Thông tin mới nhất từ Trung tướng Nguyễn Hải Trung - giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết đơn vị vừa chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai ra quyết định kỷ luật, cảnh cáo đối với đại úy Nguyễn Văn Lâm - cán bộ Công an xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội) vì thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc tham gia bắt giữ nghi phạm Đặng Phạm Sáu (51 tuổi, ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) có hành vi dùng dao đâm trọng thương, cướp tài sản của tài xế taxi.
Phân tích về vụ việc xảy ra chiều ngày 16/5 vừa rồi, Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia về tâm lý tội phạm cho rằng: “Khi xem những diễn biến của vụ việc qua clip người dân ghi lại, tôi thấy rất không hài lòng vì Đại uý Lâm đã không làm việc cần phải làm của người chiến sĩ công an trong tình huống khẩn cấp đó”.
“Theo tôi, tình huống tên cướp bị chính nạn nhân đã bị thương cố gắng bắt giữ, nhưng Đại uý Lâm chỉ đứng nhìn và bấm điện thoại, không hề tham gia hỗ trợ người dân bắt tội phạm, đó thực sự là một hành động vô cùng phản cảm, làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân”.
Đại uý Lâm gọi điện thoại trong khi người dân vật lộn bắt cướp - Ảnh cắt từ clip |
Trước sự việc được người dân ghi lại bằng video, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng dư luận có quyền đánh giá rằng chiến sĩ công an kia đã bàng quan, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước công việc và xứng đáng với hình thức kỷ luật loại khỏi quân ngũ.
“Bên cạnh rất nhiều tấm gương cán bộ chiến sĩ công an dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh quên mình vì nhiệm vụ, quả cảm đối diện với hiểm nguy để bảo vệ nhân dân, thì hành động tại hiện trường của Đại uý Lâm khiến chính anh em trong lực lượng công an cũng cảm thấy bức xúc, khó chấp nhận. Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp hy hữu” - Trung tá Đào Trung Hiếu viết.
Lật lại vấn đề từ một khía cạnh khác, Trung tá Đào Trung Hiếu nhận định: “Mặt khác, tôi cho rằng Đại uý Lâm có thể không phải vô cảm, thiếu trách nhiệm, mà trình độ nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống của anh ta quá yếu kém.”
“Vì kết quả xác minh của Công an TP Hà Nội xác định Đại uý Lâm đã gọi điện thoại về công an xã xin chi viện lực lượng đến hỗ trợ bắt đối tượng, chứ không phải là không có động thái gì. Do đó có thể loại trừ nguyên nhân từ thái độ vô trách nhiệm trước công việc, thờ ơ bỏ mặc người dân trong cơn nguy cấp” - Trung tá Đào Trung Hiếu thông tin.
Dù sao, có thể thấy Đại uý Lâm đã xử lý tình huống rất thiếu chuyên nghiệp, vì đó là trường hợp khẩn cấp, nạn nhân đã bị thương, đang cố gắng vật lộn để bắt giữ đối tượng, sự hỗ trợ từ bên ngoài lúc đó là vô cùng cần thiết.
Với trách nhiệm công vụ, lẽ ra Đại uý Lâm phải ngay lập tức xông vào hỗ trợ đánh bắt, khống chế đối tượng. Nếu khó khăn, có thể kêu gọi người đi đường tham gia giúp sức khoá trói tên tội phạm. Sau khi khống chế thành công mới gọi điện cho đơn vị cử người ra tiếp nhận.
Đằng này Đại uý Lâm đã không có những thao tác cần thiết, thể hiện sự yếu kém về nghiệp vụ, lúng túng, bị động, không mưu trí, dũng cảm trong giải quyết công việc.
Đặng Phạm Sáu bị khống chế đưa về Công an H.Thanh Oai phục vụ điều tra - Ảnh CAHS |
“Theo tôi, Công an phải là hiệp sĩ bảo vệ người dân. Trong tình huống người dân đang bị uy hiếp nghiêm trọng về sự an toàn tính mạng, sức khoẻ, người chiến sĩ công an không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc dũng cảm đối diện với tội phạm với tâm thế sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để cứu dân ra khỏi hiểm nguy.
Bằng nghiệp vụ và võ thuật đã được trang bị, người lính phải tính toán rất nhanh phương án tiếp cận, đánh bắt để giải quyết tình huống.
Không có chỗ cho sự nhút nhát, sợ hãi, chần chừ hay trốn tránh trách nhiệm lúc này. Đã làm nghề này, phải chấp nhận tất cả vì nhiệm vụ. Còn sợ thì hãy xin ra khỏi ngành” - Trung tá Đào Trung Hiếu thẳng thắn nhận định.