Dám “bỏ mặc” trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tư tưởng "hy sinh đời bố củng cố đời con" phổ biến trong xã hội đang lấy đi cơ hội trưởng thành của trẻ. Không nên nghĩ thay, làm thay cho con, trẻ cần được lựa chọn và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.

“Bỏ mặc” có lẽ không có trong từ điển của cha mẹ Việt ngày nay; ngược lại, đứa trẻ đang… bị chăm sóc một cách thái quá. Cha mẹ không cho con cái nhiều cơ hội để trưởng thành.

Bác sĩ-nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện có kể trong cuốn sách nổi tiếng “Bàn về đạo Nho” của ông rằng cho đến khi ra nước ngoài du học, ông chỉ được người cha nói chuyện 3 lần. Lần cuối cùng là bằng một lá thư năm vị bác sĩ tương lai 24 tuổi trên đường đi Pháp du học. Theo lời dặn, tàu ra đến biển khơi ông mới mở thư ra, chỉ vỏn vẹn có 2 câu ngắn ngủi: “Sang bên Pháp, việc học hành thầy không dặn, thầy tin con thành công. Thầy chỉ dặn một điều, nhất thiết đừng lấy vợ đầm.”

Không bàn về nội dung bức thư vốn khá xa lạ với chúng ta ngày nay, nhưng cái phong cách dạy con của ông bố thời ấy gợi cho ta rất nhiều điều đáng suy ngẫm. Người cha của bác sĩ lừng danh Nguyễn Khắc Viện đã không bao giờ “kè kè” bên con để coi sóc, để giám sát và canh chừng, và đặc biệt là không làm thay, không quyết định giùm.

Cái cách “bỏ mặc” này dường như lại là một cơ hội cho những đứa con lớn lên và vững chãi bằng những lựa chọn và sự tự chịu trách nhiệm của chúng.

Ảnh Getty

Ảnh Getty

Ngày nay, khi một đứa trẻ vì bất cẩn vấp phải cây chổi mà bị ngã, rồi khóc toáng lên, phản ứng của ông bà cha mẹ là rầy la…cây chổi. Khi chúng không chịu ăn, cha mẹ liền treo thưởng hoặc hăm dọa, thậm chí cả nhà xúm vào diễn tuồng, cốt làm sao cho đứa bé ấy “hoàn thành chỉ tiêu”. Đó những hành xử đang trực tiếp lấy đi cơ hội trưởng thành của trẻ.

Trưởng thành không phải chỉ là lớn lên, nội hàm cơ bản nhất của nó là lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Khi cha mẹ và thầy cô không cho con trẻ quyền chọn lựa nghĩa là đã đồng thời không cho chúng có được cơ hội trưởng thành.

Một đứa trẻ bị vấp ngã thì điều đầu tiên là người lớn cần có dũng khí dám để chúng tự mình đứng dậy. Khi chúng lựa chọn không ăn thì hãy để chúng chịu trách nhiệm với cơn đói của mình.

Sự lo lắng thái quá của người lớn đã dẫn tới đánh cắp luôn cảm thức và ý thức của trẻ nhỏ. Ngày nay, trẻ em không còn bị khổ vì đói nữa mà chủ yếu là khổ… vì no. Chúng không có cơ hội được đói, chúng luôn phải ăn khi cái bụng còn đầy hoặc lưng lửng do sự ép buộc và “chăm sóc” cực đoan từ người lớn.

Do những di chứng đói khổ, thiệt thòi trong quá khứ để lại, nhiều cha mẹ ngày nay đang sống với phương châm “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, dành cho chúng tất cả những gì mà thuở trước mình từng khao khát thèm muốn nhưng không được. Quần áo đầy tủ, đồ chơi đầy nhà, thức ăn thừa mứa, đòi gì được nấy… Cha mẹ không để con thiếu thốn bất cứ thứ gì, ngay cả cảm giác được đói bụng. Đó là hội chứng của “khủng hoảng thừa” trong nuôi dạy con.

Hậu quả của tình trạng này là ngày nay có những thanh niên mặc dù đã lên đại học nhưng mất khả năng đề kháng, không thể tự chăm lo cho mình, luôn phụ thuộc và ỷ lại. Mức độ có thể khác nhau nhưng do lúc nhỏ không phải làm gì, lớn “chỉ cần học giỏi” rồi ra trường cha mẹ lo việc đã biến thế hệ trẻ thành những người thụ động, sống dựa dẫm và mất khả năng chịu đựng trước cuộc sống vốn phức tạp và khốc liệt.

Bọc con cái và học trò trong một bầu không khí “vô trùng” là cách tốt nhất để phải trở thành bảo mẫu cho chúng suốt đời. Trẻ nuôi con, già nuôi cháu, rốt cuộc thì cả cha mẹ và con cái đều không được sống. Nếu cứ thế thì sẽ tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn không những giam nhốt những cá nhân mà còn hủy hoại cả tương lai xã hội.

Cách nuôi dạy ấy đang làm ra những “đứa trẻ to xác”. Chúng ta có dám “bỏ mặc” con cái không? Có dám để nó ngã, có dám để chúng chịu chút cảm giác của cơn đói không, có dám cho con lưu ban hay thất nghiệp vài năm không…?

Giáo dưỡng đúng cách không phải là “trời sinh voi trời sinh cỏ”, cũng không phải là “hy sinh đời bố củng cố đời con” mà là hãy để chúng rời xa tầm tay nhưng đừng rời khỏi tầm mắt.