Điểm bắn pháo hoa thứ nhất là tại đường Bạch Đằng, khu vực giao nhau với đường Bình Minh 6, quận Hải Châu.
Điểm bắn thứ hai tại khu đất đối diện về phía Đông của Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu.
Điểm bắn thứ ba ở khu vực đầu đường phía Tây trụ sở Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Hoà Vang.
Thời gian bắn bắt đầu từ 0h ngày 10/2, kéo dài trong 15 phút. Số lượng pháo sử dụng cho các điểm bắn là 1.950 quả pháo tầm cao, 120 giàn tầm thấp. Phương pháp trình diễn pháo hoa nghệ thuật không nhạc nền và sử dụng hệ thống bắn FireOne và hệ thống bán tự động bắn pháo hoa L100S.
Để tổ chức cho người dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND TP Đà Nẵng cũng đã chi hơn 19 tỉ đồng để trang trí hoa và điện chiếu sáng tại hơn 20 vị trí trên địa bàn TP như: Đường hoa Tết Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng; khu vực đường ven biển Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành...
Dự kiến các hạng mục công trình trang trí hoa và điện chiếu sáng sẽ hoàn thành trước ngày 7/2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão) và tổ chức phục vụ người dân đến tham quan, thưởng lãm đến hết ngày 19/2 (mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Để phục vụ người dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng cũng triển khai tổ chức các cụm mô hình check-in Tết trang trí mô hình thúng, ván lướt, hoa tươi tại công viên Biển Đông, công viên Lăng Ông, Nguyễn Văn Thoại, khu vực Bãi biển đêm Mỹ An.
Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện trang trí các trạm gác, lắp đặt mô hình check in mô phỏng hình ảnh voọc chà vá chân nâu – biểu tượng của bán đảo Sơn Trà kết hợp với các hình ảnh quen thuộc trong ngày Tết truyền thống của Việt Nam theo phong cách ngộ nghĩnh, đáng yêu tại các điểm dừng chân bán đảo Sơn Trà.
Đặc biệt, tiếp nối thành công của chương trình năm 2023, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng tiếp tục tổ chức chương trình “Xuân yêu thương – Mừng xuân Giáp Thìn 2024” tại bãi biển Mỹ An (khu vực nút giao thông đường Nguyễn Văn Thoại và Võ Nguyên Giáp), từ ngày 26/1 đến ngày 28/1, với các hoạt động tái hiện khung cảnh Tết xưa – Đậm nét phong tục cổ truyền.
Trong đó, có các hoạt động trải nghiệm: Gói bánh chưng, bánh tét, nấu bánh và làm các loại bánh mứt cổ truyền như: mứt dừa, mứt gừng, bánh mè, bánh in, bánh thuẩn, mứt quật; giới thiệu văn hoá ẩm thực truyền thống của ngày Tết Việt Nam; trải nghiệm nghệ thuật thư pháp cùng ông đồ và câu đối đỏ; têm trầu cánh phượng, thưởng trà cùng những câu chuyện đã qua...
Đến với không gian Tết xưa, người dân và du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian và nghệ thuật đường phố: nhảy sạp, đập niêu, vẽ mặt nạ, vẽ chân dung nghệ thuật; hô hát bài chòi; thưởng thức không gian ẩm thực; check in cùng các mô hình trang trí tết tại khu vực chương trình và dọc khu bãi biển đêm Mỹ An…