Đánh thuế căn hộ cho thuê, nhà đầu tư "tháo chạy"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo các chuyên gia, mọi hoạt động kinh doanh có lợi nhuận đều phải đóng thuế và việc thu thuế căn hộ chung cư cho thuê là hoàn toàn cần thiết và phù hợp, tuy nhiên, chắc chắn trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, phân khúc cho thuê sẽ đối diện nhiều thách thức, và nguy cơ NĐT rời bỏ thị trường đầu tư cho thuê là dễ xảy ra.

Khảo sát mới đây của VnXpress về việc khi giá thuê nhà tăng, nhà đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư hay rời bỏ để lựa chọn phân khúc khác với tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Kết quả cho thấy có đến hơn 80% nhà đầu tư lựa chọn phương án rời bỏ.

Theo ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân, khi giá cho thuê bị trừ đi phần thuế, bài toán nhà đầu tư cho thuê quan tâm là tỷ suất lợi nhuận lúc này sẽ giảm, dẫn đến thị trường cho thuê không còn hấp dẫn như trước, nhà đầu tư cho thuê sẽ rút khỏi thị trường.

Chia sẻ trên báo chí trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, mọi hoạt động kinh doanh có lợi nhuận đều phải đóng thuế và việc thu thuế cho thuê căn hộ chung cư là hoàn toàn cần thiết và phù hợp, nhưng vẫn không khỏi lo ngại về những tác động tiêu cực đến thị trường BĐS trước thông tin đánh thuế căn hộ cho thuê.

Theo ông Đính, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động cho thuê căn hộ chưa mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Tại Tp.HCM và Hà Nội, lợi nhuận từ việc cho thuê căn hộ mang lại hiệu quả rất thấp, thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.

Chẳng hạn, một căn hộ 100m2 có giá từ 4 - 5 tỉ đồng chỉ cho thuê chỉ được 10 - 20 triệu đồng/tháng, đầu tư căn hộ cho thuê thực chất "thua" gửi ngân hàng.

Ông Đính cho rằng, bản thân hiệu quả của việc đầu tư căn hộ cho thuê đã rất kém hấp dẫn, giờ cộng thêm với mức thuế cho thuê căn hộ 10%, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận và tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường này. Hệ quả là thị trường BĐS không khuyến khích được các nhà đầu tư mua căn hộ kinh doanh, làm giảm lực cầu của thị trường.

Vị chuyên gia này đề xuất có thể tạm hoãn thu thuế một thời gian hoặc áp mức thuế 2 - 3% bởi cho thuê căn hộ đây là hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, lợi nhuận thấp, không giống với hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp của các công ty, doanh nghiệp.

Chia sẻ về tác động từ câu chuyện thu thuế cho thuê, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, việc đánh thuế căn hộ cho thuê tác động đến việc đầu tư căn hộ (mua cho thuê) hay không thì hiện tại chưa thấy rõ, nhưng tương lai chắc chắn khi người mua với mục đích này sẽ phải tính toán, cân nhắc.

Theo ông Hoàng, hiện nay việc đánh thuế căn hộ cho thuê mới chỉ đang thử nghiệm ở một số chung cư tại Tp.HCM, Hà Nội cũng đang tính áp dụng tương tự nên phải chờ thêm một thời gian để đánh giá nhưng trước mắt là sẽ nảy sinh một số vấn đề.

Để việc này đi đúng đường và không ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua, người sở hữu nhà, quan trọng nhất phải là những cơ chế, những công thức tính, những trường hợp nào thì tính và việc phối hợp áp dụng như thế nào, khi có được " cái khung" vậy rồi thì thử nghiệm sẽ hiệu quả hơn. Khi áp dụng thử nghiệm ở một số nơi, thì phải xem thực hiện như thế nào, không thể đánh đồng cứ thấy cho thuê là tính thuế.

Thực tế thì, thị trường cho thuê đã trải qua nhiều khó khăn trong thời gian qua, bên cạnh những tác động của dịch Covid-19 thì lợi tức cho thuê căn hộ có xu hướng giảm nhiệt khi sức cạnh tranh trên thị trường cho thuê càng lớn. Điều này đã gây khó khăn cho những NĐT đầu tư căn hộ cho thuê. Hiện tại, theo các chuyên gia trong ngành chính sách này chưa tác động rõ nét nhưng những lo ngại trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra. Rồi việc NĐT căn nhắc để mua căn hộ cho thuê là khó tránh khỏi.

Ghi nhận chung, hầu hết các doanh nghiệp, chủ các nhà hàng, kinh doanh hiện nay đều điều tiết để cắt giảm chi phí, không mở rộng văn phòng, chi nhánh. Khi mà tình hình cho thuê chưa khởi sắc, những chính sách "siết" ra đời lại càng tạo thêm áp lực cho các NĐT có tài sản cho thuê.

Theo Nhịp sống kinh tế