ĐBQH Lê Thanh Vân nêu cách "thừa tiền làm đường" khi triển khai vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, nếu các dự án giao thông được quy hoạch đồng thời với các dự án khác hai bên đường thì địa tô chênh lệch không ít, thậm chí “thừa tiền làm đường”, nhất là các dự án vành đai đô thị.
Đại biểu Lê Thanh Vân. Ảnh: VPQH
Đại biểu Lê Thanh Vân. Ảnh: VPQH

Nội dung được trao đổi tại tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (ngày 6/6), sau khi các ĐBQH nghe Chính phủ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và hai đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, cấp bách đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về vấn đề thu hồi vốn của hai dự án này. Ông cho rằng tờ trình của Chính phủ “còn bỏ lọt đi một yếu tố quan trọng”.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, nếu các dự án giao thông được quy hoạch đồng thời với các dự án khác hai bên đường như đô thị, khu công nghiệp, thuê mặt bằng,… thì nguồn tiền thu được từ sử dụng đất, đặc biệt là địa tô chênh lệch sẽ không ít, mà thậm chí “thừa tiền làm đường”, nhất là đối với các dự án vành đai đô thị.

Việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 góp phần giảm tình trạng ùn tắc cho tuyến đường Vành đai 3.

Việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 góp phần giảm tình trạng ùn tắc cho tuyến đường Vành đai 3.

Cụ thể, dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô chủ yếu đi qua đất nông nghiệp, nên nếu việc phê chuẩn các dự án giao thông này song song với việc thực hiện nhiệm vụ quy hoạch hai bên đường, thì sẽ tạo ra quy hoạch dẫn đường và tạo ra địa tô chênh lệch.

ĐBQH Lê Thanh Vân nêu ý kiến, nếu sau khi dự án hoàn thành mới lập các quy hoạch thì việc thu hồi đất, xác định giá đất sẽ rất phức tạp. Khi ấy, người thiệt hại không chỉ là người dân mà còn là cả Nhà nước nữa. Và vì thế, phải đi trước, lập quy hoạch song song mới giải quyết về vấn đề kinh tế-xã hội và thu hồi nhanh nguồn vốn.

Tránh kéo dài, đội vốn, phát sinh tăng nguồn lực đầu tư

Vốn đầu tư cho dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh

Theo đề xuất của Chính phủ, dự án vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, đi qua địa phận thành phố Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km). Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỉ đồng, sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước và vốn BOT (29.447 tỉ đồng) của nhà đầu tư.

Dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh dài 76,34 km, đi qua địa phận TP. Hồ Chí Minh (47,51km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km). Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỉ đồng, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, trong đó ngân sách Trung ương là 38.741 tỉ đồng.

Đối với chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) nêu quan điểm, cần tính toán, đánh giá một cách kỹ lưỡng, toàn diện hơn, đặc biệt là những yếu tố tác động ngoại lai tiêu cực và những tình huống không mong đợi như về thủ tục quy trình, về cân đối vốn, về biến động giá cả thị trường trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, lương thực, suy thoái kinh tế toàn cầu chưa biết khi nào được kiểm soát và phục hồi.

Đại biểu Nam yêu cầu Chính phủ có tính kỹ thì việc triển khai mới đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, tránh kéo dài, đội vốn, phát sinh tăng nguồn lực đầu tư.

Để bảo đảm tính khả thi và tiến độ của các dự án, đại biểu Lê Minh Nam cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội cơ chế chính sách đặc thù về vật liệu xây dựng dựa trên cơ sở vận dụng cơ chế đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, thực trạng khan hiếm và tăng giá nguồn nguyên vật liệu hiện nay đã và đang xảy ra trong quá trình triển khai các dự án. Đây là khó khăn thực tiễn cần quan tâm nỗ lực kiểm soát và có giải pháp toàn diện, đồng bộ hơn chứ không chỉ dựa vào cơ chế chính sách đặc thù đã được duyệt. Vì cơ chế đặc thù cũng chỉ giải quyết được một số khó khăn chứ không thể giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc phải đối mặt.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận.

Cùng ý kiến với đại biểu Nam, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, khi triển khai các dự án giao thông trên, các cơ quan của Chính phủ cần tính đến nguồn nguyên vật liệu khi tăng giá, đặc biệt là tránh tăng giá đột biến từ 30-40%.

Mặt khác, quá trình đấu thầu cũng cần đảm bảo đúng quy định giá nguyên vật liệu, thiết bị thi công trên thị trường. Ngoài ra, các bộ, ngành cũng nên có sự đánh giá về tác động môi trường như khi khai thác cát, đá sỏi, việc đào sâu dưới lòng đất trong quá trình triển khai các dự án giao thông.

Tình thế đặc biệt đòi hỏi giải pháp đặc biệt

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Luật Ngân sách nhà nước không có quy định về dùng ngân sách cấp này chi cho ngân sách cấp kia, trong khi đường cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương, đường song hành vành đai thuộc trách nhiệm của địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận Tổ (ngày 6/6).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận Tổ (ngày 6/6).

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn về ngân sách, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng cả vốn Trung ương và vốn địa phương để thực hiện các dự án, song tỷ lệ tham gia của từng địa phương không quy định cứng mà tùy tình hình địa phương. Chủ tịch Quốc hội cho rằng điều này là phù hợp bởi “tình thế đặc biệt đòi hỏi giải pháp đặc biệt”.

Dẫn chứng quy định khác, Chủ tịch Quốc hội cho biết Luật Giao thông đường bộ quy định Bộ Giao thông vận tải quản lý quốc lộ; từ tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương. Tuy nhiên, nếu trong cùng một thời kỳ quá nhiều dự án trọng điểm quốc gia cùng triển khai cùng với các công trình cũ, nếu chỉ Bộ Giao thông vận tải quản lý sẽ không thể đảm nhiệm hết. Do đó đề xuất phương án giao cho một số địa phương có dự án đi qua làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, đối với dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, đoạn qua địa phương nào, địa phương đó quản lý và giao Hà Nội làm đầu mối cho dự án đường Vành đai 4 và TP. Hồ Chí Minh làm đầu mối quản lý đối với đường Vành đai 3.

Tuy nhiên, "khái niệm đầu mối quản lý, trách nhiệm của đầu mối để vừa bảo đảm trách nhiệm thực hiện ở từng đoạn vừa thống nhất toàn tuyến Luật chưa có quy định, nên Chính phủ cần phải làm rõ" - Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, việc phân chia dự án thành đoạn tuyến, chia theo địa giới hành chính như trên cũng không phù hợp với Luật Xây dựng hiện hành. Luật Xây dựng chỉ cho phép các dự án vận hành độc lập, tiểu dự án cũng phải vận hành độc lập. Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế thì việc quá máy móc áp dụng quy định trong quản lý sẽ không cần thiết, do đó trình xin Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù.

Cùng với đó, người đứng đầu Quốc hội cho rằng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. "Trao quyền nhiều phải cá thể hóa trách nhiệm” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.