Đề xuất thử nghiệm dừng buôn bán thịt chó mèo tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hiện Việt Nam có hơn 7,4 triệu con chó mèo, tỷ lệ đã tiêm phòng chỉ đạt khoảng 47%. Cùng với đó, giết mổ và tiêu thụ thịt chó mèo là mối đe dọa tiềm ẩn với sức khỏe cộng đồng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Toàn cảnh cuộc họp đầu tiên của Nhóm Công tác Kỹ thuật Động vật Đồng hành.
Toàn cảnh cuộc họp đầu tiên của Nhóm Công tác Kỹ thuật Động vật Đồng hành.

Sau nửa năm Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws trở thành thành viên của Khung Đối tác Một sức khỏe (MSK) về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OHP), Nhóm Công tác Kỹ thuật Động vật Đồng hành, do Four Paws đảm nhận vị trí đối tác quốc tế thường trực, đã tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Hà Nội.

Bác sĩ Karan Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của Four Paws International, bày tỏ mong muốn được làm việc với các bên liên quan để cùng giải quyết một số vấn đề cấp bách liên quan đến bệnh dịch ở động vật đồng hành trong Khuôn khổ Một Sức khỏe.

"Điều này bao gồm việc quản lý nhân đạo số lượng đàn chó và hoạt động buôn bán thịt chó, mèo, nhằm đưa Việt Nam thành một nơi an toàn hơn cho cả người dân và chó, mèo; đồng thời, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lây truyền từ động vật sang người" - ông Karan Kukreja nói.

Hội nghị xác định, mặc dù động vật đồng hành có nhiều ý nghĩa tích cực đối với con người nhưng cũng có một số tác động đến sức khỏe cần được quan tâm và cần phải cùng nhau giải quyết, đặc biệt là bệnh dại gây chết người vẫn tiếp tục chưa được kiểm soát triệt để.

“Chúng ta cần nhìn lên và nhìn sang các bạn láng giềng, như Hàn Quốc, Campuchia đều đã có những quy định triệt để trong việc bắt nhốt, giết mổ trái phép chó, mèo, thì không có cớ gì Việt Nam không làm được và học hỏi theo những tiến bộ quốc tế về phúc lợi động vật nói chung và động vật đồng hành nói riêng”, ông Vũ Thanh Liêm, Trưởng ban thư ký đối tác MSK, nhấn mạnh.

Báo cáo tham luận tại hội nghị của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nêu bật một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, phòng và chống bệnh dại tại Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam có khoảng hơn 7,4 triệu con chó, mèo, tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng chỉ đạt khoảng 47% và chỉ có 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng hơn 70% số chó mèo trên toàn quốc.

Trong khi đó, chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vắcxin dại, quản lý của một số địa phương còn lỏng lẻo; hầu hết địa phương chưa có đội chuyên trách bắt chó thả rông. Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn trọng thương, chết nhiều người, gây bức xúc trong xã hội.

Đại diện Cục Thú y thông tin thêm, năm 2023, cả nước đã xảy ra 347 ca bệnh dại trên động vật tại 202 xã thuộc 106 huyện của 31 tỉnh, thành phố. Giám sát chủ động tại 7 tỉnh với 1.146 trường hợp điều tra, phát hiện 55% dương tính bệnh dại khi lấy mẫu của 113 con chó nghi mắc bệnh dại.

Nạn buôn bán thịt chó, mèo gây ra nhiều bức xúc

Trao đổi tại hội nghị có sự tham gia của đông đảo các tổ chức quốc tế, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nêu quan điểm cần thúc đẩy chung các vấn đề chính sách cụ thể để Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan hành động; thảo luận và thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu rủi ro về sức khỏe thể chất và tinh thần do tương tác với động vật đồng hành.

cho-meo-8368.jpg

Ông Đăng cho rằng, cần tập trung vào một số giải pháp, trong đó có vấn đề sở hữu thú cưng có trách nhiệm; quản lý động vật đồng hành thả rông. Đặc biệt, cần chú trọng vấn đề kiểm soát bệnh dại trong quản lý nhân đạo động vật đồng hành thả rông. Nạn trộm cắp chó và mèo là vấn đề gắn liền với hoạt động buôn bán thịt chó, mèo ở Việt Nam đã gây ra nhiều bức xúc, bất bình trong người dân.

"Về các quy định liên quan đến đối xử nhân đạo đối với động vật đồng hành, hiện tại, Việt Nam không có quy định cụ thể nào đối với chó và mèo" - ông Đăng nêu thực tế và cho rằng, mục tiêu kiểm soát bệnh dại của Việt Nam vào năm 2030 phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý nhân đạo đàn chó mèo, chiến lược tiêm phòng cho chó và mèo, cũng như một số yếu tố khác, bao gồm giáo dục cộng đồng và khả năng tiếp cận vắcxin.

Khái niệm Một sức khỏe lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam vào năm 2003 trong khuôn khổ Đối tác phòng chống cúm gia cầm và cúm ở người (PAHI), sau đó được đổi tên thành OHP vào năm 2016 và bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và hơn 30 tổ chức Việt Nam và quốc tế, cùng hợp tác mạnh mẽ để giảm thiểu rủi ro của bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Một khảo sát của Four Paws được thực hiện vào đầu năm 2021 ở Việt Nam cho thấy 91% người Việt Nam mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ hành động để việc ban hành lệnh cấm hoạt động buôn bán thịt chó, mèo; 88% ủng hộ lệnh cấm buôn bán này và 95% cho rằng đây không phải là một phần văn hóa của của người Việt.

Sự kiện diễn ra sau khi Four Paws chính thức trở thành viên của Khung Đối tác Một sức khỏe (MSK) về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OHP).

Cũng theo thông tin từ cuộc họp, trung bình hằng năm tại Việt Nam có khoảng 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán và giết thịt.

Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2019 để giải quyết các rủi ro từ việc buôn bán thịt chó, mèo. Hàng năm, ước tính có khoảng 10 triệu cá thể chó và mèo bị bắt, vận chuyển và giết mổ để lấy thịt ở Campuchia, Việt Nam và Indonesia. Phần lớn những con vật này là thú cưng hoặc động vật bị đánh cắp trong cộng đồng, và động vật đi lạc được bắt từ đường phố để cung cấp cho hoạt động buôn bán.

Theo Four Paws, với quy mô lớn và những hệ luỵ xã hội liên quan, hoạt động buôn bán thịt chó, mèo đã trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất về phúc lợi động vật đồng hành ở châu Á, nếu không muốn nói là trên toàn thế giới. Ngoài ra, còn có những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe – với mối liên hệ giữa việc buôn bán thịt chó, mèo và bệnh dại, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để sản sinh ra các dịch bệnh./.