|
Ngày 7-11 tại Đài Bắc, người dân Đài Loan bày tỏ sự không hài lòng về cuộc gặp ở Singapore - Ảnh: Reuters |
Giới chuyên gia mô tả là “một dấu hiệu ấn tượng” cho bảy năm thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa Đài Loan - Trung Quốc.
Giới truyền thông nhận định cuộc gặp này là bước đột phá trong chính sách Đài Loan của ông Tập Cận Bình.
Những lãnh đạo tiền nhiệm của ông đã không thể đưa bất kỳ lãnh đạo Đài Loan nào đến bàn đàm phán trong nhiệm kỳ của mình. Nhật báo Trung Quốc cho biết đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo Trung Quốc và lãnh đạo Đài Loan trong 66 năm qua.
Chúng ta là một gia đình!
Trước khi bước vào phòng họp kín, hai nhà lãnh đạo đã có cái bắt tay dài 1 phút 10 giây, cái bắt tay mà giới truyền thông gọi là “dài nhất” trong lịch sử quan hệ Đài Loan - Trung Quốc.
Truyền thông Hong Kong dẫn lời ông Tập mở màn cho cuộc họp kín tại khách sạn Shangri La chiều 7-11: “Chúng ta là một gia đình. Chúng ta quyết định thay thế xung đột bằng đối thoại hòa bình”.
Hãng thông tấn trung ương Đài Loan (CNA) cho biết ông Mã và ông Tập đã bàn đến bản “Nhận thức chung 1992” của đôi bên.
Còn báo South China Morning Post dẫn lời ông Mã cho biết cả hai bên đã tán thành nguyên tắc “một Trung Quốc” nhưng mỗi bên có cách hiểu riêng về nguyên tắc này.
Ông Mã nhấn mạnh phía Đài Loan không sử dụng những kiểu biểu đạt như “hai Trung Quốc” hoặc “một Trung Quốc, một Đài Loan” hoặc “sự độc lập của Đài Loan”. Ông giải thích sở dĩ có điều này là vì hiến pháp của Đài Loan không cho phép như vậy.
“Tôi đã đề cập đến mối quan ngại của công chúng Đài Loan về việc triển khai quân đội của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan, trong đó có hệ thống tên lửa và các căn cứ quân sự. Ông Tập khẳng định rằng những cuộc triển khai này không nhằm vào Đài Loan” - ông Mã Anh Cửu thông tin trong cuộc họp báo sau cuộc gặp.
Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SCTAO) Trương Chí Quân cho biết trong cuộc gặp, ông Tập đã nêu vấn đề đẩy nhanh tiến trình thiết lập văn phòng đại diện tại mỗi bên nhưng để ngỏ câu trả lời về khả năng thiết lập đường dây nóng để trao đổi ý kiến về các vấn đề quan trọng khẩn cấp giữa đôi bên.
Nhiều người dân Đài Loan phản ứng
Tại cuộc họp báo sau khi ông Tập và ông Mã họp kín, truyền thông Đài Loan cho biết họ rất thất vọng khi chỉ có một hãng truyền thông duy nhất của lãnh thổ này là tờ China Times được tham dự.
Trước đó ở Đài Loan, khoảng 100 người dân đã cố phá hàng rào an ninh, mang băngrôn “Sự độc lập của Đài Loan” để tràn vào tòa nhà quốc hội ở Đài Bắc nhằm phản đối việc lãnh đạo Mã Anh Cửu đến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sự phản ứng xuất phát từ mối quan hệ ngày càng ấm với Trung Quốc của ông Mã đang dấy lên mối quan ngại ở Đài Loan, cho rằng Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng lên lãnh thổ này.
Thời báo Đài Bắc dẫn lời phe đối lập với ông Mã cáo buộc lãnh đạo này đang “bán đứng Đài Loan” thông qua cuộc họp này.
Nhiều người dân Đài Loan cũng tụ tập tại sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc để phản đối cuộc gặp trước khi ông Mã lên máy bay đi Singapore.
“Là lãnh đạo nhưng không đại diện cho ý kiến của công chúng, ông Mã Anh Cửu không có quyền đi gặp lãnh đạo Trung Quốc” - một người họ Trần nói. Cảnh sát cho biết đã có một số người bị bắt nhưng không cho biết con số cụ thể.
Nhiều người dân Đài Loan chỉ trích ông Mã Anh Cửu đã bí mật sắp xếp cuộc gặp này nhằm đẩy mạnh cơ hội cho Quốc dân đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử ở lãnh thổ này vào tháng 1-2016.
Các thăm dò cho biết tỉ lệ tín nhiệm của người Đài Loan vào Quốc dân đảng đang suy giảm trong thời gian gần đây.
Trong khi đó Đảng Dân tiến (DPP) đối lập đang thể hiện được mong muốn của đa số người dân là giữ nguyên hiện trạng để có thể giao thương và chung sống hòa bình mà không chịu ảnh hưởng chính trị từ chính quyền Bắc Kinh.
Vì sao gặp tại Singapore?
Tháng 4-1993, trên cơ sở cùng tuân thủ “Nhận thức chung năm 1992”, Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan đã có cuộc tiếp xúc bán chính thức lần đầu tiên: chủ tịch Quỹ giao lưu eo biển Đài Loan Cô Chấn Phủ và hội trưởng Hiệp hội quan hệ hai bờ eo biển của Trung Quốc Uông Đạo Hàm đã gặp nhau tại Singapore.
Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khi đó là người được hai bên chọn làm người hòa giải. Đây là lý do Singapore được chọn là nơi diễn ra “cuộc gặp lịch sử” lần này.
Giới chuyên gia đánh giá đây là sự kiện không chỉ được hai phía Trung Quốc và Đài Loan quan tâm mà còn được Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới theo dõi rất sát sao.
Theo Tuổi trẻ