|
Quang cảnh hội thảo khoa học “Thảo luận, lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên địa bàn TP Đà Nẵng (Ảnh danang.gov) |
Đà Nẵng có hơn 1.300 dự án đang gặp vướng mắc
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho rằng, hội thảo khoa học "Thảo luận, lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn TP Đà Nẵng” có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm triển khai chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực và kinh nghiệm trong thực tiễn, tham gia góp ý các điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm giải quyết các vấn đề bất cập tồn tại trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai như: Giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; xác định giá đất… và nhất là các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, kết luận của Kiểm toán Nhà nước và nội dung của các bản án của tòa án nhằm khơi thông nguồn lực về đất đai, nguồn lực của xã hội để thúc đẩy sự phát triển của TP.
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội TP; ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP cùng hơn 250 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học...
Bên cạnh đó, ông Quảng đề nghị Ban cán sự đảng UBND TP chủ trì, phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND TP, Mặt trận, ban, ngành, đoàn thể từ TP đến phường, xã tập trung tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo theo tiến độ và yêu cầu của các cơ quan Trung ương.
"Một trong những vấn đề rất lớn của TP Đà Nẵng liên quan đến đất đai hiện nay là giải quyết những câu chuyện cũ. Ở đây, chúng ta đang tổng kết thực tiễn Luật Đất đai năm 2013, nhưng về bản chất là chúng ta đang phải giải quyết những tồn tại của Luật Đất đai năm 2003. Chẳng hạn, từ năm 2003-2010, TP xác định có hơn 1.300 dự án đang gặp vướng mắc, đã đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân" - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng nhấn mạnh.
|
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo (Ảnh danang.gov) |
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cũng đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu tham dự buổi hội thảo tập trung, phát huy trí tuệ, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các chuyên đề nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với mục tiêu phát huy nguồn lực đất đai, khắc phục được những hạn chế bất cập đã được xác định trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Đất đai 2013. Việc điều hành, thảo luận các chuyên đề, trên tinh thần tham vấn một cách rộng rãi, đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực và sát với tình hình thực tiễn.
"Căn cứ vào kết quả lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn TP và kết quả của Hội thảo, Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả đảm bảo chất lượng, khách quan để gửi về Bộ TN&MT trước ngày 15/3/2023 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ" - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.
Theo ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) - các nội dung lấy ý kiến trọng tâm theo từng nhóm đối tượng: các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...
Trong đó, các nội dung lấy ý kiến tập trung vào các vấn đề trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; hộ gia đình sử dụng đất...
"Đây là hoạt động triển khai thực hiện theo ý kiến chỉ đạo Chính phủ tại Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)"- Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất nhấn mạnh.
|
Ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ TTN&MT) phát biểu tại hội thảo (Ảnh danang.gov) |
Định giá đất phải phù hợp với thị trường
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) - cho biết, sau khi quận tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến toàn thể cán bộ, người lao động và nhân dân trên địa bàn, đa số ý kiến quan tâm đến các vấn đề như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và nhất là giá đất.
Theo ông Việt, nguyên tắc định giá đất là phải "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường", nhưng trên thực tế, giá đất của Nhà nước quy định thường thấp hơn giá đất thị trường. Điều này đã dẫn đến bất cập, khó khăn khi thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng bởi giá đền bù quá chênh lệch với giá thị trường khiến người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận.
"Vì thế khi thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, dự án công cộng... thì mặt bằng luôn là một trong những "điểm nghẽn" khiến các công trình chậm tiến độ"- Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà chia sẻ.
Ông Việt cho rằng, Điểm b Khoản 2 Điều 155 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện là phù hợp với quy định về thẩm quyền ban hành các quy định giao đất, thuê đất, thu hồi đất.... Bên cạnh đó, điều khoản quy định cơ quan nào ban hành quyết định giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất... thì cơ quan đó quyết định giá đất cụ thể. Chính vì vậy quy định đã giúp UBND quận, huyện chủ động hơn trong việc xác định giá đất và hệ số giá đất giúp đẩy nhanh tiến độ giải toả đền bù và bố trí tái định cư của các dự án trên địa bàn.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa quy định đối với trường hợp trong cùng dự án có nhiều đối tượng sử dụng đất (vừa có tổ chức, vừa có hộ gia đình, cá nhân) thì việc xác định, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể vẫn thực hiện theo thẩm quyền hay ủy quyền cho 1 cấp thực hiện để đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán về giá đất được phê duyệt trong cùng phạm vi dự án. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định này tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Còn GS.TS Võ Thị Thuý Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, đối với Điều 153 và 154 liên quan đến phương pháp định giá đất cũng như bảng giá đất cần nói rõ nên lấy bảng giá đất định kỳ, hàng năm hay như thế nào. Việc điều chỉnh bảng giá đất phải phụ thuộc vào mức độ biến động thị trường, việc rà soát lại giá đất phải làm định kỳ thường xuyên liên tục, đồng thời cần phải có những điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động thị trường.
Bên cạnh đó, GS.TS Võ Thị Thuý Anh cho rằng, song song với việc xây dựng bảng giá đất, cần việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất thị trường để phục vụ cho việc xây dựng bảng giá tốt nhất.
Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bà Hồ Thị Cẩm Nhung - Chủ tịch UBND phường Hoà Xuân (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho rằng, cần làm rõ nội dung của Điều 143, khoản 7 của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử đất là cơ quan đăng ký đất đai là những ngành nào, bộ phận nào. Vì trước khi định cư nước ngoài, họ là công dân Việt Nam có sở hữu nhà và đất tại Việt Nam. Sau khi công dân định cư tại nước ngoài đã chấp hành việc thu hồi đất của nhà nước, nhưng hiện nay việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp này đang gặp vướng.
|
Các đại biểu thảo luận các nội dung liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi) |
Được biết, hội thảo được tổ chức gồm 2 phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề theo nhóm chủ đề: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính; dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Phiên chuyên đề "Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất" sẽ do ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất và ông Nguyễn Hồng An - Phó Giám đốc Sở TN&MT chủ trì
Phiên chuyên đề "Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai" do ông Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP, ông Phạm Ngô Hiếu - Cục phó Cục Đăng ký đất đai, Bộ TN&MT và ông Phạm Nam Sơn - Giám đốc Sở TN&MT TP chủ trì.