|
Chị Cai Thái Hoàng Uyên trao đổi với VietTimes về iMuseum ngay tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
Chị Cai Thái Hoàng Uyên – Quản lý dự án iMuseum VFA, thuộc Công ty Cổ phần Phần mềm Ứng dụng Di động Việt Nam (VINMAS) – đã thẳng thắn trao đổi với VietTimes về việc phát triển ứng dụng Thuyết minh Đa phương tiện iMuseum VFA, những khó khăn mà đội phát triển dự án đã trải qua để đưa bản hoàn thiện đến với công chúng.
Bữa ăn tinh thần trong 8 tiếng
- Thưa chị, khi bắt tay xây dựng ứng dụng Thuyết minh tự động Đa phương tiện iMuseum VFA, VINMAS chắc hẳn đã tìm hiểu, đánh giá các ứng dụng tương tự mà các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới đang sử dụng? Ứng dụng iMuseum VFA như thế nào nếu đặt trong sự so sánh với các ứng dụng tương tự đó?
Chị Cai Thái Hoàng Uyên: Chắc chắn rồi, chúng tôi đã tìm hiểu và học hỏi ứng dụng thuyết minh của nhiều bảo tàng trên thế giới, trong đó có những bảo tàng lớn và danh tiếng như The Met Museum của Mỹ, Lourve Museum của Pháp, Rijks Museum của Hà Lan, Bảo tàng quốc gia Singapore, v.v.. Những tính năng cơ bản của một app thuyết minh đa phương tiện thì iMuseum VFA đều có và chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Còn mặt nào hơn mặt nào thua có lẽ chúng ta nên chờ đánh giá của công chúng trực tiếp trải nghiệm.
- iMuseum VFA đã gán mã được bao nhiêu hiện vật trong bảo tàng và định hướng phát triển của ứng dụng trong tương lai như thế nào, có thể có hỗ trợ gì khác nữa để tiệm cận với nhu cầu sử dụng của người dân?
Chị Cai Thái Hoàng Uyên: Hiện đã có 100 bức tranh quý được số hóa thông tin, gồm ảnh chụp chất lượng cao, text, lời thuyết minh bằng giọng đọc thật thể hiện bằng tiếng Việt và 8 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha Ý và trong thời gian tới sẽ bổ sung thêm tiếng Đức.
Ứng dụng iMuseum VFA còn có tính năng location map sử dụng công nghệ iBeacon giúp du khách thuận tiện tìm kiếm vị trí trưng bày tác phẩm, phân biệt những phòng trưng bày đã qua và chưa qua. Du khách online có thể dễ dàng tìm kiếm tác phẩm theo tên, theo tên tác giả, tên chất liệu v.v..
|
Đại diện nhóm dự án iMuseum VFA trong lễ ra mắt ứng dụng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
“Đập đi xây lại” tới hơn 160 phiên bản
- Quá trình xây dựng ứng dụng iMuseum VFA có những thuận lợi gì, thưa chị?
Chị Cai Thái Hoàng Uyên: Về thuận lợi, trước hết chúng tôi nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch cũng như Ban lãnh đạo Bảo tàng, sự cộng tác phối hợp nhiệt tình của đội ngũ cán bộ Bảo tàng, của các chuyên gia Mỹ thuật, các nhà lý luận phê bình Mỹ thuật.
Cùng với đó, đội ngũ kỹ sư VINMAS tay nghề cao, đã từng tham gia các công ty nhà nghề trong và ngoài nước, trực tiếp tham gia xây dựng rất nhiều loại ứng dụng di động khác nhau. Chúng tôi cũng xác định đây là một dự án điển hình của chuyển đổi số trong ngành văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tàng có thể nói đây là dự án ứng dụng di động thuyết minh đa phương tiện đầu tiên. Điều này cũng giúp anh em phấn chấn, làm việc rất say mê.
|
Chị Cai Thái Hoàng Uyên cùng đội dự án dành gần 3 năm lăn lộn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để xây dựng sản phẩm tâm huyết iMuseum VFA. |
- Còn về những khó khăn, đội dự án có gặp khó khăn nào khi xây dựng ứng dụng không, xin chị chia sẻ thêm?
Chị Cai Thái Hoàng Uyên: Có chứ, chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn. Ứng dụng di động đa phương tiện thì một số bảo tàng lớn trên thế giới đã có, nhưng họ khác Việt Nam rất xa về điều kiện kinh phí. So với họ thì điều kiện nguồn lực của chúng ta rất khiêm tốn, song chúng ta vẫn phải làm ra được ứng dụng với chất lượng cơ bản không thua gì họ, thậm chí có mặt còn hơn. Đã vậy chúng ta phải tự xây có thể nói là ngay từ những viên gạch đầu tiên chứ không có template nào có sẵn để chỉ việc lấy về mà phát triển cả.
Chính vì vậy nhóm dự án iMuseum VFA đã phải bỏ ra thời gian, công sức, chi phí lớn hơn hình dung ban đầu rất nhiều. Chúng tôi đã phải xây rồi đập rồi xây tới hơn 160 phiên bản khác nhau, rồi đúc rút, tích hợp mới ra được phiên bản khai trương sáng 22/4. Mà đương nhiên phiên bản này cũng sẽ được hoàn thiện không ngừng, cứ vài tuần lại có một cải tiến gì đó được cập nhật và việc cải tiến sẽ không bao giờ dừng lại.
Công nghệ đổi mới rất nhanh. Đội ngũ kỹ sư VINMAS phải cập nhật liên tục các công nghệ mới để phù hợp với tình hình thực tế của bảo tàng và mang lại trải nghiệm ngày càng phong phú cho người dùng.
Ngoài ra, ứng dụng trợ giúp tới 8 ngôn ngữ, việc tìm kiếm các chuyên gia thông thạo ngoại ngữ chuyên ngành mỹ thuật để thực hiện công tác biên dịch, hiệu đính rất khó khăn. Việc tìm người bản ngữ phù hợp để thể hiện lời thuyết minh cho từng thứ tiếng cũng chiếm mất khá nhiều thời gian.
- Ngoài Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ứng dụng này còn được sử dụng ở đâu nữa không? VINMAS cần bao lâu để phát triển sản phẩm này? Được biết, đội phát triển dự án iMuseum VFA ở Đà Nẵng trong khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đặt tại Hà Nội. Hai bên đã kết nối trực tuyến với nhau như thế nào để phát triển ứng dụng?
Chị Cai Thái Hoàng Uyên: Tại Việt Nam, hiện ứng dụng này mới chỉ sử dụng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chúng tôi khởi động dự án này từ tháng 6/2018, đến nay đã được gần 3 năm.
Đội phát triển dự án này gồm các nhân viên ở cả hai miền, có cả nhân viên nước ngoài. Các thành viên của VINMAS có kinh nghiệm trực tiếp tham gia làm rất nhiều các loại app khác nhau. Chúng tôi kết nối với nhau vừa online vừa offline.
Xin cảm ơn chị!
Ưu việt hơn các ứng dụng thuyết minh tự động thông thường, iMuseum VFA tích hợp nhiều tính năng vượt trội. Qua đó, người dùng có thể xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm, nghe nội dung bài giới thiệu, xác định chính xác vị trí trưng bày hiện vật, xem sơ đồ hệ thống trưng bày, phân biệt các phòng đã tham quan bằng màu sắc…
Xuất phát từ nhu cầu cải thiện chất lượng tham quan cho du khách, ứng dụng iMuseum đã nắm bắt được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng.