Chiều 12/2, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình tóm tắt dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Theo bà Trà, quan điểm sửa đổi luật nhằm quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Dự luật này thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 nhằm đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Mục tiêu sửa luật, theo bà Trà nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, bà Trà cho biết dự thảo luật chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như Luật hiện hành.
Theo đó, tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
Quy định này để bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên để tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong đó HĐND sẽ quy định nguyên tắc số lượng đại biểu trên quy mô dân số, đặc điểm vùng miền, điều kiện kinh tế xã hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu, HĐND quyết định thành lập các ban và số lượng đại biểu chuyên trách, các biện pháp giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp…
Với UBND, sẽ giao Chính phủ quy định số lượng phó chủ tịch các cấp và cơ quan chuyên môn, quy định rõ trách nhiệm cá nhân, từng thành viên, quyền hạn của UBND và mở rộng nhiệm vụ, thẩm quyền…
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện hành và các luật, nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện về việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp để thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.
Về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương nhằm cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.