Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao khu vực Đông Nam Á

VietTimes – Để đạt được mục tiêu trên, Đà Nẵng sẽ phân bổ các nguồn lực, không gian hạ tầng, xây dựng một loạt các chính sách và ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, để phát triển ngành du lịch.
TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao

Du lịch tăng trưởng mạnh

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành đề án định hướng phát triển du lịch TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và Đông Nam Á.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Tăng trưởng doanh thu lưu trú, lữ hành đạt khoảng 12,75%/năm; tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 17,63%/năm…

Dự báo, đến năm 2030, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 13-14 triệu lượt, trong đó khách quốc tế do cơ sở lưu trú phục vụ ước khoảng 5,8-6,3 triệu lượt.
Trong đó, ngày lưu trú bình quân khách quốc tế dự kiến là 3,3 ngày; lưu trú bình quân khách nội địa dự kiến là 3,1 ngày; chi tiêu bình quân khách quốc tế là 10,5-11 triệu đồng/ khách; chi tiêu bình quân khách nội địa là 6,5-7 triệu đồng/khách…; nguồn nhân lực phục vụ ngành tăng trưởng khoảng 87.900 lao động trực tiếp.

Đà Nẵng mở đường bay trực tiếp đến Ấn Độ, một trong những bước tiến mới trong mở rộng thị trường du lịch chất lượng cao

Với tốc độ tăng trưởng và định hướng tầm nhìn đến 2045, Đà Nẵng phân bổ không gian phát triển du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, hạ tầng viễn thông và hệ thống điện nước, thu gom và xử lý chất thải để phục vụ tăng trưởng của ngành du lịch.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và thị trường du lịch, phát triển nguồn lực đầu tư du lịch và nguồn nhân lực.

Hàng loạt chính sách thúc đẩy

Bên cạnh việc phân bổ các nguồn lực, Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng các giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào việc quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động du lịch, hệ thống giám sát du lịch thông minh, sàn giao dịch điện tử và trong hoạt động kinh doanh du lịch, quản trị và tổ chức phục vụ khách.

Cùng với đó là các giải pháp phát triển văn hoá du lịch, xây dựng chính sách để phát triển du lịch, quy hoạch và đầu tư, quản lý kết cấu hạ tầng, liên kết hợp tác phát triển du lịch. Nhất là tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ngành du lịch sau dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp trong công tác quảng bá xúc tiến, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường, du khách, sự kiện, lễ hội… để các doanh nghiệp định hướng kinh doanh.

Đà Nẵng đón đoàn du khách tàu biển đến từ thị trường Âu, Mỹ

Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để triển khai các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, kết hợp phục vụ du lịch và phục vụ dân sinh, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác. Các nguồn ngân sách khác phục vụ hoạt động du lịch được phân bổ cho các ngành, địa phương sẽ thông qua kế hoạch kinh phí hàng năm; đồng thời, huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, nhà đầu tư và từ các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm xây dựng và định hướng sản phẩm du lịch Đà Nẵng đạt chất lượng cao, gắn với thương hiệu du lịch Đà Nẵng an toàn và mến khách.