Nở rộ dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới
Bảo Quỳnh (Ba Đình, Hà Nội) kể từ cuối tháng 11 Âm lịch, khi tới 2 ngân hàng đổi sổ tiết kiệm, chị đề nghị nhân viên đổi "vài tép" tiền mới mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng để đi lễ và mừng tuổi các cháu ở quê, nhưng đều nhận những cái lắc đầu. Họ giải thích gần 10 năm nay Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền mệnh giá dưới 50.000 đồng vào dịp Tết Nguyên đán.
Khó khăn trong đổi tiền tại các ngân hàng, Quỳnh tìm tới các hội nhóm trên mạng xã hội. Chị khảo giá qua một số chủ tài khoản nhận đổi tiền mới tại Hà Nội, loại mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng thường có phí đổi 7-10%. Nếu đổi nhiều hoặc mệnh giá lớn, phí đổi khoảng 5%. Càng cận Tết, mức phí càng cao, Quỳnh kể.
Đó là với tiền mới, nguyên seri, còn với “tiền lướt” (cách gọi loại tiền còn mới đã qua sử dụng, không còn nguyên seri), mức phí cho mệnh giá nhỏ khoảng 5-7% tùy loại.
Quỳnh kể 27 Tết năm ngoái, chị phải chi 350.000 đồng tiền phí để đổi 5 triệu đồng tiền mệnh giá 50.000 đồng và 150.000 đồng phí đổi 3 thếp tiền 5.000 đồng.
Mức phí này trên các hội nhóm, Quỳnh cho rằng không quá cao so với người có nhu cầu của mình. Điều chị băn khoăn là các tài khoản đổi tiền chỉ giao dịch trực tuyến rồi chuyển "hàng" tận nơi, không cung cấp địa chỉ giao dịch và từ chối gặp trực tiếp nên không xác tín. Tuy vậy Quỳnh bảo, nếu trong vài ngày tới không tìm được chỗ đổi tiền lẻ mới, chị có thể cân nhắc sử dụng "dịch vụ" này.
Cũng như Quỳnh, nhiều người lâu nay có thói quen đổi tiền dịp Tết. “Đổi tiền lì xì tết” hay “đổi tiền mới” trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều trên mạng xã hội. Có hàng trăm bài đăng, hội nhóm liên tục mời gọi, cam kết “tiền thật”, “tiền mới”, “giá rẻ nhất thị trường”... Thậm chí, nhiều chủ tài khoản Facebook, Zalo còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho người có nhu cầu và sẵn sàng nhận cộng tác viên đăng bài để chia sẻ lợi nhuận.
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, “dân buôn tiền” trên mạng còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế tùy vào độ độc, lạ.
Dịch vụ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người có nhu cầu đổi tiền. Thực tế đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả.
Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, “bùng” tiền cọc của khách. Thông thường những người “sập bẫy” các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả đều xem như “xui”, không trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm.
Cục An toàn thông tin lưu ý hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Do đó, người dân cần cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo.
"Chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, các tổ chức có giấy phép hoạt động hợp pháp", lãnh đạo Cục An toàn thông tin lưu ý.
Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch, hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỷ giá quá cao so với thị trường.
Cục An toàn thông tin cũng lưu ý người dùng cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng. Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hay các hành vi lừa đảo, trục lợi khác, cần kịp thời trình báo cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Phạt đến 80 triệu đồng đối với hành vi đổi tiền trái phép
Trao đổi với VietTimes, luật sư Đào Thị Bích Hường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết việc đổi tiền lẻ, tiền mới để lấy chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật.
Người dân sử dụng dịch vụ tiền lẻ, tiền mới có phí chênh lệch đã tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ có chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức Tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được đổi tiền cho các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
Luật sư Hường cũng cảnh báo việc đổi tiền mới, tiền lẻ qua chào mời trên mạng tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không ít trường hợp sau khi chuyển tiền đã bị rơi vào tình huống “lấy tiền thật mua tiền giả”.
Trích dẫn điểm a, khoản 5, điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP, Luật sư Bích Hường thông tin rằng cá nhân đổi tiền không đúng quy định bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm hành chính bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, có thể lên tới 80 triệu đồng.