Theo tờ JoongAng Ilbo Hàn Quốc ngày 13 tháng 1, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 12 tháng 1 đã đáp máy bay quay trở về Hàn Quốc.
Trên máy bay, ông Ban Ki-moon đã trả lời phỏng vấn báo chí, không chỉ đã cho biết bản thân có khả năng làm Tổng thống, mà còn bày tỏ lập trường ủng hộ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Trong ngày, ông Ban Ki-moon nói với báo chí rằng mình đã làm Tổng thư ký Liên hợp quốc 10 năm, đã chứng kiến sự thành công và thất bại của các quốc gia, cũng đã hội kiến với vài nghìn nhà lãnh đạo các nước, cho nên ông cảm thấy mình có khả năng làm tốt Tổng thống.
Ông Ban Ki-moon cho biết nếu nhận được sự giúp đỡ của chuyên gia, ông sẽ làm tốt hơn bất cứ người nào. Ông cho rằng, Hàn Quốc hiện nay đối mặt với khó khăn chung, phân hóa giàu nghèo, chia rẽ xã hội, nhưng người Hàn Quốc có dũng khí và có trí tuệ để khắc phục các nguy cơ.
Ông Ban Ki-moon cho rằng điều cần thiết cho Hàn Quốc hiện nay không phải là “thay thế chính quyền”, mà là “thay thế chính trị”. Ông cho biết sẽ tiếp xúc rộng rãi với các giới, lắng nghe tiếng nói của người dân. Trong ngày trở, ông Ban Ki-moon cũng được người dân Hàn Quốc tiếp đón nồng nhiệt.
Đối với vấn đề THAAD, ông Ban Ki-moon cho biết nếu không có mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên thì không nên triển khai THAAD, nhưng vấn đề bảo đảm an ninh không có cơ hội để hối hận, không thể sửa chữa như chính sách kinh tế.
Theo ông Ban Ki-moon, một khi xuất hiện vấn đề về bảo đảm an ninh thì không có cơ hội lần thứ hai, cho nên ông ủng hộ triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Ông còn cho biết đồng minh Mỹ - Hàn là biện pháp phòng thủ quan trọng nhất của Hàn Quốc.
Đối với sự nghi ngờ của dư luận về "thành tích bình thường" của ông khi làm Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon phản bác cho rằng khi ông lên giữ cương vị này thì tình hình quốc tế rất phức tạp, mặc dù vậy ông vẫn thúc đẩy thành công giải quyết rất nhiều vấn đề quốc tế, cũng đã thúc đẩy cải cách nội bộ Liên hợp quốc, chỉ có điều bên ngoài không hiểu lắm đối với vấn đề này.
Trong khi đó, ngày 13 tháng 1, Ủy ban quản lý bầu cử Trung ương Hàn Quốc cho biết cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon có tư cách tham gia bầu cử Tổng thống Hàn Quốc.
Ủy ban này cho hay công dân Hàn Quốc đến 40 tuổi, sống ở Hàn Quốc 5 năm trở lên tính đến ngày bầu cử, bất kể có sống liên tục 5 năm trở lên ở Hàn Quốc hay không đều có tư cách tham gia tranh cử Tổng thống.
Đối với quy định sống ở Hàn Quốc 5 năm trở lên, ủy ban này tiếp tục giải thích cho biết bất kể là vì việc công phải điều đi ra ngoài hay sống ở trong nước, tạm thời sống ở nước ngoài đều được coi là có quyền ứng cử.
Trước khi tham gia cuộc bầu cử Tổng thống khóa 15 năm 1997, ông Kim Dae Jung từng rời đất nước 1 năm vào năm 1993, cũng được coi là có tư cách tham gia tranh cử Tổng thống.
Ngày 9 tháng 12, Quốc hội Hàn Quốc thông qua quyết định luận tội đối với Tổng thống Park Geun-hye, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc dựa vào các thủ tục pháp lý để đưa ra phán quyết cuối cùng trong vòng 180 ngày.
Theo quy định, nếu Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc quyết định tiến hành luận tội đối với bà Park Geun-hye, Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống trong vòng 60 ngày.
Hiện nay, theo một cuộc thăm dò về các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc do Gallup Korea công bố vào ngày thứ Sáu vừa qua, tỷ lệ ủng hộ cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon xếp thứ hai, kém cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ Moon Jae-in 11%, tỷ lệ ủng hộ ông Moon Jae-in là 31%.