Hợp tác tạo nên sản phẩm lõi đặc trưng
Chiều nay, 8/10, hơn 500 đại biểu đại diện cho ngành du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã họp bàn về thúc đẩy phát triển du lịch sự kiện, lễ hội, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Chi Hội Du lịch Lữ hành TP Đà Nẵng (DTA).
Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam - đánh giá cao sáng kiến của DTA khi tổ chức hội thảo nhằm liên kết sức mạnh du lịch của 3 địa phương. Việc 3 địa phương cùng bàn biện pháp phục hồi du lịch là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng.
“Việc quy tụ tài nguyên Di sản Văn hoá Thế giới của 3 địa phương, nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, tạo nên sức hút mới cho điểm đến, là nội dung rất quan trọng, góp phần nâng cao vị thế du lịch Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng. Với vai trò của mình, chúng tôi cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa để cộng đồng doanh nghiệp phát triển, sớm phục hồi sau đại dịch”- ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Đứng dưới góc độ nghiên cứu, Tiến sĩ Lê Xuân Thông – Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ - cho biết, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đang sở hữu rất nhiều lễ hội đặc sắc, mang tính đặc trưng của các địa phương miền biển như lễ hội cầu ngư, lễ hội đình làng… và các lễ hội đã được đưa vào danh mục Di sản Phi vật thể Quốc gia.
“Đây chính là ưu thế trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch. Tuy nhiên cần xem xét, chọn ra những sản phẩm mang tính cốt lõi, từ đó xây dựng và định hình sản phẩm du lịch sự kiện, lễ hội cho 3 địa phương” - Tiến sĩ Lê Xuân Thông chia sẻ.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Xuân Thông, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng – cho rằng, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cần khai thác nét tương đồng về sản phẩm du lịch văn hoá, sự kiện, của 3 địa phương, từ đó phát huy và tạo nên chuỗi sự kiện du lịch. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ xuyên suốt giữa các địa phương, gia tăng nguồn nhân lực, tạo nên những sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách.
Tập trung nguồn lực và tránh mang tính thời vụ
Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - cho biết, hội thảo là sự khởi đầu cho chuỗi sự kiện hợp tác giữa 3 địa phương, để phát huy các giá trị của lễ hội, sự kiện, thúc đẩy tăng trưởng du lịch của 3 địa phương.
“Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai rất nhiều sản phẩm du lịch sự kiện, lễ hội và được mệnh danh là điểm đến ở lĩnh vực này. Đây là thành công bước đầu của Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc tổ chức sự kiện lễ hội cần xem xét để tránh mang tính thời vụ. Cần có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các ngành, nhất là sự tập trung các nguồn lực từ con người đến cơ sở hạ tầng dịch vụ, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp..” - ông Bình nói.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Hàn Quốc (KTO) đã chia sẻ bài học kinh nghiệm thành công trong phát triển du lịch nói chung và du lịch lễ hội, sự kiện nói riêng.
“Có thể nói, du lịch Hàn Quốc thành công về du lịch xuất khẩu văn hoá. Để làm được điều này, Hàn Quốc đã đầu tư rất lớn cho hệ thống giao thông quốc tế và nội địa, cũng như hệ thống trung tâm hội nghị quốc tế tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu từ chất lượng dịch vụ đến trải nghiệm cho du khách”- đại diện KTO chia sẻ.
Theo đại diện KTO, ngành du lịch Hàn Quốc đã tạo ra những sản phẩm du lịch khai thác giá trị văn hoá của quốc gia trên cơ sở khai thác tài nguyên của 4 nhóm giá trị gồm: Văn hoá, thiên nhiên, sản phẩm dịch vụ du lịch và tiện ích. Bên cạnh đó, KTO còn có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm du lịch.
Chia sẻ thành công của địa phương, ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế - cho biết, lễ hội và sự kiện đóng vai trò trong thúc đẩy tăng trưởng du lịch tại Thừa Thiên Huế.
Thừa Thiên Huế là địa phương có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và có truyền thống văn hóa lâu đời với hơn 700 năm lịch sử. Bên cạnh đó, văn hoá Huế có sự giao thoa và kế thừa giữa truyền thống và là nơi gặp gỡ của các luồng tư tưởng Đông Tây kim cổ. Chính vì vậy, lễ hội các loại là một nhu cầu sinh hoạt văn hóa truyền thống của con người Thừa Thiên Huế.
“Hiện nay, Thừa Thiên Huế có hơn 100 lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống và hiện đại đã được khôi phục và phát huy. Điển hình là Festival Huế với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, nghệ nhân làng nghề, cũng như nhiều quốc gia, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương”- ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Tại hội thảo, các cơ quan quản lý, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp đã phân tích các yếu tố cấu thành nên những giá trị cho sản phẩm du lịch sự kiện, lễ hội gồm: Sản phẩm, dịch vụ, chất lượng, giao thông, văn hoá con người địa phương… Từ đó đưa ra những giải pháp để Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cùng thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch sự kiện, lễ hội.
Một số hình ảnh tại hội thảo: