Khuyến khích đeo khẩu trang
Trong khi cúm mùa tiếp tục lây lan ở nhiều nước trên thế giới, dịch bệnh này cũng đang lây lan, gia tăng ca mắc ở các tỉnh phía Bắc nước ta, khiến người dân lo ngại.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai)… ghi nhận số người nhập viện do cúm tăng. Nhiều bệnh nhân phải thở máy, nằm hồi sức tích cực.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh tăng cường biện pháp phòng, chống dịch.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và quy trình báo cáo các tình huống dịch bệnh khẩn cấp.
CDC phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh, trung tâm y tế giám sát trường hợp cúm, nghi ngờ viêm phổi nặng do vi rút (SVP) trên địa bàn.
Trao đổi với VietTimes, ông Hoàng Minh Đức – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện Bộ chưa yêu cầu bắt buộc người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, nhưng khuyến cáo thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đeo khẩu trang nơi đông người, hoặc di chuyển trên phương tiện công cộng; hạn chế tiếp xúc người có dấu hiệu mắc bệnh và chủ động tiêm vắc xin cúm mùa để phòng bệnh.
Số người tiêm phòng cúm tăng đột biến
Trước diễn biến dịch cúm mùa, người dân đã chủ động đi tiêm vắc xin phòng cúm. Khảo sát ở nhiều điểm, rất đông người tới chờ tiêm.
TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ bên cạnh lượng bệnh nhân tăng cao, cơ sở y tế này cũng ghi nhận số người tới tiêm vắc xin gia tăng. Trước Tết, mỗi ngày có 12-15 khách, nhưng sau Tết tăng lên 50-60 người tiêm mỗi ngày. Riêng 2 ngày cuối tuần vừa qua, gần 300 người tới tiêm vắc xin cúm.
Số người tiêm vắc xin cúm ở Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tăng cao. Còn theo CDC tỉnh Yên Bái, số người đến tiêm vắc xin cúm ở nhiều điểm tăng 10 lần so với trước.
Tại điểm tiêm VNVC trên đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội), 2 ngày cuối tuần có tới gần 2.000 người tới tiêm. Số người tiêm vắc xin cúm chủ động ở hơn 200 điểm tiêm của hệ thống của VNVC tăng gấp 10 lần.
Khách tới tiêm đã phần là trẻ em, người lớn tuổi và có bệnh nền - nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, biến chứng, tăng khả năng nhập viện và tử vong, cần được ưu tiên bảo vệ.
Việc người dân chủ động tiêm vắc xin cúm cho thấy ý thức chủ động trong bảo vệ trước các bệnh truyền nhiễm đã nâng cao.
Vắc xin cúm giảm tỷ lệ nhập viện
Các chuyên gia cho biết vắc xin cúm giúp giảm tỷ lệ nhập viện, giảm nguy cơ trở nặng cũng như tử vong do cúm. Mùa cúm năm 2019-2020, CDC Mỹ cho biết vắc xin đã giúp giảm 7 triệu ca mắc, 100.000 bệnh nhân nhập viện và 7.000 ca tử vong.
Các nghiên cứu cho thấy những người đã tiêm vắc xin cúm có nguy cơ phải vào viện chăm sóc đặc biệt (ICU) thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với người chưa tiêm. Ở người cao tuổi và mắc bệnh nền, vắc xin giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Tiêm cúm giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.
Hiện Việt Nam có hai loại vắc xin cúm thế hệ mới, phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn.
Hiệu quả phòng bệnh được đánh giá đến 90% và ngăn biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết….
Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.