Dân Vũ Hán ở nước ngoài: Đoàn kết, gồng mình vượt bão dịch COVID-19 nơi đất khách

VietTimes -- Vào ngày sau khi tránh được lệnh phong tỏa ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, Scott Liu đã nghĩ ngay đến việc làm thế nào để hỗ trợ thành phố quê hương mình chống lại dịch bệnh do virus corona chủng mới gây nên trong khi ở nước ngoài.
Một biểu ngữ ủng hộ Vũ Hán xuất hiện trong một lễ hội mừng năm mới ở khu người Trung (Chinatown), thành phố New York ngày 9/2 (Ảnh: AP)
Một biểu ngữ ủng hộ Vũ Hán xuất hiện trong một lễ hội mừng năm mới ở khu người Trung (Chinatown), thành phố New York ngày 9/2 (Ảnh: AP)

May mắn khi lên được chuyến bay cuối cùng khởi hành từ Vũ Hán bay thẳng tới New York, Mỹ vào ngày 22/1 - ngay trước khi lệnh cấm di chuyển được thực thi nhằm ngăn chặn sự lây lan của nCoV gây ra bệnh COVID-19 - ông Liu đã trở về nhà ở Queens, New York và bắt đầu quá trình tự cách ly kéo dài 14 ngày.

Trong lúc xuất hiện báo cáo về hàng nghìn trường hợp ca nhiễm, ông bắt đầu tập hợp cộng đồng những người con của thành phố Vũ Hán để quyên góp tiền tài trợ cho thành phố 11 triệu dân, tâm dịch COVID-19 ở Trung Quốc.

"Chúng tôi chỉ muốn đóng góp chút ít sức mình vào nỗ lực chống dịch ở quê nhà" - ông Liu nói - "Khi xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng thấy xảy ra tại Vũ Hán, mọi người đều rất lo lắng và muốn đóng góp chút gì đó".

Ông Liu chỉ là một trong số hàng nghìn người Trung Quốc sinh ra ở Vũ Hán và đang sinh sống trên đất Mỹ, những người đã hành động tích cực để giúp đỡ bạn bè, gia đình họ ở quê nhà.

Và cũng giống như nhiều người Trung Quốc khác, ông Liu đôi khi cảm thấy lo lắng vì bỗng chốc trở thành mục tiêu của chứng sợ hại người Vũ Hán cùng nhiều hành vi ứng xử mang tính phân biệt khác.

Khi quê hương hứng dịch bệnh quái ác

Ông Scott Liu, người đã khởi xướng chiến dịch quyên góp để tiếp tế cho Vũ Hán chống dịch COVID-19 (Ảnh: SCMP)
Ông Scott Liu, người đã khởi xướng chiến dịch quyên góp để tiếp tế cho Vũ Hán chống dịch COVID-19 (Ảnh: SCMP)

Mặc dù phải đứng giữa hai mặt trận như vậy, ông Liu cùng những người bạn của mình đã huy động được ít nhất 1 triệu USD để mua trang thiết bị y tế và gửi về Vũ Hán. Ông cũng phối hợp để hỗ trợ những người đang phải hứng chịu sự phân biệt, gây nên do chứng sợ hãi vô căn cứ người Vũ Hán, ở nước Mỹ.

Tuần trước, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đã ghi nhận 62.000 ca nhiễm COVID-19 và 1.900 ca tử vong, trong đó thành phố Vũ Hán chiếm tới hơn 44.000 ca nhiễm và 1.500 ca tử vong. Dịch bệnh bởi thế đã giúp đoàn kết lại một cộng đồng từng có thời rất lỏng lẻo những người sinh ra ở Vũ Hán đang sống ở Mỹ, với mục tiêu chung là hỗ trợ quê hương mình.

Sống ở Mỹ từ năm 1996, ông Liu, 56 tuổi, giờ đang làm công việc nhập khẩu vải. Ông cũng là Chủ tịch của CLB Yellow Crane và là Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ Bắc-Mỹ; đây là 2 tổ chức kết nối những người Hồ Bắc đang sống ở New York.

Mẹ của ông Liu, hiện đang ở độ tuổi 90, đang sống ở Hồ Bắc; ông gọi điện cho bà mỗi ngày để chắc rằng bà vẫn ổn. Mặc dù người thân và thành viên trong gia đình ông Liu không có ai bị mắc COVID-19, nhưng ông cho hay thân nhân của một trong số những thành viên trong CLB Yellow Crane đã tử vong vì dịch bệnh.

Vào ngày 23/1, CLB Yellow Crane đã khởi động một chiến dịch mua trang thiết bị y tế gửi tới các bệnh viện ở Vũ Hán, huy động được 100.000 USD chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, do các khoản tài trợ và hàng tiếp tế cần phải thông qua Hội chữ thập đỏ chi nhánh Vũ Hán - vốn chịu nhiều chỉ trích vì tham nhũng - nên CLB Yellow Crane đã tìm cách liên hệ với các đầu mối ở Hồ Bắc, dùng tiền quyên góp mua khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và nhiệt kế từ các cửa hiệu ở địa phương.

Tương tự, Allen Xiao, một sinh viên đang theo học ĐH Wisconsin để lấy bằng Tiến sĩ, từng tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Vũ Hán (WFLS) năm 2007, đã thành lập một hội cựu sinh viên Vũ Hán ở Mỹ.

Xiao đã có kỳ nghỉ đông ở quê nhà Vũ Hán, nhưng khi anh trở về Mỹ vào ngày 25/1, anh rất bất ngờ khi phát hiện ra mình không đủ sức mua hàng cung ứng để gửi về nhà bởi các mặt hàng hoặc đã hết veo hoặc bị tăng giá một cách vô lý. Nuôi hy vọng góp sức chống dịch COVID-19 ở quê hương, Xiao liên hệ với các cựu sinh viên WFLS ở các nước khác, và tìm thấy một người đang làm trong lĩnh vực cung ứng đồ bảo hộ y tế ở Đức.

Anh lập tức liên hệ với nhà cung ứng nọ, kết nối với hội cựu sinh viên Vũ Hán ở châu Âu. Và đợt hàng viện trợ đầu tiên mà họ dùng tiền quyên góp mua đã được chuyển tới các bệnh viện ở Vũ hán vào đầu tháng 2/2020.

Hàng tiếp tế cho Vũ Hán của CLB Yellow Crane (Ảnh: SCMP)
Hàng tiếp tế cho Vũ Hán của CLB Yellow Crane (Ảnh: SCMP)

"Là người xuất thân từ Vũ Hán, tôi cảm thấy đặc tính của người Vũ Hán trong tôi đã trỗi dậy. Tôi chưa từng cảm thấy điều này trước đây" - Xiao nói.

Trong việc ứng phó với dịch bệnh COVID-19, các hội cựu sinh viên đã hoạt động rất tích cực khi tập hợp được nguồn lực lớn để viện trợ cho Vũ Hán.

Theo tuyên bố của họ, Hội cựu dinh viên Vũ Hán chi nhánh New York đã huy động được hơn 1,3 triệu USD tính đến ngày 13/2, trong khi chi nhánh ở Bắc Kinh huy động được 24 triệu NDT, khoảng 3,4 triệu USD.

Một triệu chứng khác của virus corona: Phân biệt sắc tộc

Nhưng trong bối cảnh COVID-19 hoành hành, hoạt động viện trợ không phải thứ duy nhất kết nối người Trung Quốc sinh sống ở nước ngoài, mà cả vấn đề phân biệt chủng tộc. Người dân Trung Quốc trên khắp thế giới hiện đang chịu sự phân biệt chủng tộc xuất phát từ tâm lý lo sợ virus corona chủng mới.

Stephanie Yao, 25 tuổi, sinh viên trường ĐH New York, kể rằng trong hôm 5/2 khi cô đang băng qua đường gần Công viên quảng trường Washington thì một người đàn ông trẻ tuổi đi từ hướng đối diện đã tiếp cận cô và ra cử chỉ đe dọa. Do đang đeo tai nghe nên cô không nghe rõ điều mà người đàn ông đang nói, mà chỉ bắt được 2 cụm từ miệt thị là "virus" và "con khốn".

Yao nói cô đã bị sốc và "đứng hình" mất một lúc. Khi trông thấy người đàn ông nọ ra dấu hiệu cú đấm về phía mình, cô chạy về phía 3 người bạn cùng trường ĐH. Người đàn ông nọ không bám theo cô mà đi mất.

Trên đường trở về nhà, cô rất lo ngại có ai đó khác sẽ tấn công mình. Yao kể trước đó đã từng nghe chuyện về những người Trung Quốc đeo khẩu trang bị bạo hành, bởi vậy cô quyết định không đeo khẩu trang. Thế nhưng sự việc xảy ra ở Công viên quảng trường Washington vẫn ám ảnh cô.

Yao, sinh ra ở Hà Nam, sát tỉnh Hồ Bắc, nói cô rất buồn và phẫn nộ trước thực tế rằng ở Trung Quốc, người dân Vũ Hán bị miệt thị vì tháo chạy khỏi thành phố - trong khi ở nước ngoài, cô trở thành một mục tiêu phân biệt đối xử chỉ vì là người Trung Quốc.

"Mọi người đều hứng chịu điều đó. Nếu nạn phân biệt xảy ra với bạn hôm nay, nó sẽ xảy ra với tôi ngày mai" - Yao nói.

Ivy Yang đã khởi xướng một chiến dịch tuyên truyền để tránh tình trạng phân biệt chủng tộc do lo sợ COVID-19 (Ảnh: SCMP)
Ivy Yang đã khởi xướng một chiến dịch tuyên truyền để tránh tình trạng phân biệt chủng tộc do lo sợ COVID-19 (Ảnh: SCMP)

Ở ĐH Columbia, Manhattan, cũng đã xảy ra 2 sự việc phân biệt tương tự, bắt nguồn từ tâm lý sợ hãi COVID-19.

Trong thư viện Butler của ĐH này, cụm từ viết bằng tiếng Trung Quốc "Khu vực cách ly virus Vũ Hán" cùng dòng chữ "KEEP OUT!" (Tránh xa!) viết bằng tiếng Anh đăng trên bảng thông báo giữa nơi công cộng. Còn tại trường công tác xã hội Columbia (CSSW), dọc con đường đến khu sân chính, một bức tranh tường có ghi dòng chữ "Chinazi" (Ghép chữ China và Nazi - Đức quốc xã).

"Trong vài tháng, virus corona không phải là vấn đề, mà chính thứ virus trong tâm trí của chúng ta, sự ám ảnh của chúng ta mới là vấn đề gây tổn thương kéo dài" - Ivy Yang, một sinh viên tại Trường Kinh tế Columbia, nói.

Yang sinh ra ở Vũ Hán nhưng đã chuyển tới California sinh sống từ lúc 9 tuổi. Cô tới New York học đại học và đã gia nhập Hiệp hội Hồ Bắc-Mỹ.

"Tôi không muốn gọi hành động đó là phân biệt chủng tộc. Tôi nghĩ rằng đó là phân biệt chủng tộc không có chủ đích, nó rất khác" - Yang nói - "Nhưng những hành động vô ý đó lại gây tổn thương cho người Vũ Hán nói riêng và người Trung Quốc nói chung".

Để giải quyết vấn đề, Yang bắt đầu khởi động chiến dịch quốc tế có tên gọi "Reboot Project": Cô và hàng chục bạn bè đến từ Hồ Bắc sẽ tuyên truyền về truyền thống, văn hóa của người dân Vũ Hán trên mạng xã hội.