|
Do dịch bệnh bùng phát trở lại, Singapore ban hành lệnh bắt buộc người ra đường phải đeo khẩu trang. Trong ảnh: Thủ tướng Lý Hiển Long đeo khẩu trang cho người dân (Ảnh: Guancha). |
Theo Lianhe Zaobao của Singapore, trong ngày 14/4 đã có 334 ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận ở nước này và thêm 1 ca tử vong; tất cả đều là người bản địa, không có ca ngoại nhập nào, đưa tổng số trường hợp được xác nhận lên tới 3.252, 10 người đã chết.
Trong số 334 ca mới ghi nhận ngày 14/4, có 198 ca có liên quan đến các ổ dịch, 22 trường hợp liên quan đến những người được xác nhận bị bệnh trước đó và 114 trường hợp còn lại tạm thời chưa rõ nguồn lây nhiễm.
Như thế là, Singapore đã liên tiếp hai ngày có thêm hơn 300 ca nhiễm bệnh mới/ngày. Điều đáng chú ý là các ổ dịch bệnh tại các kí túc xá của công nhân người nước ngoài đã trở thành các nguồn lây nhiễm chính ở Singapore.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, chính phủ Singapore đã đột nhiên có thái độ “mạnh tay” đối với vấn đề đeo khẩu trang; chuyển từ “chúng tôi không khuyến khích người khỏe mạnh đeo khẩu trang” trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, sang “bắt buộc tất cả mọi người phải đeo khẩu trang khi ra ngoài”. Ai không chấp hành sẽ bị trừng phạt nặng.
|
Kẻ ô để thực hiện gián cách xã hội trong trung tâm thương mại ở Singapore (Ảnh: Tân Hoa xã).
|
Mặc dù Singapore trước đây đã áp dụng biện pháp đóng cửa quốc gia, giúp giảm đáng kể số lượng các trường hợp người bị bệnh nhập cảnh từ nước ngoài, nhưng các trường hợp lây nhiễm tại địa phương đã không được kiểm soát hiệu quả.
Điều đáng lo ngại nhất là, trong số 334 trường hợp nhiễm bệnh mới được thêm vào trong ngày 14/4, có tới 114 trường hợp không xác định được nguồn lây nhiễm và 198 ca liên quan đến các ổ dịch tại các khu ký túc xá người lao động nước ngoài.
Theo tờ Straits Times của Singapore, Phó Giáo sư Kenneth Mak, Giám đốc Dịch vụ Y Dược tại Bộ Y tế Singapore, đã phát biểu tại cuộc họp báo của nhóm làm việc liên ngành của chính phủ vào ngày 14/4, nhấn mạnh rằng sự gia tăng của các trường hợp “không xác định được nguồn lây nhiễm”. Chính phủ đang tích cực xét nghiệm tại các khu ký túc xá lao động nước ngoài và vẫn đang truy tìm các nguồn lây nhiễm chưa xác định trong cộng đồng.
Hiện tại, Singapore có ít nhất 15 khu ký túc xá của người lao động nước ngoài đã xuất hiện các trường hợp bị bệnh COVID-19, trong đó có 8 khu vực đã được phân loại là khu vực cách ly. Hơn 7.000 người lao động nước ngoài tham gia các dịch vụ cơ bản vẫn khỏe mạnh hiện đang tạm thời bố trí tại 18 khu cư trú tạm thời, bao gồm các doanh trại quân đội và căn hộ HDB còn bỏ trống (các khu nhà ở công cộng được xây dựng bởi Ủy ban Phát triển Nhà ở Singapore).
Ông Kenneth Mak nói, để đối phó với vấn đề lây nhiễm tập thể tại các ký túc xá của lao động nước ngoài, chính phủ sẽ thành lập một nhóm làm việc đặc biệt và trong tuần này sẽ vào tất cả 43 địa điểm ký túc xá của người lao động nước ngoài trên cả nước để hoạt động chống dịch.
|
Từ ngày 12/4, đeo khẩu trang đã trở thành biện pháp bắt buộc đối với tất cả mọi người Singapore khi ra ngoài (Ảnh: Nanyang).
|
Ngoài ra, trong tuần này chính phủ sẽ đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm phát hiện virus cho người lao động nước ngoài. Vào cuối tuần trước, hơn 1.500 người lao động nước ngoài đã được xét nghiệm. Gần 5.000 người sẽ được xét nghiệm trong vài ngày tới, bao gồm cả những người không có triệu chứng rõ ràng.
Khi tình hình dịch bệnh trong nước trở nên nghiêm trọng, chính phủ Singapore đã có sự thay đổi lớn trong thái độ đối với việc đeo khẩu trang.
Theo tờ Lianhe Zaobao, ông Wong Shyun Tsai (Hoàng Thuẫn Tài) đồng Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia kiêm Bộ trưởng Tài chính, người lãnh đạo nhóm công tác liên ngành chống dịch bệnh, ngày 14/4 tuyên bố, chính phủ sẽ buộc mọi người phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, nếu không thực hiện sẽ bị trừng phạt.
Theo quy định, trẻ em dưới 2 tuổi không cần đeo khẩu trang vì lý do an toàn và những người tham gia các môn thể thao ngoài trời vận động mạnh như chạy bộ cũng được coi là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, họ phải đeo ngay sau khi kết thúc hoạt động. Ai không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, người vi phạm lần đầu sẽ bị phạt 300 SGD; người tái phạm có thể bị phạt 1.000 SGD hoặc bị cáo buộc ra tòa. Nếu lai người lao động nước ngoài có thể bị thu hồi hoặc hủy bỏ vĩnh viễn Giấy phép lao động; cũng có thể bị hủy bỏ quyền cư trú lâu dài.
Trước đây, trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh bùng phát, Singapore chỉ khuyến khích người bị bệnh đeo khẩu trang, nhưng sau khi WHO và nhiều quốc gia khác bắt đầu thay đổi quan điểm về việc đeo khẩu trang; kể từ ngày 3/4, Singapore bắt đầu khuyến khích mọi người đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; bắt đầu từ ngày 5/4 đã phân phát loại khẩu trang có thể sử dụng nhiều lần cho dân chúng. Từ ngày 12/4, tất cả mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Do có một sự thay đổi 180 độ về quan điểm trong việc đeo khẩu trang, một số chuyên gia và học giả cũng bắt đầu đặt câu hỏi về chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long. Họ cho rằng khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, thông điệp của chính phủ đã không rõ ràng, khiến một bộ phận dân chúng Singapore cảm thấy bối rối. Thủ tướng Lý Hiển Long thời điểm đó cũng phát biểu: “Những người khỏe mạnh không cần phải đeo khẩu trang”.
|
Bộ trưởng Y tế Singapore Yan Kim Yong dự báo số lượng người bị bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới (Ảnh: Lianhe Zaobao)
|
Hiện tại, Singapore đang phải đối mặt với tình hình nguy hiểm của đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai. Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong (Nhan Kim Dũng) cho biết, dự kiến số lượng các ca bệnh mới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Chính phủ sẽ xem xét liệu có cần thiết phải kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus hay không, đồng thời kêu gọi dân chúng hãy hợp tác với chính phủ để ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả.
Theo trang web worldometers.info, tính đến 11h sáng 15/4, toàn thế giới đã có 1.998.551 người bị mắc bệnh, 126.686 người đã tử vong; trong đó Mỹ là quốc gia bị nặng nhất với 613.886 người bị bệnh, 26.047 người tử vong; Tây Ban Nha đứng thứ hai với 174.060 người bị bệnh, 18.255 tử vong; Italy xếp thứ ba với 162.488 người bị bệnh và 21.067 người tử vong.
Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines đã vượt qua Malaysia để trở thành quốc gia có dịch bệnh nghiêm trọng nhất với 5.223 người bị bệnh (ngày 14/4 tăng thêm 291 ca), tử vong 335 người (tăng 20 trong ngày 14/4); tiếp đó là các nước: Malaysia 4.987 người bị bệnh (tăng 170), tử vong 82 (tăng 5); Indonesia 4.839 bị bệnh (tăng 282), tử vong 459 (tăng 60); Singapore 3.252 người bị bệnh (tăng 334), tử vong 10 (tăng 1); Thái Lan 2.613 người bị bệnh (tăng 34), tử vong 41 (tăng 1); Việt Nam 266 người bị bệnh (tăng 1); Brunei 136 người bị bệnh, tử vong 1; Campuchia bị bệnh 122; Myanmar 63 (tăng 1), tử vong 4; Lào người bị bệnh 19; Timor Leste 6 người bị bệnh (tăng 2).