|
9 thành phố Trung Quốc đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế về mua bán nhà ở (Ảnh: Sina). |
Theo các cơ quan truyền thông và trang web bất động sản tại Trung Quốc, tính đến ngày 11/9, đã có 9 thành phố lớn bao gồm Nam Kinh, Thẩm Dương, Đại Liên, Đông Quản, Phật Sơn, Tế Nam, Thanh Đảo, Gia Hưng và Lan Châu đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế mua nhà ở.
Ngoài ra, gần 30 thành phố khác trong đó có Thiên Tân, Trịnh Châu, Hạ Môn, Hàng Châu và Vũ Hán…gần đây đã nới lỏng hoặc hủy bỏ hạn chế mua nhà ở một số khu vực hoặc hạ ngưỡng hạn chế mua nhà đối với dân chúng.
Một số hãng tin dẫn lời ông Trương Hồng Vĩ, người sáng lập Jingjian Consulting, nói rằng điều kiện thị trường ở hầu hết các thành phố cấp 2, cấp 3 và cấp 4 ở Trung Quốc khác với điều kiện thị trường ở các thành phố cấp 1. Những thành phố này cần thêm chính sách hỗ trợ, đặc biệt một số biện pháp hạn chế cần được dỡ bỏ sớm như hạn chế mua, hạn chế về giá, hạn chế bán... để thúc đẩy nhu cầu thị trường và giải quyết số nhà tồn đọng.
Ông Lư Hiểu Phần, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nhà ở và Bất động sản Trung Quốc, Đại học Công nghiệp Chiết Giang, phân tích rằng các thành phố nêu trên đã điều chỉnh chính sách dựa trên những thay đổi lớn trong mối quan hệ cung cầu trên thị trường nhà đất, theo kiểu “Chính sách theo thành phố”, "chính sách theo khu vực" có tác dụng tích cực trong việc ổn định và tăng cường hoạt động của thị trường nhà đất; không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ có thêm nhiều thành phố trên toàn quốc dỡ bỏ các hạn chế mua nhà.
Do chính phủ Trung Quốc trong những năm gần đây đã nhấn mạnh nhà ở nên để ở chứ không phải để đầu cơ, nhiều chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành phố hạng nhất và hạng hai, đã đưa ra các hạn chế mua nhà, hạn chế cho vay mua nhà và hạn chế bán nhà nhằm kiềm chế tình trạng quá nóng của thị trường bất động sản.
Nỗ lực ổn định thị trường bất động sản
Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc hủy bỏ chính sách zero-Covid, sự phục hồi kinh tế như mong đợi đã không xảy ra, tiêu dùng kém, xuất nhập khẩu sụt giảm, đầu tư giảm, ngành bất động sản đứng trước bờ vực khủng hoảng và thị trường nhà đất xuất hiện trạng thái trầm lắng, cả lượng giao dịch và giá cả đều giảm mạnh.
Ngày 24/7, Bộ Chính trị Trung Quốc đã tổ chức họp để phân tích, nghiên cứu tình hình kinh tế hiện tại và lập kế hoạch công tác kinh tế nửa cuối năm. Hội nghị chỉ ra cần ngăn chặn và giải quyết hiệu quả các rủi ro trong các lĩnh vực trọng điểm, thích ứng với tình hình mới với những thay đổi lớn trong quan hệ cung cầu trên thị trường bất động sản, kịp thời điều chỉnh và tối ưu hóa các chính sách bất động sản theo từng thành phố nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua và cải thiện nhà ở của người dân, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh.
Kể từ tháng 8, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp nhằm cứu thị trường nhà đất, trong đó có thúc đẩy thực hiện "nhận nhà không cần vay tiền" và hạ lãi suất mua nhà ở nhiều nơi. Khẩu hiệu “Nhà để ở không để đầu cơ” không còn được nhắc đến nữa.
Sau đó, nhiều nơi đã điều chỉnh chính sách, biện pháp cho vay mua nhà cá nhân như “nhận nhà không cần đăng ký vay”. Để hỗ trợ nhu cầu mua mới và cải thiện nhà ở, đồng thời thúc đẩy hơn nữa niềm tin của thị trường nhà đất, việc thực hiện các chính sách thị trường bất động sản ở nhiều địa phương đã được đẩy nhanh. Từ tháng 9, hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước đã lần lượt tối ưu hóa chính sách thị trường bất động sản, đồng thời ngày càng nhiều thành phố thực hiện dỡ bỏ hạn chế mua bán.
Chỉ trong vòng một ngày, hai thành phố ở tỉnh Sơn Đông đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế mua bán bất động sản. Ngày 11/9, thành phố Tế Nam đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh chính sách quản lý bất động sản hiện hành: dỡ bỏ hạn chế mua nhà ở một số quận trước bị cấm; nhà ở thương mại sau khi có “Giấy chứng nhận bất động sản” có thể được niêm yết để chuyển nhượng. Biện pháp này có hiệu lực từ ngày 11/9/2023.
Cùng ngày, thành phố Thanh Đảo đã ban hành "Thông tri về điều chỉnh thích đáng chính sách bất động sản" bỏ hai quận ra khỏi khu vực hạn chế mua và hủy bỏ chính sách hạn chế mua nhà trên toàn bộ khu vực. Đồng thời, niên hạn đăng ký và giao dịch nhà ở sẽ được tối ưu hóa; nhà ở thương mại có thể được niêm yết và giao dịch sau khi có được "Giấy chứng nhận bất động sản" trong phạm vi thành phố.
Tác động tích cực từ chính sách mới
Ông Viên Bân Bân, Giám đốc bất động sản Sơn Đông của Viện nghiên cứu chỉ số Trung Quốc, chỉ ra rằng việc dỡ bỏ hạn chế mua bán nhà ở Thanh Đảo và Tế Nam sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản hiện tại. Nó đặc biệt hữu ích để cải thiện niềm tin. Số lượng đăng bán nhà cũ sẽ tăng nhanh trong thời gian ngắn, khối lượng giao dịch tăng nhẹ, giá cả ổn định và số lượng người đến xem nhà mới sẽ tăng lên ở một mức độ nhất định, nhưng tác động tổng thể sẽ không đặc biệt lớn.
Theo các báo cáo trước đây của Guoshi Express, các chính sách hành chính và hạn chế mua nhà được thể hiện bằng các hạn chế mua, hạn chế cho vay, hạn chế bán và giới hạn giá từng được coi là “xiềng xích” trong công cụ điều tiết thị trường bất động sản ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản bước vào giai đoạn mới, người trong ngành nhìn chung cho rằng thị trường bất động sản Trung Quốc khó có thể tái hiện sự phát triển nóng như trong quá khứ. Hiện nay, áp lực điều chỉnh thị trường bất động sản ở nhiều nơi ngày càng gia tăng, trước sự phục hồi chậm của niềm tin thị trường và hoạt động giao dịch thấp, khả năng thích ứng của các chính sách hạn chế mua nhà ở các thành phố đã giảm sút.
Giới phân tích thị trường cho rằng, với quyết sách của trung ương và sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản Trung Quốc trong thời gian qua sẽ sớm được cải thiện.
Nửa đầu năm, 170 công ty bất động sản Trung Quốc lỗ gần 15 tỉ USD
Ấn Độ sắp vươn lên trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc
ASEAN vượt Mỹ và Liên minh châu Âu trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc
Theo CCTV, CNA