|
Bà Brundtland, cựu Tổng giám đốc WHO đã phê phán Trung Quốc trì hoãn thông báo dịch và châu Âu phạm sai lầm đánh giá thấp virus (Ảnh: Deutsche Welle). |
Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 8/6, bà Gro Harlem Brundtland, 81 tuổi, cựu Thủ tướng của Na Uy và từng là Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ tháng 7/1998 đến tháng 7/2003; gần 2 năm qua là đồng chủ tịch của Global Preparedness Monitoring Board (Ủy ban Giám sát chuẩn bị ứng cứu toàn cầu) do WHO và Ngân hàng Thế giới thành lập. Bà Brundtland tốt nghiệp Đại học Y khoa Oslo, sau đó nhận bằng Thạc sĩ về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ, được coi là một chuyên gia về y tế công cộng và phát triển bền vững quốc tế.
Tháng 9 năm ngoái, Global Preparedness Monitoring Board đã đưa ra một báo cáo cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ thực sự của các bệnh truyền nhiễm hoặc đại dịch, không chỉ cướp đi sinh mạng con người, mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế và gây ra sự hỗn loạn xã hội.
Gần đây, bà Brundtland khi được tờ Der Spiegel (Tấm Gương) của Đức phỏng vấn, đã nói về các vấn đề Trung Quốc hành động chậm chạp khi bắt đầu dịch bệnh, thông báo cho quá muộn về virus truyền từ người sang người, còn các chính trị gia châu Âu cũng đánh giá thấp mối đe dọa của virus corona mới.
|
Bà Brundtland (phải) cùng cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: Deutsche Welle).
|
Trung Quốc thông báo cho mọi người quá muộn về sự lây truyền virus từ người sang người
Bà Brundtland nói: "Có lý do để phê phán Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã hành động chậm chạp và thông báo tình hình dịch bệnh quá muộn. Điều tồi tệ nhất là họ mất quá nhiều thời gian mới thừa nhận virus truyền từ người sang người. Theo như chúng ta biết, ngay từ ngày 1/1/2020, Trung Quốc đã biết (virus corona mới) lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, Trung Quốc mãi đến ngày 20/1 mới chính thức công bố thông tin này. Một vấn đề khác là liệu có cố tình che giấu hay không. Trung Quốc là một nước lớn với nhiều nhóm lợi ích cạnh tranh, không chỉ giữa các tỉnh với nhau và giữa các tỉnh với Bắc Kinh. Vì vậy, phải cẩn thận xem xét mới có thể phán đoán”,
Phóng viên Der Spiegel đã hỏi “liệu WHO có bị Trung Quốc dắt mũi hay không”, bà Brundtland nói: "WHO cố gắng lấy được thông tin ở nhiều nơi, vì vậy cần phải dựa vào sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên vì WHO không có quyền hạn với các nước thành viên. Các chuyên gia của WHO đã thúc giục Trung Quốc ngay từ đầu để cố gắng thu thập được nhiều thông tin. Nếu gây áp lực nhiều hơn với Trung Quốc, liệu có phải là điều sáng suốt? Điều này thật khó nói”.
|
Bà Brundtland cho rằng Trung Quốc đã chậm trể thông báo về sự lây truyền virus corona mới từ người sang người (Ảnh: Đa Chiều).
|
Tedros Adhanom có thể có ý định thúc đẩy Trung Quốc hợp tác
Der Spiegel chỉ ra rằng khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003, bà Brundtland đã gây áp lực lên Trung Quốc với tư cách là Tổng giám đốc WHO và đã thành công, nhưng Tổng Giám đốc WHO hiện tại, ông Tedros Adhanom đã ca ngợi Trung Quốc vào tháng 1 năm nay, mặc dù khi đó Trung Quốc che giấu các thông tin quan trọng.
Bà Brundtland nói, sau khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003, Trung Quốc rõ ràng muốn che đậy dịch bệnh khi WHO trong nhiều tuần không nhận được thông tin gì từ Trung Quốc. Ông Tedros Adhanom ca ngợi Trung Quốc chắc ý đồ có thể là thúc đẩy Trung Quốc hợp tác tốt hơn. Bà nói: "Thế giới đã trải qua thay đổi to lớn sau năm 2003, Trung Quốc cũng đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Nếu có ai chỉ trích Trung Quốc công khai như tôi khi đó thì bây giờ sẽ có nguy cơ bị Trung Quốc từ chối giao tiếp”.
Châu Âu đánh giá thấp sự lây lan của virus corona mới
Brundtland cũng cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng bà rất ngạc nhiên khi châu Âu phản ứng rất chậm với dịch bệnh. Bà nói: "Châu Âu đã mắc sai lầm. Nhiều người có trách nhiệm dường như quá lạc quan về khả năng y tế của đất nước họ. Họ rõ ràng đã đánh giá thấp sức lây nhiễm của virus corona mới”.
|
Châu Âu phạm sai lầm khi đánh giá thấp về sự lây lan của virus corona mới khiến dịch bệnh lây lan mạnh (Ảnh: Reuters).
|
Thụy Điển hối hận khi đi theo con đường miễn dịch quần thể
Về thực tiễn Thụy Điển chỉ đơn thuần đưa ra khuyến nghị khi đối mặt với dịch bệnh COVID-19, bà Brundtland nói: “Tại Thụy Điển, các chính trị gia đi theo lộ trình được hướng dẫn bởi các chuyên gia của tổ chức quốc gia. Họ hy vọng sẽ nhanh chóng đạt được miễn dịch quần thể, nhưng đã không được như ý muốn. Hiện nay họ bắt đầu thấy hối hận vì đã không áp dụng biện pháp mạnh hơn”.
Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Mông Cổ đã chống dịch tốt
Theo Deutsche Welle, bà Brundtland cũng khen ngợi các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, Mông Cổ vì phản ứng nhanh chóng và kiên quyết đối với dịch bệnh. Bà nói: "Ví dụ của họ cho chúng ta thấy rằng cần đặt tự do cá nhân sau sức khỏe của toàn dân”.
Cuối cùng, bà Brundtland bày tỏ, trong tương lai, có thể xuất hiện các loại virus như coronavirus mới với sức lây lan mạnh và với tỷ lệ tử vong cao hơn; mọi người cần phải chuẩn bị cho điều này.