Mỗi cuối tuần, cô Kseniya Abramova cùng mẹ mình và 6 chú mèo lại thực hiện hành trình kéo dài 5 giờ đồng hồ trên chiếc xe Samoyed màu trắng từ St Petersburg về ngôi vườn của họ. Tại đây, họ hy vọng trồng trọt đủ các loại cây ăn quả, rau và các loại hạt để đảm bảo nguồn tự cung đầy đủ.
Giống như nhiều người khác ở Nga, cô Abramova đang cố gắng tự bảo vệ mình trước tình trạng lạm phát cao và gián đoạn nguồn cung thực phẩm, gây ra do các đòn trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga. “Mọi thứ giờ đắt đỏ một cách vô lý. Đúng là một thảm họa. Bởi vậy chúng tôi phải làm vườn từ sáng cho đến tối,” cô Abramova nói.
Trải qua mùa Hè ở một vùng nông thôn đầy sức sống vốn được xem như “nghi lễ” đối với các gia đình Nga. Trong năm nay, càng có thêm nhiều người trở về vùng nông thôn trồng trọt để giảm bớt gánh nặng chi phí giá thực phẩm tăng. Giá thực phẩm ở Nga đã tăng tới 19,1% trong tháng 6, so với cùng kỳ năm 2021, trong khi giá một số mặt hàng như đường tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, và pasta tăng 28%.
“Công dân Nga, đặc biệt là những người thuộc thế hệ cao tuổi, đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nên có nhiều kinh nghiệm vượt qua khó khăn, bằng cách tự tạo ra nguồn lực của chính họ,” Olga Shevchenko, một chuyên gia xã hội học đến từ ĐH Williams ở Williamstown, Massachusetts (Mỹ), nhận định.
“Con người ta thường trốn trong một dạng kén riêng của họ khi phải cố gắng sống sót,” bà Shevchenko nói.
Kseniya Abramova làm việc bên trong nhà kính của cô tại một "dacha" gần biên giới Estonia (Ảnh: SWJ) |
Khoảng gần một nửa người dân Nga sở hữu một ngôi nhà hoặc một mảnh vườn ở vùng nông thôn, theo một nghiên cứu mà Trung tâm Nghiên cứu Dư luận và Thị trường Nga công bố trong năm nay. Khoảng 39% những người tham gia thăm dò nói rằng họ muốn nghỉ hè tại ngôi nhà hoặc khu vườn của họ ở vùng nông thôn, tăng 5% so với năm ngoái. Phần lớn nói rằng họ sử dụng đất đai để tự trồng trọt lấy cái ăn.
Cô Abramova, một nhiếp ảnh gia 43 tuổi, cho hay thu nhập của cô đã giảm gần một nửa trong năm nay. Cô và người mẹ của mình đã canh tác trên khoảng đất rộng 2,5 mẫu Anh gần Pskov, cách biên giới Nga-Estonia không xa.
Vào mùa Xuân năm nay, cô đã bỏ tiền đầu tư hệ thống tưới tiêu cho ngôi nhà kính của mình, và bắt đầu phun thuốc chống côn trùng để bảo vệ cây sơ-ri, táo, mận và lê mà mình đang trồng bên trong. Niềm tự hào của cô chính là khu vườn gồm 40 cây cho hạt. Vào mùa thu hoạch năm nay, Abramova đã tự làm mứt dâu và dưa chuột muối từ những hoa trái thu hoạch được, và có dự định sản xuất cả rượu khi sơ-ri và nho chín.
Abramova thừa nhận bản thân không thích công việc nặng nhọc, nhưng nói rằng khu vườn đã giúp cô đương đầu với sự căng thẳng ngày càng tăng trong cuộc sống. “Cây cối lớn lên, và chúng không quan tâm điều gì đang diễn ra trên thế giới,” Abramova nói.
Vào thời Xô Viết, chính phủ cấp các khu vườn và nhà ở nông thôn, còn gọi là “Dacha”, cho người dân thành phố. Trong bối cảnh nền kinh tế không thể sản xuất đủ hoa quả và rau, chính phủ khuyến khích người dân tự trồng thêm, theo Jane Zavisca, Giáo sư xã hội học đến từ ĐH Arizona.
“Điều này không có nghĩa là độc lập về mặt kinh tế, mà là để giúp người dân tăng cảm giác kiểm soát được cuộc sống và sự an toàn,” bà Zavisca nói.
Ngày nay, giới chức Nga cũng khuyến khích người dân làm vườn và canh tác. Tổng thống Vladimir Putin mới đây ký duyệt một bộ luật giúp nới lỏng một số quy định liên quan tới trồng trọt, cho phép người dân nuôi gà và thỏ vì mục đích sử dụng cá nhân ở các khu nhà vườn. Mùa Xuân năm nay, Phó Chủ tịch Hạ viện Nga, Vladislav Davankov, đề xuất kéo dài thời gian nghỉ lễ trong tháng 5 để người dân có thêm thời gian trồng trọt. Tuy nhiên, biện pháp này không được Quốc hội thông qua.
Một nhà máy sản xuất xe hơi mới đây còn cho phép công nhân đang nghỉ phép của họ trồng khoai tây.
Abramova cùng mẹ làm vườn (Ảnh: WSJ) |
Ông Aleksey Strakhov, 39 tuổi, cho hay ông đã dẹp quang một mảnh đất đằng sau gara của mình, cải tạo đất và thêm phân bón để trồng khoai tây. Người công nhân làm việc tại Vyksa, thuộc vùng Nizhny Novgorod này hy vọng rằng mùa màng thu hoạch được sẽ đủ cung cấp một nửa lượng thực phẩm mà gia đình 5 người của họ cần tới trong mùa Đông. “Năm nay chúng tôi trồng nhiều khoai tây hơn, do giá cả tăng cao,” ông nói.
Svetlana Nizamutdinova, nữ doanh nhân 52 tuổi đến từ Ufa, Nga, đã mua 70 chú gà con trong năm nay, nhiều hơn năm ngoái, với hy vọng sẽ bán đàn gà trang trải chi phí cuộc sống.
Bà cùng chồng của mình đã tự mổ gà trong tháng này và đem bán hoặc đem cho một nửa số chúng. Phần còn lại họ tích trữ trong tủ đông, dự định sẽ lấy ra làm súp gà và xúc xích gà, bánh gà và bánh khoai tây. Bà hy vọng rằng lượng thịt này sẽ giúp gia đình bà đảm bảo được nguồn thực phẩm cho đến hết mùa Đông năm nay.
Mảnh vườn gồm 40 cây lấy hạt là niềm tự hào của cô Abramova (Ảnh: WSJ) |
Nizamutdinova bán giấy dán tường, nhưng ngày càng có nhiều khách hàng của bà nói rằng họ phải tiết kiệm nên không thể mua sản phẩm của bà về trang trí nhà. Gia đình bà hàng năm thường đi du lịch sang Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Thái Lan, nhưng năm nay cũng lựa chọn ở nhà do khó khăn kinh tế.
“Chúng tôi đang chờ đợi những diễn biến tích cực. Có rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Và việc buôn bán cũng vậy,” bà nói.
Bà Yana Oparina cho hay, mẹ chồng của bà đã mua một ngôi nhà vườn ở vùng nông thôn sát biên giới Phần Lan bởi việc đi lại ngày càng trở nên phức tạp và tốn tiền hơn. Tại đó, bà bắt đầu trồng khoai tây, cà rốt và củ cải. Bà cũng phải tìm tới 3 cửa hàng cây trồng khác nhau mới có thể chọn được giống cây kim ngân mà bà muốn có.
Trước đây gia đình bà thường tới thăm Phần Lan, nhưng giờ nước này đang trong quá trình gia nhập NATO, và sống ngay sát một nước thành viên của khối quân sự này là điều đáng ngại.
“Chính trị ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của cuộc sống, từ giá cả gia tăng cho đến lo ngại về khu vực biên giới,” bà Oparina nói. “Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng xóa tan suy nghĩ đó và vui vẻ với vườn tược và những khu rừng xung quanh.”
Nguồn: Wall Street Journal