Đa Chiều, một tờ báo của người Hoa hải ngoại có trụ sở tại Mỹ ngày 12/5 cho hay, ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ vừa có chuyến thăm đến Việt Nam.
Hai năm trước, ông cũng đã từng đến Việt Nam. Ông được cho là nhân vật trung tâm của chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Barack Obama.
Theo tuyên truyền của Đa Chiều, “trong chuyến thăm lần này, ông Daniel Russel đã nhấn mạnh, Mỹ phải sử dụng “vũ lực” đối với giàn khoan và tàu thuyền của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam – PV) - Đa Chiều viết.
Tuy nhiên, trang báo của cộng đồng người Hoa tại Mỹ lại không đưa ra được dẫn chứng ông Daniel Russel đã đưa ra tuyên bố “sử dụng “vũ lực” đối với giàn khoan và tàu thuyền của Trung Quốc” vào lúc nào.
Về những phát biểu của ông Daniel Russel tại Hà Nội cách đây 2 ngày, báo chí Việt Nam và quốc tế cũng đã phản ánh những không có trang báo nào ở trong nước và nước ngoài đưa tin như Đa Chiều giật tít.
Vì vậy, đây chỉ là thông tin tham khảo ban đầu, chưa có kiểm chứng. Cần phải tìm hiểu rõ mục đích, động cơ trong việc đưa tin của báo Đa Chiều trong bối cảnh hiện nay.
Có hay không việc Đa Chiều được giật dây, dùng câu chữ để kích động dư luận, kích động mâu thuẫn hiện nay giữa các nước trong bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chuẩn bị công du châu Á!? – PV.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng khiêu khích, gây tranh chấp với Việt Nam. Bài báo của Đa Chiều suy diễn cho rằng, “Việt Nam đã lựa chọn "dựa vào Mỹ", nỗ lực xích lại gần với Mỹ, muốn Mỹ tiến hành ủng hộ đối với lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông”.
Theo Đa Chiều, truyền thông Việt Nam nhấn mạnh, chính việc Trung Quốc triển khai giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (Trung Quốc tự gọi, tự coi là "vùng biển Tây Sa", tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) đã khiến cho tình hình căng thẳng Biển Đông không ngừng leo thang.
“Trước đó, khi thăm Việt Nam, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker công khai cho biết, Mỹ phản đối Trung Quốc triển khai giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời ủng hộ Việt Nam ứng phó với các hành vi khiêu khích của Trung Quốc”. – Đa Chiều viết.
Khi đó, đồng thuận này giữa ông Penny Pritzker và Việt Nam có liên quan đến Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Việt-Mỹ và các đối tác khác.
Mặc dù trong lịch sử Mỹ từng tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, nhưng, trong quan hệ quốc tế không có kẻ thù vĩnh viễn, quan hệ Việt-Mỹ hiện xích lại gần nhau vì cùng có nhu cầu lợi ích.
Năm 2014 đã có nhiều quan chức cấp cao Mỹ như Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại, Thượng viện Mỹ và ông Chuck Hagel, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã "chìa cành ô liu" cho Việt Nam – Đa Chiều nhận định.
Tại Việt Nam, ông Benjamin Cardin đã công khai bày tỏ phản đối Trung Quốc triển khai phi pháp giàn khoan. Trong khi đó, khi tiến hành hội đàm với nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, ông Chuck Hagel đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng đối với hành vi khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vì vậy, một số hoạt động ngoại giao trong quan hệ Việt-Mỹ năm nay thực chất là sự tiếp tục của mô hình đã có trước đó.
Việt Nam là một trong rất nhiều đối tác của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Quan hệ Việt-Mỹ mới được cải thiện trong những năm gần đây. Vào năm 2012, Mỹ mới coi Việt Nam là trọng điểm trong công tác đối ngoại. Năm 2013, hai nước xác lập quan hệ đối tác "thúc đẩy quốc phòng và an ninh".
VietTimes sẽ tiếp tục thông tin, làm rõ đến bạn đọc một số bình luận, nhận định của báo Đa Chiều nói riêng và báo chí quốc tế nói chung liên quan đến những sự kiện nổi bật về chính trị, an ninh ở châu Á thời gian gần đây. Qua đó cũng góp phần cung cấp cho độc giả những thông tin mang tính chất tham khảo về tình hình khu vực trong bối cảnh các nước lớn đang gia sức cạnh tranh nhau ở khu vực – PV.