|
Đội ngũ phóng viên, biên tập viên Tuanvietnam- Ảnh HN |
Trong đợt phỏng vấn nhà báo Lê Thọ Bình năm 2011, tôi định làm một loạt bài 4 kỳ, trong đó kỳ 4 trò chuyện về thời gian ông làm việc ở Vietnamnet.
Dù chỉ làm việc có vẻn vẹn 6 tháng, ông đã tạo dựng ra một cơ chế làm việc mới ở tờ báo mạng đang định hình phương hướng phát triển, và phát hiện ra một số nhà báo và biên tập viên trẻ, nhưng đầy tiềm năng để phát triển.
Đó là BTV Hồ Lan Anh, PV Việt Lâm, hay Võ Trường Giang…. Bên cạnh Lương Thị Bích Ngọc mà anh đã luyện sẵn ở Nông thôn Ngày nay.
Nhưng Việt Lâm, lúc đó đã trở thành Trưởng ban Tuanvietnam.
|
Việt Lâm trong một cuộc giao lưu trực tuyến - Ảnh HN cung cấp.
|
Số tôi không may, đúng 12 ngày trước sự kiện này, tôi bị tai biến mạch máu não, và nằm viện cho đến hết ngày kỷ niệm.
Tư liệu cũ đã thất lạc trong quá trình tôi bị ốm, nên tôi sẽ làm bù lại phần của anh Lê Thọ Bình. Cũng để trả lời lại một cán bộ Ban Tuyên giáo mà tôi có việc phải nhờ, người đã có nhận xét thiên lệch về Tuanvietnam.
Nhưng chuyện này để sau đã, tôi xin kể trước về một cán bộ Ban Tuyên giáo khác, là bạn của tôi, đồng nghiệp cũ của tôi, và trước đây từng là thầy giáo (dự giờ) của tôi.
Khi tôi bị ốm, hầu như tôi ít liên hệ với bạn bè cũ, mặc dù ai cũng quan tâm đến tôi, và giúp đỡ tôi rất nhiều. Nhưng về thời gian thì khó, bởi ai cũng bận với những dự án, và cuộc đời riêng của mình. Chỉ có một người bạn, mà tôi nói ở trên, cứ tuần 2-3 buổi rủ tôi đi uống cà phê, rồi khi tôi đỡ bệnh, lại rủ tôi đi uống 2-3 vại bia mỗi tuần.
Ngồi bên người bạn ấy, tôi không có cảm giác mình đang bệnh. Anh cứ mang những chuyện nọ, chuyện kia kể với tôi. Lắm khi, anh còn hỏi ý kiến của tôi nữa.
Tôi chả nói được gì, vì miệng thì méo, hơi thì yếu, nên chỉ gật gù ngồi nghe. Có những chuyện mà ngày xưa, khi tôi còn khỏe và thính tai, cãi hăng nhất bên bàn cà phê, chả bao giờ anh tiết lộ, thì nay anh nói tất với tôi.
Vì vậy, mỗi khi gặp anh xong, tôi lại cảm thấy mình vừa thực hiện được một cuộc phỏng vấn hay, hay gặp được một nguồn tin tốt. Mặc dù, sau đó, tôi cũng không biết dùng thông tin ấy để làm gì.
Tôi có nghe nói ngày xưa một triết gia bên Hy lạp có những bí mật không nói được với ai, đã lẳng lặng ra bờ biển vào ban đêm, để hét lên với sóng biển. Thế hóa ra mình cũng làm được việc tốt với anh ấy, chứ hàng tuần mà chạy xe xuống Đồ Sơn, bãi biển gần Hà Nội nhất, cũng tốn xăng và mất thời gian lắm.
Với niềm tin như vậy, tôi cứ yên tâm thụ hưởng lòng tốt của anh ấy, và dần bình phục lên… Mặc dù, lý do tôi bình phục được như hiện nay còn nhiều cơ duyên khác nữa.
Một hôm, tôi có công việc gia đình cần nhờ anh giúp. Đó không phải lĩnh vực của anh, và anh giới thiệu tôi với một đồng nghiệp. Khi biết tôi từng làm ở Tuanvietnam thuộc báo Vietnamnet, đồng nghiệp của bạn tôi buột miệng buông một câu: “Cả TVN chỉ có Nguyễn Quang Thiều là đáng đọc. Khi anh ấy ra đi, tôi không đọc TVN nữa.”
Tôi cứng cái họng vốn đã cứng sẵn của mình, ú ớ không thốt được lời nào. Trong thâm tâm, tôi rất muốn cãi lại, nhưng việc mình phải nhờ nên đành lụy. Vả lại, mồm miệng, đầu óc thế này, nói ai nghe?
Nhưng trong mấy năm làm ở TVN, và trước đó có khá nhiều năm là cộng tác viên cho Vietnamnet, tôi biết TVN có nhiều người viết đáng đọc, chứ không chỉ có một Nguyễn Quang Thiều.
Mà Nguyễn Quang Thiều đâu chỉ có viết báo, ông làm văn, làm thơ, vẽ tranh, đi nói chuyện, rồi tiếp khách các nhà văn, nhà thơ nước ngoài… Nghe nói, ông còn biết nghiệp vụ điều tra, và giỏi võ nữa.
Nhân ngày 21/6 năm nay, tôi mạn phép viết lại những gì tôi biết về các thành viên Tuanvietnam.
|
Nguyễn Quang Thiều
|
Trước hết, phải nói ông bạn tuyên giáo nói không sai, Nguyễn Quang Thiều, khi đang viết cho TVN, là người viết sung nhất về những gì Tổng Biên tập yêu cầu. Giọng điệu khi hào hùng, khi bi tráng, khi lại lay lắt lòng người. Đọc Nguyễn Quang Thiều cứ như đi nghe giao hưởng ấy, toàn những khúc anh hùng ca, hay bi tráng ca.
Đề tài cũng hết sức đa dạng, từ chuyện nhà văn và nghệ sĩ đến chính khách, hay ve chai. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong một lần nói chuyện với tôi khi Nguyễn Quang Thiều ra đi khỏi Vietnamnet, có nói: “Tưởng ông ấy chỉ biết những chuyện nhà văn vẫn thường biết, ai ngờ khi trò chuyện về kinh tế ông ấy cũng rất am tường.”
(Tôi lại có khẳng định riêng khi nhìn thấy con xe hơi V6 bóng lộn của ông mà anh em làng báo đều ao ước.)
Hồi Nguyễn Quang Thiều, dưới bút danh Trực Ngôn, viết những bài “Phát ngôn & Hành động” rung chuyển lòng người, tạo ra những dư luận phản ứng mạnh mẽ với cách hành xử quan liêu, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan và cá nhân, báo Vietnamnet bị nhắc nhở. Tổng Biên tập Vietnamnet, khi biên tập lần cuối bài ông viết, đều với thái độ hết sức lo lắng. Nghe nói có những lúc TBT mong ông bận việc bên Hội Nhà văn để không có thời gian viết bài cho TVN.
Cứ y như TBT Tâm Chánh của Sài Gòn Tiếp Thị ngày xưa nhiều khi thốt lên: “May quá, hôm nay Huy Đức không viết bài, có thể yên tâm nhậu rồi.”
Hồi đó, thấy mọi người quan tâm đến Nguyễn Quang Thiều và mục PN & HĐ, tôi đã, dở khôn dở dại, viết email khuyên ông nên đổi bút danh từ Trực Ngôn sang Gián Ngôn theo kinh nghiệm của riêng mình, liền bị vặc lại: “Tôi làm văn thơ, hay báo chí, chỉ có trực ngôn thôi. Không được thì nghỉ luôn.”
Và ông nghỉ thật, sau đấy chỉ vài tháng, và trước TBT Nguyễn Anh Tuấn chỉ một tuần. Ông đã theo Nguyễn Tiến Quyến để tiếp tục nghề báo. Nhưng đó là chuyện khác, không liên quan đến Vietnamnet và TVN.
Lúc nào có thời gian rỗi, tôi sẽ kể lại cho độc giả nghe chuyện về Nguyễn Quang Thiều thời niên thiếu, học ở trường cấp ba huyện Ứng Hòa, chuyên đi vá lốp xe đạp lấy tiền tiêu vặt, và có một mối tình, cũng nhang nhác của Hoàng Cầm khi sáng tác bài thơ “Lá diêu bông”.
Chả là chỗ tôi sơ tán thời chống Mỹ lại là làng Chùa, thôn Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là sát nhập với Hà Nội) - làng quê đã xuất hiện nhiều trên văn thơ Nguyễn Quang Thiều.
|
Bùi Việt Lâm cùng Larry Bergman
|
Người thứ hai tôi muốn nhắc đến là Bùi Việt Lâm. Tôi biết đến cái tên Việt Lâm qua mục điểm báo của tờ Báo Mới. Một giọng văn rất Tây, một cái nhìn mới mẻ về những vấn đề đối ngoại, nhất là những bài viết về việc Việt Nam đàm phán, vận động gia nhập WTO – một vấn đề tôi đang quan tâm thời đó khi làm việc ở Nikkei.
Không phải nói ngoa, chính cái tên Việt Lâm đã làm cho tôi phát hiện ra có Vietnamnet trên đời này.
Sau này cô chuyển lên làm lãnh đạo tòa soạn, cùng TBT Nguyễn Anh Tuấn lo tổ chức để tờ báo lớn mạnh lên trở thành tờ báo phản biện hàng đầu Việt Nam, cô có viết ít hơn, với bút danh Anh Minh (hay Minh Anh?). Nhưng với giọng văn đã trưởng thành hơn, chắc chắn hơn, và cái nhìn vẫn sắc sảo như xưa, tuy có đôi bài vì lý do chính trị mà phải viết lựa theo quan điểm ở “trên”.
Tôi nhớ mãi những điệu cười giòn tan, khanh khách của cô qua điện thoại, khi đang duyệt bài của tôi, và phát hiện ra những ẩn ý trong bài viết. Có hai sếp mà tôi rất thích trong cách duyệt bài là Trần Công Khanh ở SGTT và Bùi Việt Lâm. Mỗi người một vẻ.
Nhưng cái lớn nhất mà Việt Lâm có được là được người khai trương ra Vietnamnet tin tưởng và bố trí cho gặp gỡ những cây đa cây đề trong giới chính trị, ngoại giao, hay học thuật. Cô đã học được nhiều từ họ, nhất là học “cách nghĩ lớn”.
Người thứ ba tôi muốn nhắc tới là biên tập viên Hồ Lan Anh, cựu cử nhân luật. Cô biên tập rất chắc, đúng ngôn ngữ của con nhà luật. Người ta nói rằng nếu thiếu bàn tay chăm chút của BTV Hồ Lan Anh, cái bút danh Việt Lâm không thể nổi danh sớm như vậy. (Đối với những bài viết kha khá, ai mà lúc nào cũng viết đều tay được, cô kiên quyết không cho đứng tên Việt Lâm – cái tên đã thành thương hiệu Hàng Việt Nam Chất lượng cao).
|
Hồ Lan Anh
|
Cũng nhờ con mắt nhìn sắc sảo của cô, niềm tin với người giới thiệu (Lê Thọ Bình dẫn tôi đến Vietnamnet và giới thiệu tôi là người có kinh nghiệm làm đối ngoại), và sự chu đáo trong săn sóc bài vở của CTV của Hồ Lan Anh, mà tôi đã nhanh chóng phát huy những điểm mạnh của mình. Mặc dù, trước khi đến với Vietnamnet, tôi chỉ có vốn là mấy bài viết bằng tiếng Việt trên Nhịp cầu Đầu tư.
Rất tiếc, vì lý do gia đình, cô đã rời xa làng báo.
Người thứ tư tôi muốn nhắc tới là Khánh Linh, cô cựu cử nhân công nghệ thông tin ở Úc. Khánh Linh nghiêm túc trong cách tìm hiểu vấn đề và cách viết. Cô hợp hơn với tạp chí, nơi đòi hỏi sự chuyên sâu. Nhưng cô cũng thể hiện khả năng học hỏi cách viết báo thời thượng.
Sau thời gian học hỏi một đàn anh lớn trong lĩnh vực văn hóa, cô đã khá thành công trong việc viết “Phát ngôn & Hành động”, trong giai đoạn hậu Nguyễn Quang Thiều.
Tôi có một kỷ niệm làm báo thất bại với Khánh Linh. Chả là hai anh em được phân công đi Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Hải Dương, tìm hiểu về những đột phá của các địa phương trong lĩnh vực thu hút FDI. Chúng tôi rong ruổi trên chiếc Honda 82 mà bây giờ tôi vẫn đi, đi khắp ba tỉnh đó, và gặp đầy đủ loại người. Chúng tôi hy vọng có một loạt phóng sự hay.
Nhưng không hiểu vì sao, khi triển khai tư liệu, tôi lại thấy cấn cá về việc các địa phương cứ thay nhau phá rào đối với thu hút FDI, và cứ lình chình mãi không triển khai được. May mà sau này, khi các chuyên gia kinh tế nói về chuyện “đua nhau xuống đáy” của các địa phương, chúng tôi không bị liệt vào những kẻ cổ súy cho cuộc đua mang tính thiêu thân này.
Khánh Linh, sau khi đi học Mỹ, đã chuyển về Trường Phan Chu Trinh của nhà văn Nguyên Ngọc. Một lựa chọn hợp lý với cô. Nhưng mới đây, liên lạc với cô qua FB, tôi biết rằng cô đã rời khỏi Trường Phan Chu Trinh.
Chiếc xe Cup 70 đã sửa về cốt 0, lại lắp thêm yên DD rất êm. Tôi sẵn sàng cùng Khánh Linh lặp lại chuyến đi Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Hải Dương, và lần này dứt khoát sẽ có loạt bài. Tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm.
Nhưng Khánh Linh liệu có quan tâm đến báo chí không nhỉ? Cô có nhắn với tôi sẽ sang Mỹ, khi họ cho phép bay thương mại.
Người thứ năm tôi muốn nói tới là Hoàng Thu Hường, cô diễn viên xinh đẹp một thời của Nhà hát Tuổi trẻ. Cô đầu tiên làm phóng viên văn hóa, nổi tiếng với những bài trò chuyện như với GS Cù Trọng Xoay – Đinh Tiến Dũng, những phóng sự như tìm những người lính sống sót và bị cầm tù ở Trung Quốc trong trận thảm sát Gạc Ma, và về những phóng viên chiến trường như Tim Page, hay Ronald Haeberle - người chụp ảnh cuộc thảm sát Mỹ Lai.
|
Hoàng Hường
|
Đến khi TVN khủng hoảng nhân lực, cô bắt tay vào làm những đề tài mới như tranh chấp Biển Đông, hay những câu chuyện môi trường, giáo dục. Riêng loạt phóng sự Biển Đông của cô, khi đi một loạt nơi ở nước ngoài, đã đoạt giải thưởng của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Tôi mất bao nhiêu năm theo dõi đề tài này, mà không làm bằng một chuyến đi của cô.
Hay vợ tôi rất thích những bài viết về giáo dục của cô, và cứ mong có dịp được gặp cô phóng viên với giọng văn sắc sảo, đa chiều và thực tế. Khổ cái khi tôi khỏe lại và đi làm được, thì Hoàng Hường đã chuyển cơ quan.
Bây giờ cô đã thành lập một trung tâm giáo dục về nghệ thuật. Sự trở lại cái nghề mà cô được đào tạo, sau một thời gian dài rong chơi với báo chí.
Người thứ 6 tôi muốn nói tới là Nguyễn Lan Anh, con gái Tổng Biên tập đầu tiên của Vietnamnet. Lan Anh ngày càng nối tiếng với những bài phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng của Harvard, và các cựu nguyên thủ có liên quan tới Harvard. Việt Lâm khen cô độ này viết giọng như Tây, tôi lại thấy giọng văn của cô là giọng Mỹ.
|
PV Trần Mỹ Hòa
|
Người thứ 7 tôi muốn nhắc tới là Trần Mỹ Hòa, người có bằng cấp cao nhất ở TVN, trước khi Việt Lâm từ Mỹ về. Mỹ Hòa là người biên tập giỏi, và nổi tiếng trong Vietnamnet với nghệ danh “Đại Tít gia”, tức là chuyên gia đặt tít. Một bài cô biên tập luôn có 3-4 tít cho trưởng ban lựa chọn.
Cô là người biên tập có khả năng viết nốt câu chuyện cho những cộng tác viên, vốn đi nhiều, biết nhiều, và mở đầu câu chuyện rất hay, nhưng không biết kết thúc cho có thông điệp như thế nào.
Cô cũng rất giỏi trong việc dựng phỏng vấn. Có một số bài tôi đi phỏng vấn, vì cần bài gấp nên cô tự gỡ băng, và dựng luôn. Bạn bèn khen tôi “độ này đổi phong cách hay sao, viết chặt chẽ thế, chứ không tự nhiên như văn nói ngày trước”. Tôi cứ mần thinh nhận lời khen!
|
Hoàng Phương Loan
|
Người thứ 8 tôi muốn nói tới là Hoàng Phương Loan. Ở TVN cô là người viết đối ngoại rất chắc chắn, hiểu biết rộng. Cô cũng là người “rắn ngầm”, ví dụ như bất chấp lệnh rút bài của TBT vẫn cố giữ bài thêm gần một ngày nữa (ví dụ như bài “Hai câu hỏi và một câu trả lời rưỡi”). Cô thấy hay, và nghĩ độc giả cũng vậy.
Trong kỳ hội thảo Biển Đông lần thứ hai ở TP HCM, cô đã cố gắng om bài “Tranh luận với Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh”, và xuất bản đúng lúc khai mạc hội thảo, khiến dư luận sôi lên sùng sục vì thái độ ngang ngươc, bất chấp lịch sử của vị tiến sĩ này. (Nhiều học giả, trong đó có cố Tổng Lãnh sự Quảng châu Dương Danh Dy đã làm một bài phản biện gay gắt trên mạng, và “trên” phải ra lệnh rút bài.)
Đặc biệt, Phó GĐ Học viện Ngoại giao lúc đó là Đặng Đình Quý (bây giờ là Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc), vì sợ hội thảo căng thẳng, đã tức điên lên nói với tôi: "Anh về bảo lính của anh, cái cô học trò cũ của tôi đó, lần sau đừng làm báo kiểu "sexy” như vậy." Tôi trả lời "cô ấy là sếp của tôi đấy".
Đặng Đình Quý đã sai khi diễn đạt từ tiếng Anh là "sexy press", một phong cách khá phổ biến ở phương Tây, mà Thạc sỹ Nguyễn Thế Cường, nguyên chuyên viên Vụ Báo chí (Bộ Ngoại giao), đã bảo vệ đề tài về chuyện này.
Rất tiếc cho TVN là sau khi học thạc sĩ ở Úc, Phương Loan đã về Zing, một tờ báo rất mạnh về đối ngoại. Cô đã kéo theo nhiều CTV từ TVN.
Người thứ 9 tôi muốn nhắc đến là Thu Hà, từng làm Trưởng ban TVN. Cô không chỉ viết về kinh tế tốt, vì tốt nghiệp kinh tế quốc dân, và khi tôi vào miền Nam tháng 5 vừa rồi, gặp các chuyên gia kinh tế trong nhóm Thứ Sáu như Trần Trọng Thức, Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, hay Trần Sĩ Chương…, họ đều hỏi tôi Thu Hà còn làm đó không.
|
BTV Thu Hà (trái)
|
Nhưng đến khi Thu Hà làm loạt bài phỏng vấn một loạt nhân vật cộm cán về chính trị như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, hoặc cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ... trong đợt 2010, tôi mới thấy nể phục cô. Câu hỏi sắc sảo, các đặt vấn đề hấp dẫn, cứ như cô là phóng viên nghị trường thâm niên lắm.
Khi TVN bầu trưởng ban mới, Lan Anh có nói một câu: “Đề nghị phải chọn người nắm vững tất cả các vấn đề làm trưởng ban”. Và không ai khác ngoài Thu Hà hội đủ điều kiện do cô con gái TBT cũ đặt ra.
Người thứ mười tôi muốn nhắc tới là Kỳ Duyên (Phạm Kim Dung). Chị là chuyên gia giáo dục ở Báo Nhân dân, nghỉ hưu được TBT Nguyễn Anh Tuấn mời về, làm cho Mục Thư Thăng long trở nên nổi tiếng.
|
BTV Kỳ Duyên (giữa)
|
Khi Nguyễn Quang Thiều nghỉ, chị được phân công cùng với một phóng viên viết thay. Mục “Phát Ngôn & Hành động” vẫn hút độc giả, nhưng các phóng viên viết cùng chị lần lượt rút khỏi mục này. Người thì đi học, kẻ thì hết vốn. Chị vẫn đứng vững, và phát minh ra một mục dành riêng cho chị “Phát ngôn Tuanvietnam”.
Giong văn có khi ngoay ngoắt của phụ nữ trải đời, khi ngơ ngác của một cô gái Hà Thành đoan chính, đã trở thành một chất gây nghiện. Có những người đã đọc Kỳ Duyên thì không đọc được ai khác.
Thiếu tướng công an về hưu Phạm Chuyên nói rằng nói đến TVN, ông chỉ biết có Kỳ Duyên. Còn nhà văn Nguyễn Quang Lập, trong một lần nhậu, đã nói với người viết rằng thuở sinh viên, anh Bách Khoa - chị Sư phạm, anh đã thầm yêu chị. Nhưng vì tủi phận là thanh niên quê Choa nghèo khó mà không dám ngỏ lời với thiếu nữ Hà Thành trang nhã.
Giá Lập “Quê Choa” biết rằng, khi đọc mấy cuốn sách “chửi tục một cách tao nhã” của anh, chị Kỳ Duyên đã phá lên cười khanh khách, chắc anh sẽ cảm thấy được an ủi phần nào.
Rất tiếc, Kỳ Duyên cũng đã rời TVN. Tôi có liên hệ hỏi chị, nhưng chị không nói lý do.
Người thứ mười một tôi muốn nhắc đến là Lê Thi Nhung, một trưởng ban nhiệt tình, tốt bụng và dám hy sinh bản thân vì tòa báo. Cô từng là một phóng viên chính trường cứng cáp, trước khi chấp nhận sang làm quản lý ở TVN. Trong giai đoạn làm trưởng ban, cô đã mạnh dạn yêu cầu phóng viên, biên tập viên thử sức, và cuối cùng những Mỹ Hòa, hay Hoàng Hường, đã nổi lên, như tôi đã nói ở trên.
Người nữ cuối cùng tôi muốn nói là Lương Thị Bích Ngọc, Trợ lý Tổng Biên tập. Chính Phương Loan, và cả Võ Trường Giang, đã nói với tôi rằng họ được như ngày nay là nhờ những đòi hỏi gắt gao của Lương Thị Bích Ngọc. À, quên, cứ tưởng mọi người đã biết nên quên giới thiệu, chuyên trang Tuanvietnam là do Lương Thị Bích Ngọc dựng nên.
|
NHà báo Lương Thị Bích Ngọc
|
Còn những ai đã đọc những bài tường thuật của TBT Nguyễn Anh Tuấn về chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải đi Mỹ, mới thấy công sức của Lương Ngọc như thế nào. TBT đến đâu, thấy gì là gọi điện về, ở nhà cứ ghi lại rồi giao cho đội Lương Thị Bích Ngọc gỡ băng, và chính cô đã dựng thành bài. Chính vì thế, lúc đầu tôi cứ tưởng trợ lý TBT là làm những việc như thế.
Nhưng sau này, đọc bài của Lương Thị Bích Ngọc trên Người Đô thị về kỷ niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mới biết hóa ra Trợ lý TBT đã làm những việc tầy đình, trong đó có việc cứu Vietnamnet khỏi nguy cơ đóng cửa…
Nói chuyện với tôi gần đây, Ngọc nói rằng đã hơn 10 năm nay, từ khi rời Vietnamnet, chị hầu như không viết được bài báo nào "nổi đình, nổi đám".
Viết đến đây tôi mới sực nhớ là phải tìm ông quan chức Ban Tuyên giáo ở đâu để giải thích cho ông hiểu một sự thật đơn giản là TVN không chỉ có một mình Nguyễn Quang Thiều. Nhưng biết tìm đâu bây giờ? Người duy nhất biết anh ta là bạn tôi, sau khi đi nhiệm kỳ ở nước ngoài, về nước đã nghỉ hưu và suốt ngày đi đánh tennis…