Địa chấn ở Triều Tiên

Giới lãnh đạo Bình Nhưỡng tin rằng họ có thể sống sót trong một cuộc trả đũa hạt nhân bằng cách trú ẩn trong hệ thống hầm đặc biệt
Người dân Triều Tiên theo dõi thông báo về vụ thử bom nhiệt hạch tại Bình Nhưỡng Ảnh: Independent

Triều Tiên hôm 6-1 bất ngờ công bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch(còn gọi là bom H) trong lòng đất sau khi Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ghi nhận một trận động đất 5,1 độ Richter gần cơ sở hạt nhân Punggye-ri, phía Đông Bắc Triều Tiên.

Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là vụ thử hạt nhân thứ tư của Bình Nhưỡng kể từ năm 2006 và lần đầu tiên nước này thử nghiệm loại bom có sức công phá mạnh gấp hàng ngàn lần bom nguyên tử.

Bình Nhưỡng thổi phồng?

Hàn Quốc phản ứng hết sức căng thẳng với hàng loạt cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS). Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye gọi vụ thử là hành động khiêu khích trầm trọng đối với an ninh quốc gia cũng như thách thức hòa bình và ổn định quốc tế.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đặt quân đội vào tình trạng báo động và tăng cường giám sát Triều Tiên. Seoul cũng nhấn mạnh sẽ thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để buộc Bình Nhưỡng trả giá đích đáng.

Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc sau đó lại cho rằng dường như Triều Tiên tự “thổi phồng”. “Khó có thể gọi cuộc thử nghiệm như vậy là bom nhiệt hạch. Chỉ có vài nước, bao gồm Mỹ và Nga, từng thử nghiệm bom này và sức công phá của những lần thử đó lên tới 20-50 megaton trong khi vụ thử nghiệm ở Triều Tiên chỉ ở mức quá khiêm tốn là 6 kiloton (thấp hơn cả mức 7,9 kiloton trong lần thử hạt nhân gần nhất năm 2013)” - hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ. Sức công phá từ bom nhiệt hạch ít nhất cũng phải hơn 100 kiloton, ông Lee Cheol-woo thuộc Đảng Saenuri cầm quyền cho biết sau cuộc họp kín của NIS.

Trong khi đó, tờ Telegraph của Anh dẫn lời chuyên gia địa chất Jascha Polet cho biết các sóng địa chấn mà vụ thử ngày 6-1 gây ra có tần số rất giống vụ thử hạt nhân năm 2013.

Ông Yang Uk, chuyên gia cấp cao thuộc Diễn đàn An ninh và Phòng vệ Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên chưa sở hữu bom nhiệt hạch thực thụ mà có thể đang ở mức giữa bom nhiệt hạch và bom nguyên tử.

Một ý kiến khác của chuyên gia hạt nhân Joe Cirincione, Chủ tịch Quỹ Ploughshares - một tổ chức an ninh toàn cầu, cho rằng Triều Tiên có thể đã pha 1 đồng vị hydro vào quả bom phân hạch nguyên tử bình thường, rồi gọi nó là “bom nhiệt hạch”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok đưa ra nhận định tương tự.

Theo ông John Carlson, cựu Giám đốc Văn phòng Hạn chế phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và bảo vệ hạt nhân của Úc, khó có thể xác thực tuyên bố của Bình Nhưỡng cho tới khi phân tích các loại khí sau vụ thử, trong đó có những khí mất vài ngày mới xuất hiện.

Cư dân Trung Quốc sơ tán

Một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Úc, Anh… lên án động thái được cho là vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết Liên Hiệp Quốc nói trên của Bình Nhưỡng. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng họp khẩn trong ngày 6-1. Theo hãng tin Bloomberg, vụ thử này sẽ đưa chương trình hạt nhân Triều Tiên lên đầu chương trình nghị sự toàn cầu và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể tận dụng căng thẳng để yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ nhượng bộ cả về kinh tế lẫn chính trị.

Trung Quốc cũng phản đối gay gắt vụ thử không được đồng minh lâu năm báo trước. “Chúng tôi đề nghị Triều Tiên bảo đảm cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân và chấm dứt bất kỳ hành động nào khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh.

Theo truyền thông Trung Quốc, cư dân nước này tại khu vực giáp biên giới với Triều Tiên được sơ tán khỏi khu vực bị ảnh hưởng, còn giới chức trách đang đánh giá tác động tới môi trường.

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên khẳng định nước này sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân chừng nào Mỹ còn tiếp tục “chủ trương xâm lược”. KCNA cũng tiết lộ quả bom được thử là một đầu đạn hạt nhân được thu nhỏ.

Cựu Đại sứ Anh tại Triều Tiên John Everard cảnh báo Bình Nhưỡng có thể phát động một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. “Bất cứ cái gì có thể gây ra một cơn địa chấn 5,1 độ Richter đều thực sự nguy hiểm… Một vụ nổ cỡ đó đủ sức xóa sổ một thành phố” - ông Everard nói với đài BBC.

Nhà ngoại giao này tiết lộ thêm giới lãnh đạo Bình Nhưỡng tin rằng họ có thể sống sót trong một cuộc trả đũa hạt nhân bằng cách trú ẩn trong hệ thống hầm đặc biệt.

Chứng khoán bị tác động

Hầu hết thị trường chứng khoán châu Á hôm 6-1 sụt giảm do nhà đầu tư lo lắng trước thông tin Triều Tiên thử bom nhiệt hạch và một báo cáo không mấy khả quan về thực trạng ngành công nghiệp dịch vụ ở Trung Quốc. Tại châu Âu, chỉ số ở những thị trường chứng khoán lớn cũng sụt giảm trong những giờ giao dịch đầu ngày.

Riêng thị trường chứng khoán Hàn Quốc sụt giảm 0,26% trong lúc giá trị đồng won giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua so với đồng USD. “Vụ thử lần này không tác động lớn đến thị trường Hàn Quốc như trong quá khứ. Nhà đầu tư sẽ quan tâm đến diễn biến của vụ việc trong thời gian tới” - một nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Daishin nhận định với hãng tin Yonhap.

Giới chức Hàn Quốc cũng nhận định tác động của vụ thử hạt nhân tại nước láng giềng đến thị trường tài chính, nền kinh tế đất nước là hạn chế và tạm thời. Phát biểu sau cuộc họp khẩn của các quan chức tài chính cấp cao, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) Yim Jong-yong nhấn mạnh chính phủ đang theo dõi sát sao các thị trường nhằm kịp thời ứng phó bất kỳ “dấu hiệu bất thường” nào.

Huệ Bình

Vũ khí tàn khốc nhất

Bom nhiệt hạch là thứ vũ khí tàn khốc nhất mà loài người từng phát minh. Sức hủy diệt đáng sợ gấp hàng ngàn lần so với bom nguyên tử của nó khiến các nhà khoa học nhận ra rằng nó không nên tồn tại.

Mỹ bắt đầu nghiên cứu phát triển bom nhiệt hạch đầu tiên vào những năm đầu 1950. Tới năm 1961, thế giới nhận được câu trả lời rõ ràng nhất về sức mạnh của bom nhiệt hạch trong vụ thử nghiệm kinh hoàng nhất trong lịch sử do Liên Xô thực hiện với sức công phá 57 megaton - lớn hơn tổng số chất nổ được sử dụng trong Thế chiến II, lớn gấp 3.800 lần quả bom nguyên tử Fat Man Mỹ ném xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản.

Hiện 5 nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc đang sở hữu bom nhiệt hạch.

Theo NLĐ