Danh hiệu không khuyến khích sáng tạo

Xung quanh câu chuyện xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đang gây nhiều tranh cãi, các nghệ sĩ đã góp nhiều ý kiến tâm huyết.
Nghệ sĩ Ái Như (bìa phải) trong vở Nửa đời hương phấn. Chị là người nổi danh với lao động nghệ thuật miệt mài nhưng chưa có bất cứ danh hiệu nào, cũng như chưa bao giờ làm đơn xin xét chọn danh hiệu - Ảnh: T.T.D.
Nghệ sĩ Ái Như (bìa phải) trong vở Nửa đời hương phấn. Chị là người nổi danh với lao động nghệ thuật miệt mài nhưng chưa có bất cứ danh hiệu nào, cũng như chưa bao giờ làm đơn xin xét chọn danh hiệu - Ảnh: T.T.D.

Nên đi tìm cái mới

Ngày nay, gần như không có nước nào trên thế giới làm theo mô hình xưa cũ này. Bởi hoạt động nghệ thuật là sự bền bỉ phấn đấu sáng tạo cả đời của nghệ sĩ chứ không phải các danh xưng được đóng khung cố định, giống như một điểm dừng chân nghỉ ngơi thỏa mãn... 

Đó là chưa nói đến quy trình xét phong danh hiệu còn nặng tính bao cấp, xin - cho. Các hội đồng cấp cơ sở thường đưa ra đánh giá nặng tính chủ quan hoặc căn cứ vào các tiêu chí máy móc, nhiều khi bất cập (như bắt buộc phải có đủ bao nhiêu huy chương vàng, bạc trong các đợt hội diễn). 

Và các cuộc họp “đóng kín” của vài thành viên hội đồng, trong nhiều đối tượng bình xét, không được người trong giới tâm phục khẩu phục. Thậm chí quy chế máy móc đã nảy sinh tình trạng chạy làm sao cho đủ số huy chương. Các hội diễn cấp ngành cũng chạy để tấm huy chương của ngành mình danh giá như hội diễn toàn quốc, nhằm lôi kéo nghệ sĩ tham gia cho xôm tụ...

Rất nhiều nhà hát rỉ tai nhau nội bộ thôi nhường cho đứa ấy, đứa nọ tham gia kiếm tấm huy chương để được phong danh hiệu, bỏ qua tính nghệ thuật và tài năng sáng tạo. Các nghệ sĩ được phong danh hiệu “đụng nóc” thì tặc lưỡi, không còn thiết tha tham gia các liên hoan, hội diễn dù chí ít đó cũng là nơi có thể phô diễn sự sáng tạo.

Hội đồng xét tặng danh hiệu ở những cấp cao hơn thì nhiều khi không hội đủ thông tin, hoặc thiếu sự hiểu biết tường tận về từng con người, đặc thù nghệ thuật của từng loại hình khác nhau nên khó có thể đưa ra đánh giá chuẩn mực về những cống hiến của nghệ sĩ. 

Thực tế đã có nhiều “oan án” khi những nghệ sĩ tài năng thật sự xứng đáng, hoặc ở các sân khấu xã hội hóa không có tiền tham gia những cuộc chơi phù phiếm kiếm tấm huy chương đã phải chịu cảnh hẩm hiu không danh hiệu, tưởng chừng như một sự vinh danh trong mắt đồng nghiệp và công chúng.

Nhưng giá trị cao quý nhất và là thước đo trung thực nhất đối với lao động sáng tạo của nghệ sĩ là sự thăng hoa nghệ thuật trong lòng công chúng thông qua các tác phẩm, vai diễn của họ. Những danh xưng lỗi thời không khuyến khích cho bản chất sáng tạo, vươn tới những đỉnh cao nghệ thuật đang cần nhận thức lại, nếu chúng ta dám thay đổi, nhìn về phía trước.

Vậy nên chăng thử đi tìm cái mới?

Thay cách làm cũ, thay cho quy trình khuôn sáo quan liêu bao cấp, áp đặt, hành chính hóa giá trị lao động sáng tạo của nghệ sĩ... liệu có nên chuyển việc xét phong tặng NSND, NSƯT sang những giải thưởng về văn hóa nghệ thuật cấp cơ sở và quốc gia?

Nghĩa là trong khoảng thời gian cụ thể sẽ bình chọn, vinh danh sự lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của nghệ sĩ và sự vinh danh ấy không bị đóng khung xơ cứng về tuổi đời, tuổi nghề cũng như số lần được xã hội tôn vinh, ghi nhận. Ngoài tiêu chí về nhân cách nghệ sĩ, anh có thể căn cứ vào những sáng tạo, cống hiến của nghệ sĩ trong các hoạt động nghệ thuật cộng đồng rộng mở, chứ không chỉ chăm chăm nhìn vào số lượng huy chương tại các liên hoan, hội diễn..

Sẽ không thể khuyến khích, mở ra chân trời sáng tạo, vươn tới những đỉnh cao nghệ thuật nếu cứ chìm đắm mãi vào những danh xưng, danh hiệu. Nghệ sĩ sống bằng danh để đời và hãy trả lại cho họ hai chữ thực danh trong lòng công chúng. Đừng vì một thói quen cũ, cách làm cũ, không dám bước trên con đường đổi mới.

Nhà viết kịch LÊ CHÍ TRUNG

Không nên cứng nhắc ỷ vào hồ sơ

Vừa rồi, tôi tuy thuộc ngành điện ảnh nhưng cũng được mời ngồi vào hội đồng cấp nhà nước xét hồ sơ cho khối phát thanh truyền hình. Tráo đổi lĩnh vực như thế có thể cho khách quan, nhưng cũng có bất lợi là không phải ai tôi cũng biết ở lĩnh vực này, thế nên phải trông vào hồ sơ nhiều. 

Việc phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND ở nước mình đến giờ theo thông lệ cũ, trước đây làm thế nào thì bây giờ làm như thế.

Tôi nghĩ về quan điểm và hiệu quả thì rất tốt, bởi thật ra đây là cách Nhà nước quan tâm, ghi nhận sự cống hiến của nghệ sĩ. Nhưng phương pháp thì đúng là phải cải tiến sao cho khoa học mà không máy móc, hợp lý mà không bị cảm tính để vinh danh đúng người. 

Bên cạnh quy chế cũng cần phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nghệ sĩ cũng như dư luận xã hội, cũng đừng quá câu nệ vào hồ sơ, giấy tờ. Nếu căn cứ vào hồ sơ hoàn toàn sẽ có người hưởng lợi, có người bị oan.

Nhưng trớ trêu là “án y hồ sơ”, không có hồ sơ thì hội đồng không biết căn cứ vào cái gì để xét? Hãy quan niệm rằng đây chỉ là thủ tục hành chính thông thường sẽ thấy nhẹ nhõm, không bị ấn tượng nặng nề về hai chữ “xin, cho”.

Các hội đồng (nhất là hội đồng cơ sở và chuyên ngành) cần cẩn trọng cân nhắc trước sau, nâng lên đặt xuống phân tích kín kẽ để không bị bỏ sót những nghệ sĩ có danh tiếng, có thực tài, có ảnh hưởng tích cực đến công chúng.

Chúng ta nên vì nghệ sĩ, không nên cứng nhắc ỷ vào hồ sơ (nếu như hồ sơ còn thiếu sót chút gì đó), để họ thiệt thòi khi dư luận xã hội lại công nhận và ủng hộ.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT (phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh VN) 

Quan trọng là tài năng được công chúng ghi nhận

Lật lại những catalogue vở diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ đã bắt đầu sờn mép, NSND Phạm Thị Thành nói:

“Tôi vẫn nhớ anh Chí Trung, chị Minh Hằng luôn là những diễn viên tài năng của Nhà hát Tuổi Trẻ hồi những năm 1990 khi có nhiều vai chính trong các vở sáng đèn cả trăm đêm như Cuộc đời tôi, Đứa con tôi, Romeo và Juliet, Vũ Như Tô, Othello...

Những năm sau đó, hai nghệ sĩ này diễn hài kịch, đóng phim cũng rất giỏi. Nghĩa là dù ở bất kỳ thể loại nào - từ chính kịch đến hài kịch, từ sân khấu đến điện ảnh, họ vẫn đi vào lòng khán giả hàng chục năm qua bằng tài năng diễn xuất, dù có huy chương hay không có huy chương ở các kỳ, cuộc hội diễn.

Và một kiểu vai diễn nữa tôi cũng muốn nhắc đến là những vai mẫu trong kịch hát dân tộc đã ăn vào cả cuộc đời nghệ sĩ, để hễ gọi tên họ là người đời gọi cả vai diễn như Thị Mầu - Thanh Trầm, Súy Vân - Diễm Lộc...

Với những nghệ sĩ chỉ “độc vai” như thế thì làm sao có nhiều huy chương để xét danh hiệu NSND đây?

Nhiều năm gắn bó với sân khấu, tôi cũng thấy vẫn phải tiếp tục vinh danh các nghệ sĩ. Nhưng sự vinh danh này đừng quá cứng nhắc một cộng một bằng hai khi gần như lấy tiêu chí huy chương là quyết định - nhất là khi các kỳ, cuộc hội diễn giờ đây không còn sức hút mạnh mẽ đối với các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa.

Mà quan trọng vẫn phải từ tài năng diễn xuất của nghệ sĩ trong từng vở diễn của hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng... và được công chúng thật sự mến mộ, ghi nhận.

NSND PHẠM THỊ THÀNH

Điều tôi quan tâm là có được nhiều khán giả

Mỗi lần có đợt xét chọn NSND, NSƯT, Hội Sân khấu TP.HCM đều đề nghị tôi làm đơn xin được xét chọn, nhưng lần nào tôi cũng xin được đứng ngoài.

Tôi nghĩ nếu như những việc làm, cống hiến của mình đối với sân khấu mọi người thấy thì công nhận, không thì thôi, bảo tôi xin thì kỳ quá, tôi không làm được.

Đối với tôi, việc quan trọng nhất bây giờ là trong khả năng có thể làm tốt cho sân khấu, lo cho Hoàng Thái Thanh đứng được trong giai đoạn sân khấu hết sức khó khăn, đặc biệt sau thời điểm chúng tôi chuyển từ Nhà thiếu nhi TP về Nhà thiếu nhi Q.10.

Cũng không ít người hỏi tôi có tâm tư không khi vẫn chưa được phong danh hiệu này nọ. Thật sự tôi cảm thấy bình thường, không bức xúc, không câu nệ gì cả. Có danh hiệu tôi cũng lo nhiêu đó việc, không có cũng vậy.

Điều tôi quan tâm là làm sao kéo được thật nhiều khán giả đến với sân khấu, được như vậy tôi mừng lắm!

Đạo diễn ÁI NHƯ(L.ĐOANghi)

Theo Tuổi trẻ