|
Cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tại Đại học Đông Ngô, Đài Loan. Ảnh: ANNTW |
Hãng tin CNA Đài Loan ngày 6/6 cho biết, chiều ngày 5/6, tại Đại học Đông Ngô, Đài Loan, cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã phát biểu về vấn đề Biển Đông. Bài phát biểu có tên là “Luật pháp quốc tế và tình hình Biển Đông”. Mặc dù vậy, rõ ràng ông Mã Anh Cửu đang tuyên truyền xuyên tạc về Biển Đông.
Tiếp tục nhận vơ về
Biển Đông
Ông Cửu nói rằng trong những vấn đề như đảo Senkaku hay cái gọi là “chủ quyền Biển Đông”, sẽ không làm trái với “tài sản mà tổ tông giao cho”, sẽ không làm những việc “có lỗi với tổ tông”.
Ông ta cho rằng việc này không cần Trung Quốc phải “nhắc nhở”, bởi vì chính quyền Đài Loan sinh ra sớm hơn 38 năm.
Trên thực tế, Trung Quốc luôn muốn Đài Loan phối hợp với họ để tìm cái gọi là “cơ sở lịch sử và pháp lý” cho yêu sách chủ quyền vô lý của họ ở Biển Đông, vì bản thân Trung Quốc không hề có bất cứ bằng chứng nào có thể khẳng định được chủ quyền ở Biển Đông.
“Tài sản mà tổ tông giao cho” mà Mã Anh Cửu nói đến ở đây chính là cái bản đồ “đường 11 đoạn” vẽ bậy ở Biển Đông, từ đó Đài Loan đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các đảo, đá ngầm ở Biển Đông, bất chấp chủ quyền của các nước khác xung quanh như Việt Nam.
Sau đó, Trung Quốc kế thừa cái bản đồ vẽ phứa ra này, vẽ lại thành cái gọi là “đường chín đoạn” rồi áp đặt yêu sách chủ quyền và quyền lợi biển một cách vô lý, phi pháp ở Biển Đông. Như vậy, bản thân Trung Quốc và Đài Loan cũng không thống nhất về “bản đồ” trên.
Hơn nữa, những bản đồ vẽ bậy “đường 11 đoạn” hay “đường 9 đoạn” đó của cả Đài Loan và Trung Quốc đều không có bất cứ căn cứ pháp lý nào, không được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Ngoài ra, theo các nguồn tin khác, tại Đại học Đông Ngô, Đài Loan, ông Mã Anh Cửu cho biết trước đây ông đến đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp) không phải là để “tuyên bố chủ quyền”, mà là để phản ứng lại phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài ở The Hague, Hà Lan về vụ kiện Biển Đông của Philippines.
Phán quyết này cho rằng đảo Ba Bình là đá, chứ không phải là đảo. Theo phán quyết này thì đảo Ba Bình sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế. Ông Mã Anh Cửu đến đảo Ba Bình là để khẳng định Ba Bình chính là đảo, chứ không phải đá, muốn chứng minh đảo Ba Bình có đủ điều kiện để con người sinh sống.
Theo ông Mã Anh Cửu, phán quyết của Tòa trọng tài đã khẳng định Trung Quốc không thể được hưởng quyền lợi về tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông bằng “chủ trương lịch sử” và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Mã Anh Cửu hầu như không dị nghị gì về ý này của phán quyết, chỉ đề cập riêng đến đảo Ba Bình.
Để giải quyết vấn đề Biển Đông, ông Mã Anh Cửu nhắc lại rằng chỉ có dựa vào “Sáng kiến hòa bình Biển Đông” do ông đưa ra mới có thể giải quyết tranh chấp, bởi vì “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” mới là phương án giải quyết duy nhất.
“Thỏa thuận” bãi cạn Scarborough
Trong vấn đề bãi cạn Scarborough, ông Mã Anh Cửu cho rằng, sau khi ông Rodrigo Duterte lên làm Tổng thống Philippines, ông Duterte đã có thái độ tương đối “thiết thực”.
Phán quyết của Tòa trọng tài đã không kích động đối đầu giữa hai bên, trái lại, Philippines đã tích cực tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, sau đó đạt được thỏa thuận 13,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, ông Mã Anh Cửu cho rằng, sau đàm phán, Trung Quốc và Philippines thỏa thuận “chủ quyền bãi cạn Scarborough thuộc về Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không xua đuổi ngư dân Philippines”.
Vấn đề đảo Senkaku
Trong vấn đề đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là đảo Senkaku), ông Mã Anh Cửu cho biết, vào năm 1971 nổi lên phong trào “bảo vệ đảo Điếu Ngư”, Trung Quốc đã không lên tiếng.
Khi Trung Quốc và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc nói với Nhật Bản rằng, nhóm đảo Điếu Ngư chỉ là “vài điểm nhỏ trên trái đất, không nên để ảnh hưởng đến thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên”.
Vì vậy, cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cho biết, trong vấn đề đảo Điếu Ngư, ông luôn luôn không có bất cứ ý định hợp tác nào với Trung Quốc.
Nhưng nhìn vào tình hình hiện nay, vấn đề đảo Điếu Ngư là vấn đề chủ quyền, quyền đánh cá, quyền tài nguyên. Trong đó, quyền đánh cá đã được giải quyết. Ngư dân Đài Loan luôn đánh cá ở khu vực này, còn ngư dân Trung Quốc không quen đánh cá ở đó – ông Mã Anh Cửu khẳng định.
Được biết, ông Mã Anh Cửu bắt đầu nhận giảng trong các buổi tọa đàm luật học ở Đại học Đông Ngô, Đài Loan từ năm 2016 – tức là sau khi ông hết nhiệm kỳ trên cương vị lãnh đạo cao nhất Đài Loan. Sau cuộc bầu cử vào đầu năm 2016, bà Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến đã lên nắm quyền ở Đài Loan.