|
Chủ tịch Duma Nga Sergei Naryshkin |
Báo cáo tin của trang Sputnik Nga ngày 20/4/2016, Chủ tịch Duma Nga Sergei Naryshkin đã đưa ra bình luận dự báo về khả năng lập ra "Đại lục Á-Âu" kéo dài từ Murmansk tới Hà Nội.
Ông Sergei Naryshkin cho rằng lục địa Á-Âu trong tương lai gần sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển trật tự thế giới đa trung tâm.
"Sớm hay muộn, chúng ta sẽ đến với sự hình thành "Đại lục Á-Âu" từ Oslo và Murmansk đến Delhi, Thượng Hải và Hà Nội" - Ông Sergei Naryshkin nói.
Bình luận của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga được đưa ra tại cuộc họp đầu tiên của chủ tịch quốc hội các nước Á Âu. Theo ý kiến của ông, sự "hội nhập Á-Âu phải được nhận thức một cách rộng rãi như vậy".
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Naryshkin cho biết "Nga ghi nhận những tác động tiêu cực của cái gọi là "phương Tây hóa", tức là thực tế chấp nhận vô điều kiện mô hình xã hội và kinh tế của phương Tây tại nhiều nơi trên thế giới trong những năm gần đây".
Theo Sputnik, khi phát biểu về các bước cụ thể hướng tới hội nhập Á-Âu, ông Naryshkin lưu ý rằng trong tương lai Nga muốn lập ra một khu vực tự do thương mại với các nước SCO, ASEAN và các quốc gia khác của châu Á để trên cơ sở đó phát triển tối đa sự hợp tác công nghiệp công nghệ cao.
Đây là bình luận hết sức đáng chú ý của một quan chức cấp cao của chính quyền Nga. Hiện chưa có những phản hồi chính thức từ giới chuyên gia, nghiên cứu hay giới chức nước ngoài về bình luận của ông Sergei Naryshkin.
Có thể nhận thấy, mong muốn sớm hình thành "Đại lục Á-Âu" kéo dài từ Murmansk có thể được xem là tham vọng chiến lược của Nga nhằm đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á và một phần của lục địa già châu Âu.
Được biết, cuộc họp đầu tiên của chủ tịch quốc hội các nước Á Âu diễn ra hôm qua 20/4 tại Moscow.
Phía Nga cho biết, tham dự cuộc gặp này có những người đứng đầu các cơ quan lập pháp tối cao của Afghanistan, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Việt Nam, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Campuchia, Mông Cổ, Pakistan, Hàn Quốc, Nga, Tajikistan, Thái Lan, Philippines và Cộng hòa Séc.
Lê Dũng