Đề nghị đưa tiêu chí tuyển chọn thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia vào Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị đưa vào luật những tiêu chí để tuyển chọn thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia, đảm bảo đáp ứng trình độ chuyên môn để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.
Còn nhiều ý kiến tranh luận về vai trò của Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Còn nhiều ý kiến tranh luận về vai trò của Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Góp ý một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Tâm đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra và Bộ Y tế, đã tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp thứ 4.

Góp ý một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cơ bản nhất trí với quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia trong dự thảo Luật để thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm băn khoăn là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia lại phải tổ chức thêm bộ máy, biên chế. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cân nhắc thêm về vấn đề này khi thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Theo đại biểu Tâm, Hội đồng Y khoa Quốc gia đã được Thủ tướng thành lập từ năm 2020 và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ cho tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề. Mặt khác, dự thảo giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.

"Thiết nghĩ các nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia theo như dự thảo Luật là rất quan trọng, mang tính chuyên môn sâu như xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề… - Đại biểu Tâm nói.

Do đó, cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên Hội đồng Y khoa Quốc gia đảm bảo đáp ứng trình độ chuyên môn, để thực hiện các nhiệm vụ Luật giao, nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung ngay trong luật các quy định cụ thể đối với các cơ sở dịch vụ y tế nói chung, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nói riêng tăng cường sự quản lý nhà nước đối với cả cơ sở này.

Đồng thời, cân nhắc nghiên cứu giảm thời gian thực hành hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để tạo điều kiện cho các bác sỹ ra trường được sớm hành nghề bổ sung lực lượng cho đội ngũ y tế hiện nay.

Trái với ý kiến đề nghị cân nhắc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia làm tăng biên chế của đại biểu Tâm, đại biểu Lê Văn Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) lại khẳng định Hội đồng có vai trò quan trọng trong xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề.

Đại biểu Lê Văn Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)

Đại biểu Lê Văn Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)

Đại biểu Lê Văn Cường nêu lý do, hiện nay có khoảng 182 trường khối ngành sức khỏe, trong đó 90 trường công lập, 92 trường ngoài công lập, các trường này khác nhau về tầm nhìn, mục tiêu, điểm đầu vào, về giáo trình, giảng viên cơ sở thực hành… Vì vậy, chúng ta cần có bộ công cụ để chuẩn hóa sau khi tốt nghiệp.

Hội đồng Y khoa Quốc gia có vai trò rất quan trọng, là nơi tập hợp điều phối các chuyên gia, các giảng viên, các trường đại học, các hội nghề nghiệp, cũng như các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các bộ công cụ để đánh giá năng lực hành nghề.

Đại biểu cũng đề nghị cần phải đảm bảo tiếp cận bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề đối với người học, tránh hiện tượng đến kỳ thi học cấp tốc, lúc đó chỉ là trí nhớ ngắn hạn. Về lộ trình, trước mắt thực hiện đến chỉ nên tập trung vào đối tượng bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh trong bối cảnh điều kiện nguồn lực còn hạn chế.

Ông Cường cũng cho rằng, việc phân cấp khám bệnh, chữa bệnh sẽ làm thay đổi chiến lược hệ thống bên ngoài thì đánh giá chất lượng sẽ thay đổi chiến lược bên trong của các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay. Điều này sẽ giúp chuẩn hóa quy trình quản lý về chuyên môn, triệt tiêu lãng phí cả hữu hình và vô hình. Từ đó giúp nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí, giảm tối đa các sản phẩm lỗi của cơ sở y tế.

Phát biểu tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 6/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã cảm ơn các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 6/1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 6/1.

Bộ trưởng khẳng định, đây là dự án luật khó, liên quan đến vấn đề chuyên môn sâu, đối tượng tác động rộng, ảnh hưởng căn cốt lợi ích mỗi người dân, chịu sự ràng buộc của nhiều dự án luật khác. Cơ quan soạn thảo đã quán triệt nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm, tiếp thu đầy đủ trên tinh thần cầu thị ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đối với vấn đề liên quan đến việc kiểm soát chất lượng người hành nghề, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến chất lượng hành nghề, tính mạng người bệnh. Qua tham khảo kinh nghiệm, mô hình từ nhiều nước phát triển, trong dự thảo luật đã có các quy định về kiểm tra đánh giá năng lực, đảm bảo sự an toàn của người bệnh, nâng cao chất lượng đào tạo y tế.

Theo Bộ trưởng Lan, nội dung liên quan đến Hội đồng Y khoa Quốc gia là nội dung mới, cụ thể hóa Nghị quyết 20, giúp việc đánh giá năng lực hành nghề đạt được chuẩn chung của quốc gia, quy định này cũng nhận được sự thống nhất cao của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như của các đại biểu Quốc hội. Về thời hạn giấy phép hành nghề, để giải quyết bất cập trong luật cũ, dự thảo luật lần này quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành y, đảm bảo lực lượng này liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng hành nghề, hạn chế sai sót xảy ra, giúp đội ngũ cán bộ y tế nâng cao trình độ, tiệm cận các tiêu chuẩn chung của quốc tế.

Bộ trưởng nêu rõ, việc thông qua dự án luật trong kỳ họp này là rất quan trọng đối với ngành y tế, để khắc phục những khó khăn, bất cập từ luật hiện hành, giúp Chính phủ có đủ thời gian tham khảo ý kiến của các bên liên quan, xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các nội dung Quốc hội đã thông qua; tạo tiền đề xây dựng các luật khác liên quan đến phòng bệnh, bảo hiểm y tế, cấy ghép mô…