID-19.
Tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) ở Trung Quốc tiếp tục lây lan mạnh ra khắp thế giới. Tại Trung Quốc, số bị bệnh mới và nghi nhiễm tiếp tục giảm, số người đã khỏi bệnh xuất viện tăng; Vũ Hán đã đóng cửa phần lớn các bệnh viện dã chiến; một số địa phương đã cho phép mở lại các nhà hàng ăn uống nhưng kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu khách ăn không ngồi chung bàn, đảm bảo khoảng cách thích hợp; nhiều thành phố tiếp tục khôi phục hoạt động giao thông công cộng, phục hồi sản xuất, nhưng cả nước hiện vẫn còn gần 19 ngàn người đang điều trị tại các bệnh viện, số ca tử vong vẫn ở mức gần 30 người/ngày.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn ra phức tạp và rất nghiêm trọng tại một số nước như Hàn Quốc, Italy, Iran, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Bỉ ...Đã có ít nhất 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới bị dịch bệnh COVID-19 tấn công với số người mới bị bệnh, số tử vong đều tăng rất nhanh. Tổng số ca bị bệnh ngoài Trung Quốc đã hơn 30 ngàn người, số tử vong đang tăng nhanh (230 người/ngày).
Theo trang tin Trung Quốc Guancha, tính đến 24h00 đêm 9/3, số ca mắc bệnh trong cả nước này được báo cáo là 80.905 (tăng 46 ca); nghi nhiễm 421 ca (tăng 60), đã xuất viện 58.831 người, (tăng 1.681) số người tử vong đã lên tới 3.124 (tăng 24); đang điều trị 18.950 người
Tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch bệnh theo thống kê sơ bộ có 67.743 ca bị bệnh (Vũ Hán 49.948); đã chữa khỏi 46.488 (Vũ Hán 30.987), tử vong 3.008 (Vũ Hán 2.389).
Hồng Kông đã có 115 người bị bệnh (chết 3), Đài Loan: 45 ca (chết 1), Ma Cao: 10 người bị bệnh.
Tính đến 6 giờ sáng ngày 10/3, trên toàn thế giới đã có ít nhất 110 quốc gia và vùng lãnh thổ bị dịch bệnh COVID-19 tấn công với ít nhất 111.459 người bị bệnh (tăng 4.381 người), chết 3.880 người (tăng 230 người). Trong đó, châu Á: 96.884, chết 3.431, đã chữa khỏi 61.423 (trong đó, các quốc gia bị nặng ngoài Trung Quốc là: Hàn Quốc: bị bệnh 7.478, chết 53; Iran: 7.161 chết 237, Nhật Bản: 514 chết 9; Singapore: 138 người bị bệnh; Malaysia: 117, Barain: 109); tàu Diamond Princess: 696, chết 6; tàu Grand Princess: 21; châu Âu 12.961, tử vong 424 (riêng Italy có 7.375 người bị bệnh, chết 366; Tây Ban Nha: 1.204, chết 28; Pháp: 1.412, chết 25; Đức: 1.112, Anh: 206, chết 2; Thụy Sỹ: 312, chết 2; Bỉ: 239, Thụy Điển: 213, Na Uy: 169, Hà Lan: 188); châu Mỹ 721, chết 22 (Mỹ: bị bệnh: 572, chết 21) , châu Đại Dương 88, chết 3; châu Phi 88.
|
Để đề phòng dịch bệnh lây lan, Iran quyết định cho 70 ngàn tù nhân nghỉ phép (Ảnh: Guancha).
|
Iran cho 70 ngàn tù nhân nghỉ phép để phòng dịch
Người đứng đầu cơ quan tư pháp Iran, Hojatoleslam Ebrahim Raeisi nói, khoảng 70.000 tù nhân trên khắp đất nước đã được nghỉ phép như một phần của các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Ông không cho biết khi nào thì các tù nhân này sẽ quay trở lại nhà tù.
Theo một bài báo ngày 9/3 của hãng tin Tasnim của Iran, ông Raeisi cho biết tại một cuộc họp của Ủy ban tư pháp cấp cao rằng các tòa án trên cả nước đã phê chuẩn cho các tù nhân đủ điều kiện được nghỉ phép như là một phần của các biện pháp phòng ngừa COVID-19.
Ông Raeisi nói rằng các tù nhân tiềm ẩn mắc bệnh được ưu tiên nghỉ phép trước và khuyến khích các biện pháp phòng ngừa được xem xét để đồng thời với việc tránh làm suy giảm an ninh xã hội trong khi cho các tù nhân thời gian nghỉ nhiều hơn.
Ông Raeisi tuyên bố thêm rằng tại thời điểm nhu cầu ngày càng tăng của công chúng đối với vật tư y tế, tòa án đang nhanh chóng xử lý các vụ kiện liên quan đến những kẻ đầu cơ tích trữ. Ông cũng nói rằng các phiên tòa xét xử những kẻ tích trữ của tòa án sẽ luân lưu tiến hành.
The Guardian ngày 9 đưa tin, nhiều tù nhân ở Iran đã được thả tạm thời vì lo ngại SARS-CoV-2 có thể lây lan nhanh chóng trong các nhà tù. Tuy nhiên, quyết định phóng thích chỉ áp dụng cho các tù nhân có bản án dưới năm năm. Hầu hết các tù nhân chính trị có bản án dài hơn không được thả.
Bộ Y tế Iran ngày 9/3 tuyên bố 595 trường hợp COVID-19 mới đã được thêm vào Iran trong ngày hôm qua, đưa số người bị bệnh lên 7.161 với 43 ca tử vong mới đưa số người chết lên 237 và 2.394 trường hợp đã được chữa khỏi.
|
Một số quốc gia đã đóng cửa sứ quán và di tản công dân khỏi Triều Tiên vì lo ngại dịch bệnh (Ảnh AFP).
|
Lo ngại dịch bệnh COVID-19, một số nước đóng cửa sứ quán, rút nhân viên ngoại giao khỏi Triều Tiên
Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng ngày 9/3 cho biết Đức, Pháp và Thụy Sĩ đã đóng cửa đại sứ quán, sơ tán nhân viên khỏi Triều Tiên cùng ngày vì lo ngại về dịch COVID-19.
Mặc dù Triều Tiên chưa xác nhận bất kỳ trường hợp mắc bệnh COVID-19 nào trên lãnh thổ của mình, nhưng để hạn chế sự lây lan của virut, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nếu có một trường hợp được xác nhận bị COVID-19 thì công dân nước đó vào Bắc Triều Tiên đều phải cách ly trong 30 ngày. Chính phủ Triều Tiên cũng đã tăng cường cách ly người dân, cũng như tăng cường kiểm tra biên giới.
Bắc Triều Tiên hiện đang bị kẹp giữa hai quốc gia có dịch bệnh nghiêm trọng là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đại sứ quán Nga hôm nay cho biết, một chiếc máy bay chở khách của hãng Air Koryo của Triều Tiên, đã chở khoảng 80 nhà ngoại giao, doanh nhân và nhân viên cứu trợ nước ngoài rời Bình Nhưỡng tới thành phố Vladivostok ở Viễn Đông của Nga.
Đại sứ quán Nga cho biết, 80 hành khách trên tàu, bao gồm các nhà ngoại giao Đức, Pháp và Thụy Sĩ; tất cả đều đã đình chỉ công việc ở Bình Nhưỡng, bao gồm 13 nhân viên đại sứ quán và gia đình của họ, 35 nhân viên cứu trợ và một số doanh nhân không xác định.
Ngoài ra, Đại sứ quán Nga cũng viết trên trang Facebook chính thức của họ “các nhà ngoại giao và thành viên gia đình của Ba Lan, Romania, Mông Cổ và Ai Cập” đã quyết định trở về quê hương để chấp nhận cách ly.
Tuy nhiên, Đại sứ Anh tại Bình Nhưỡng nói, đại sứ quán Anh sẽ vẫn hoạt động.
Reuters đã hỏi các đại sứ quán Đức và Pháp tại Hàn Quốc nhưng không nhận được phản hồi nào về việc đình chỉ các hoạt động tại Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên đã tiến hành cách ly một tháng đối với nhân viên đại sứ quán nước ngoài như là biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chỉ trong tuần trước, hơn 200 nhà ngoại giao của các quốc gia khác nhau mới được dỡ bỏ cách ly và có thể rời khỏi đại sứ quán và nơi cư trú.