|
Tháng 2/2016, Thái Hi Hữu, tổng giám đốc Tổng công ty xuất nhập khẩu hóa chất Trung Quốc (Sinochem) bị ngã ngựa. Ảnh: báo Phượng Hoàng. |
Tờ Đa Chiều của Mỹ ngày 2/10 cho hay cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc được tiến hành kể từ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đến nay đã là năm thứ tư.
Trong 3 quý vừa qua của năm 2016, tổng cộng có 19 quan chức cấp cao bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương thông báo ngã ngựa, số lượng thấp hơn một chút so với 24 người cùng kỳ năm 2015.
Trang tin Caixin Trung Quốc ngày 2/10 cho hay, "con hổ đầu tiên" bị điều tra trong năm 2016 là Trần Tuyết Phong, thường vụ tỉnh ủy Hà Nam, bí thư thành ủy Lạc Dương.
15 giờ ngày 16/1, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc thông qua trang tin chính thức thông báo Trần Tuyết Phong bị tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật nên bị điều tra.
Sau 3 ngày bắt giữ Trần Tuyết Phong, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương lại tiếp tục tung một cú đấm mạnh khác.
18 giờ ngày 19/1, Cung Thanh Khái, phó chủ nhiệm Văn phòng công tác Đài Loan - người từng công tác lâu dài ở tỉnh Phúc Kiến - bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương xác nhận bị điều tra.
Trong cùng thời khắc của một tuần sau, vào lúc 18 giờ 40 phút ngày 26/1 (giờ địa phương), Vương Bảo An, bí thư tổ đảng, cục trưởng Cục thống kê quốc gia cũng bị thông báo điều tra. Đến đây, tháng đầu tiên của năm 2016, có 3 con "hổ" đã bị sa lưới, với tần suất thông báo là "một tuần một hổ".
Bước sang tháng 2/2016, công tác "đả hổ" của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc tập trung vào tuần cuối cùng trước tết âm lịch. Chỉ trong 3 ngày từ ngày 4 đến ngày 6/2/2016, Lưu Chí Canh - phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông và Thái Hi Hữu - tổng giám đốc Tổng công ty xuất nhập khẩu hóa chất Trung Quốc (Sinochem) đều bị sa lưới.
Tháng 3/2016 là thời gian Trung Quốc tổ chức "Lưỡng hội" (kỳ họp của Quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc), Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương đã tiếp tục cách làm "Lưỡng hội không quên đả hổ" như năm 2015.
Ngày 4/3/2016, một ngày trước khi kỳ họp thứ 4 Quốc hội Trung Quốc được tổ chức, Vương Mân - phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Khoa học, Văn hóa, Y tế - Quốc hội khóa 12 Trung Quốc đã bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương bắt giữ. Vương Mân từng làm bí thư tỉnh ủy Cát Lâm và Liêu Ninh, là Ủy viên Trung ương khóa 17 và 18.
Ngày 16/3, khi kỳ họp "Lưỡng hội" vừa bế mạc, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương đã liên tiếp tấn công 2 "hổ", gồm: Lư Tử Dược - phó bí thư thành ủy, chủ tịch thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang; Vương Dương - phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân (Nhân đại) tỉnh Liêu Ninh. Họ bị điều tra do bị quy tội là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Cùng kỳ năm trước, tức là trước, trong và sau kỳ họp "Lưỡng hội" năm 2015, tổng cộng có 5 cán bộ cấp “phó tỉnh” ngã ngựa, bao gồm: Cảnh Xuân Hoa - nguyên thường vụ tỉnh ủy, nguyên tổng thư ký tỉnh ủy Hà Bắc; Lật Trí - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Nhân đại Tân Cương; Cừu Hòa - nguyên phó bí thư tỉnh ủy Vân Nam; Từ Kiến Nhất - nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn ô tô số 1 Trung Quốc (FAW); Liêu Vĩnh Viễn - nguyên tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).
So với cùng kỳ năm 2015, số lượng "đả hổ" trong thời gian kỳ họp "Lưỡng hội" Trung Quốc năm 2016 mặc dù không bằng, nhưng cùng với việc Vương Mân và Vương Dương ngã ngựa, vụ mua bán phiếu bầu Liêu Ninh, một trong những điểm đáng quan tâm nhất trong chống tham nhũng của 3 quý vừa qua trong năm 2016 đã dần dần lộ diện.
15 giờ 30 phút ngày 6/4, Tô Hoành Chương - thường vụ tỉnh ủy, bí thư ủy ban chính pháp tỉnh Liêu Ninh bị ngã ngựa. 11 giờ ngày 26/8, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã trực tiếp tuyên bố tiến hành xử lý đối với Trịnh Ngọc Trác, phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Nhân đại tỉnh Liêu Ninh.
Vương Mân, Vương Dương, Tô Hoành Chương, Trịnh Ngọc Trác đều liên quan đến vụ mua bán phiếu bầu ở Liêu Ninh.
Vương Mân sau đó được thông báo "trên cương vị bí thư tỉnh ủy, đã không thực hiện trách nhiệm chính trị trong quản lý đảng, không thực hiện chức trách người đứng đầu trong công tác nhiệm kỳ mới theo yêu cầu của Trung ương, có trách nhiệm lãnh đạo chủ yếu và trách nhiệm trực tiếp đối với việc xảy ra vấn đề mua bán phiếu bầu trong cuộc bầu cử ở tỉnh Liêu Ninh".
Tình tiết mua bán phiếu bầu của Trịnh Ngọc Trác và Vương Dương đã bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc khẳng định có liên quan đến phạm tội.
Gần đây, ở tỉnh Liêu Ninh nổi cộm một loạt vụ mua phiếu bầu liên quan đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Trung Quốc khóa 12, bầu cử phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Nhân đại tỉnh Liêu Ninh khóa 12, thậm chí còn liên quan đến bầu cử thường vụ tỉnh ủy Liêu Ninh trước đó.
Điều gây phẫn nộ nhất cho cấp cao Trung ương Trung Quốc là trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12 từ tháng 12/2012 đến tháng 1/2013, tỉnh Liêu Ninh đã xảy ra vụ mua phiếu bầu của một bộ phận đại biểu.
Sau khi làm rõ vụ này, tổng cộng có 45 đại biểu Quốc hội, 523 đại biểu Nhân đại tỉnh liên quan vụ án. Có 38 trong số 62 ủy viên của Ủy ban thường vụ Nhân đại khóa 12 tỉnh Liêu Ninh bị chấm dứt tư cách đại biểu.
Một loạt vụ mua bán phiếu bầu ở tỉnh Liêu Ninh là vụ mua bán phiếu bầu đầu tiên xảy ra ở cấp tỉnh được đưa ra xét xử kể từ khi nước Trung Quốc mới thành lập cho đến nay. Hiện nay, vụ án này vẫn còn đang có ảnh hưởng tiêu cực.
Một điểm đáng chú ý nữa trong chống tham nhũng từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 4/2016 là Tổ thanh tra Trung ương đã tiến hành thanh tra đối với 4 tỉnh gồm Liêu Ninh, An Huy, Sơn Đông và Hồ Nam. Ngoài Hồ Nam, 3 tỉnh còn lại đều có quan chức cấp tỉnh, bộ trở lên bị ngã ngựa.
Vương Mân, Vương Dương và Tô Hoành Chương trong vụ mua bán phiếu bầu ở Liêu Ninh đều bị ngã ngựa khi bị thanh tra. Dương Lỗ Dự - nguyên chủ tịch thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông bị tuyên bố điều tra chính thức cùng ngày với Tô Hoành Chương. Sau khi kết thúc đợt thanh tra không lâu, chập tối ngày 24/5, Dương Chấn Siêu - phó chủ tịch tỉnh An Huy đã bị "ngã ngựa".
Từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8/2016, Thanh tra Trung ương tiếp tục triển khai nhiệm vụ ở 4 tỉnh thành gồm Thiên Tân, Giang Tây, Hà Nam, Hồ Bắc. Nhìn vào thông báo vừa qua, chỉ có quan chức cấp cao cấp tỉnh, bộ của Thiên Tân bị điều tra.
Đáng chú ý, 15 giờ ngày 22/8, Doãn Hải Lâm - phó chủ tịch thành phố Thiên Tân bị điều tra. Đêm ngày 10/9, Hoàng Hưng Quốc - quyền bí thư thành ủy, chủ tịch thành phố Thiên Tân cũng bị công bố ngã ngựa.
Tóm lại, trong 19 quan chức cấp cao bị điều tra trong 3 quý vừa qua, quan to địa phương đã chiếm tỷ lệ lớn nhất, lên tới 15 người, Liêu Ninh lại là khu vực trọng điểm, có tới 4 người. Có 2 người đến từ cơ quan Trung ương như Cung Thanh Khái, Vương Bảo An.
Ngoài ra còn có 2 "hổ" đến từ doanh nghiệp trung ương là Thái Hi Hữu và Diêu Trung Dân - nguyên kiểm soát viên của Ngân hàng Phát triển Quốc gia (bị điều tra vào ngày 6/6/2016).
Trong 19 quan chức cấp cao bị ngã ngựa của 3 quý vừa qua, có 2 người là ủy viên Trung ương Đảng (Vương Mân và Hoàng Hưng Quốc) và 1 người là ủy viên dự khuyết Trung ương (Lý Vân Phong) khóa 18. Đến đây, đã có 23 ủy viên Trung ương và ủy viên dự khuyết Trung ương khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị ngã ngựa.