Chiều ngày 15/11, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội về phương án điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án lấn sông Hàn từng vấp phải phản ứng của dư luận cách đây 2 năm.
Bồi thường hay cho xây cao tháp?
Các dự án này gồm: dự án Bất động sản – Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) do Công ty CP Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư (Công ty CP Quốc Cường Gia Lai mua lại) và dự án Olalani Riverside Tower do Công ty CP Mỹ Phúc làm chủ đầu tư.
Đây là các dự án được dư luận quan tâm bởi những tác động đến dòng chảy, cảnh quan sông Hàn, lợi ích công cộng của người dânbởi, nên từng được Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện xã hội về phương án điều chỉnh quy hoạch vào năm 2019.
Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng - cho hay, hội nghị lấy ý kiến phản biện nhằm có thêm các ý kiến đóng góp và tìm phương án tối ưu nhất để đảm bảo quyền lợi cho TP, người dân và chủ đầu tư các dự án.
Thông tin về các dự án này, ông Đinh Thế Vinh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng - cho biết, sau nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2020, UBND TP Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch hai dự án theo hướng mở rộng tuyến đường ven sông, tăng diện tích cây xanh, bổ sung bãi đỗ xe công cộng.
Đặc biệt, theo điều chỉnh quy hoạch mới nhất bằng việc loại bỏ các khối nhà cao tầng và giảm mật độ xây dựng đơn vị ở, giảm diện tích đất ở, TP sẽ phải bỏ ra khoảng 2.000 tỉ đồng để bồi thường cho các chủ đầu tư 2 dự án này, do đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước đó (kinh phí bồi thường đối với 2 dự án là 1.939 tỷ đồng. Trong đó, dự án Marina Complex là 693,6 tỷ đồng và dự án Olalani Riverside Tower là 1.245,4 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo ông Vinh, UBND TP Đà Nẵng lại cho rằng việc đề xuất cao tầng với khoảng cách các tòa tháp theo quy hoạch trước đây là có thể xem xét, nhằm phát huy tầm nhìn thoáng rộng ra sông Hàn.
Hơn nữa, nhìn nhận về mặt kiến trúc cảnh quan, việc tổ chức nhà thấp tầng dàn trải, kéo dài sẽ không phát huy được lợi thế của dự án ven sông, hiệu quả chiếu sáng về đêm cho sông Hàn không cao.
Các phương án xây dựng công trình tại dự án |
Với những thông tin từ Sở Xây dựng TP, nhiều ý kiến tham luận cho rằng cần mở rộng tuyến đường ven sông thành trục giao thông công cộng kết hợp với cảnh quan, điều chỉnh kiến trúc các khối cao tầng phù hợp cảnh quan 2 bên bờ sông Hàn. Nhất là cần làm rõ các chi phí và xem xét phương án bồi thường nhằm đảm bảo dung hoà lợi ích chung của người dân và chủ đầu tư.
Vẫn chưa có hồi kết.
Theo ông Vũ Quang Hùng – Bí thư Quận uỷ Hải Châu (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng) – các dự án này được quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung, phân khu và quy hoạch đê kè đã được phê duyệt. Tuy nhiên, dự án cần được điều chỉnh sắp xếp tổng mặt bằng quan tâm đến không gian công cộng ven sông để người dân tiếp cận thụ hưởng, ưu tiên nghiên cứu mở rộng diện tích công cộng phía bờ sông, tổ chức đường ven sông xuyên suốt, nghiên cứu phương án kết nối vận tải công cộng và giải pháp chiếu sáng cho công trình cao tầng, góp phần tôn tạo cảnh quan sông Hàn về đêm.
Còn ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng - cho rằng, TP cần có phương án đảm bảo vừa không phải bồi thường một khoản tiền quá lớn, vừa giữ được mật độ không gian xanh phía sông để phục vụ cộng đồng và đường cảnh quan ven sông.
Để hạn chế mức bồi thường cho chủ đầu tư, theo ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng - cần thiết có một số công trình cao tầng tại dự án để đối xứng, hài hòa với bờ Tây sông Hàn. Tuy nhiên, cần tính toán khoảng lùi của cao ốc đối với bờ sông. Kèm theo đó, TP cũng phải nghiên cứu tổng thể kiến trúc của cả vệt đất phía sau hai dự án cùng các chung cư nhà ở xã hội 12 tầng hiện hữu, để tạo thành một cụm kiến trúc đồng bộ, đẹp mắt.
Còn ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng - nêu quan điểm, nếu chỉ làm thấp tầng, nơi đây thành “khu đô thị ngủ”, không xứng tầm trong khi sông Hàn chính là “phòng khách” của Đà Nẵng. Còn nếu xây dựng quá nhiều tháp cao tầng cùng thì lại vượt ngưỡng chịu đựng của môi trường.
“Phương án hài hòa nhất cho tự nhiên - con người - kiến trúc là cho phép làm một số nhà cao tầng có kiến trúc thật đẹp. Chủ đầu tư nên tổ chức thi hoặc mời kiến trúc sư đẳng cấp thiết kế cho xứng tầm, có thể tạo nên thương hiệu cho TP” - ông Hùng nói.
Ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - lưu ý, về mặt nguyên tắc khi điều chỉnh quy hoạch hai dự án phải tuân thủ quy hoạch chung TP đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó, có công trình hầm qua sông Hàn chạy qua dự án.
Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng phát biểu ý kiến tại hội nghị |
Với mong muốn sớm được triển khai dự án, bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (chủ đầu tư dự án Bất động sản – Bến du thuyền Đà Nẵng) - cho rằng, việc bỏ hết nhà cao tầng sẽ giảm giá trị dự án, đồng thời, Đà Nẵng sẽ phải mất khoản tiền lớn để bồi thường và phía doanh nghiệp không hề mong muốn điều đó.
“Chúng tôi hoàn toàn đồng ý việc giảm nhà cao tầng và sẽ mời tư vấn nước ngoài để thiết kế khối cao tầng xứng tầm theo đúng ý kiến của các ban, ngành” - bà Nguyễn Thị Như Loan chia sẻ.
Kết luận hội nghị, ông Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng - đề nghị cần đảm bảo tính liên tục đối với dải đất công cộng ven bờ sông Hàn và không ngắt quãng tại khu vực này. Bên cạnh đó, khi xây dựng phải xem xét về mật độ, chiều cao, khoảng lùi, màu sắc công trình… hạn chế bố trí nhiều cụm nhà cao tầng án ngữ bên sông. Bên cạnh đó, bố trí bãi đậu xe công cộng phù hợp với quy mô dân số.
“Lãnh đạo TP nên ngồi lại với chủ đầu tư khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc phát sinh chi phí bồi thường trong bối cảnh khó khăn hiện nay” - ông Thắng nhấn mạnh.
Trước đó, tháng 5/2019, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện xã hội về phương án điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án này. Tại hội nghị, các chuyên gia đã đưa ra 16 ý kiến xoay quanh việc triển khai dự án cũng như những tác động của dự án đến dòng chảy lòng sông và cảnh quan sông Hàn.
Đa số ý kiến yêu cầu phải nghiên cứu, xem xét tổng hoà các vấn đề từ quy hoạch, cảnh quan, tác động môi trường tự nhiên… đến đảm bảo lợi ích cộng đồng và lợi ích của chủ đầu tư.
Dự án Bất động sản – Bến du thuyền Đà Nẵng được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt sơ đồ ranh giới từ tháng 8/2009. Ban đầu dự án có diện tích 175.012m2, trong đó diện tích sử dụng phần đất liền là 105.520m2, diện tích sử dụng mặt nước. là 69.492m2.
Sau nhiều lần điều chỉnh và chuyển nhượng cho chủ đầu tư khác, dự án có tổng diện tích còn 117.311m2, trong đó diện tích phần đất liền là 107.311m2, diện tích phần mặt nước, cầu tàu giảm còn 10.000m2.
Khu vực phía sông được điều chỉnh từ 13 toà tháp cao tầng còn 2 khối tháp (cao từ 16-33 tầng) và 57 căn biệt thự. UBND TP Đà Nẵng đã cấp 140 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 39.626,7m2/48.914m2 đất ở đô thị.
Dự án Olalani Riverside Tower được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ tháng 4/2008. Ban đầu dự án có diện tích 77.742m2, quy hoạch 3 khối với 6 toà tháp trung tâm thương mại, căn hộ, khách sạn phía ngoài sông (cao 38 tầng, tổng diện tích 19.421m2).
Qua nhiều lần điều chỉnh, dự án được điều chỉnh tăng diện tích lên 81.458m2, trong đó diện tích mặt nước là 65.705m2. UBND TP Đà Nẵng đã giao đất có thu tiền sử dụng đất 46.002m2, diện tích đất thuê là 65.705m2 (thuê 50 năm) và UBND TP Đà Nẵng đã cấp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 46.002m2 đất ở đô thị.