Cựu Chủ tịch nhà xuất bản Giáo dục khai không thỏa thuận ăn chia
Ngày 14/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 8 bị cáo liên quan tới vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bị xét xử về tội "Nhận hối lộ".
Là người được xét hỏi đầu tiên, bị cáo Nguyễn Đức Thái thừa nhận các cáo trạng truy tố. Ông Thái khai từ năm 2017, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, có quyền quyết định trong việc mua sắm giấy in phục vụ in sách giáo dục.
Khi đó, bị cáo Tô Mỹ Ngọc, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng, đến gặp để giới thiệu về công ty và nhờ ông Thái tạo điều kiện giúp đỡ. Để loại bỏ các nhà thầu khác và ưu ái cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát, ông Thái đã chỉ đạo cấp dưới tổ chức đấu thầu theo hình thức rút gọn, qua đó tạo điều kiện cho hai công ty này dễ dàng trúng thầu.
Đối với Công ty Phùng Vĩnh Hưng, ông Thái đã điện thoại yêu cầu cấp dưới tạo điều kiện để công ty của bà Ngọc tham gia trúng gói thầu.
HĐXX đặt câu hỏi: "Ai là người đưa ra chủ trương tổ chức đấu thầu rút gọn?". Bị cáo Thái khai rằng vào tháng 4/2017, các cán bộ lâu năm tại nhà xuất bản đã tham mưu cho ông chọn hình thức đấu thầu này. Tuy nhiên, ông Thái thừa nhận việc lựa chọn hình thức đấu thầu rút gọn là không đúng quy định.
Ông Thái khai nhận, sau khi công ty trúng gói thầu, bà Ngọc đã mang túi quà trong đó có 3 tỷ đồng đến cảm ơn mình. Khi nhận quà xong, ông Thái cất tiền vào két sắt trong phòng làm việc.
Ngoài ra, vào các dịp Tết Nguyên đán các năm 2018-2022, bà Ngọc đều cảm ơn ông Thái 200.000.000 đồng/năm. Như vậy, từ năm 2017 đến năm 2022, bà Ngọc đã đưa hối lộ cho ông Thái tổng số tiền 20 tỷ đồng để được tạo điều kiện trúng 13 gói thầu mua sắm.
"Toàn bộ số tiền này là Ngọc tự đưa chứ bị cáo không thỏa thuận phần trăm", ông Thái khai nhận và cho biết số tiền nhận của bà Ngọc ông đã chi tiêu cá nhân.
Đối với Công ty Minh Cường Phát, ông Thái khai nhận Nguyễn Trí Minh - cựu Giám đốc Công ty Minh Cường Phát, đã đến gặp ông và đặt vấn đề "tạo điều kiện" cho công ty cung cấp các loại giấy cho nhà xuất bản. Sau đó, công ty này được đưa vào danh sách ngắn và được tham dự, trúng gói thầu số 6.
Ông Thái thừa nhận, sau khi trúng gói thầu số 6, ông Minh đã đến gặp và cảm ơn mình số tiền 400.000.000 đồng và đề nghị cho công ty tiếp tục được cung cấp giấy bìa gói thầu số 7.
"Sau khi trúng gói thầu số 7, Minh đã đến gặp bị cáo và đưa 2,5 tỷ đồng cảm ơn" ông Thái nói và cho biết sau khi nhận tiền đã cất vào két.
Ngoài ra, năm 2018, ông Thái nhận của Minh 1 tỷ đồng, năm 2019 và 2020, ông Minh cũng đều đến cảm ơn ông Thái mỗi năm 500.000.000 đồng vào trước ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
"Ngoài nhận 4,9 tỷ đồng của bị cáo Minh, bị cáo còn nhận của công ty nào nữa không?" HĐXX đặt câu hỏi. Bị cáo Thái khai nhận không.
HĐXX tiếp tục truy vấn: Tại sao tại cơ quan điều tra bị cáo khai nhận tiền của một số công ty khác nữa, không có thì làm sao khai, không nhớ chỉ khai bớt đi chứ sao khai thừa lên? Có đúng như vậy không? Ông Thái im lặng sau đó nói không.
Ông Thái khai nhận số tiền nhận của bị cáo Minh cũng dùng vào chi tiêu cá nhân và không biếu xén ai.
Thẩm phán hỏi: "Số tiền nhận hối lộ, bị cáo có mua bất động sản không? Số bất động sản bị cáo bị kê biên lấy từ đâu?" Bị cáo Thái cho hay số tiền mua bất động sản này là do hai vợ chồng tích cóp mua trước đó. Ông Thái đã khắc phục hết số tiền gần 25 tỷ đồng và đề nghị tòa xem xét giải kê biên số tài sản.
Số tài sản ông Thái đang bị kê biên gồm một nhà đất, một chung cư đều tại quận Tây Hồ và một thửa đất tại huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Tiền tỷ đựng trong túi bóng màu đen
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Nguyễn Trí Minh, cựu Giám đốc Công ty Minh Cường Phát, khai rằng từ năm 2015, công ty đã hợp tác với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để cung cấp giấy in sách giáo khoa.
Năm 2017, ông Minh chủ động gặp ông Thái để đặt mối quan hệ và đề nghị chào hàng cạnh tranh. Thái đồng ý tạo điều kiện cho Công ty Minh Cường Phát. Minh khai và nói không nhớ rõ trong lần đầu gặp mặt có mang theo quà biếu ông Thái hay không.
Trong lần đầu gặp mặt, sau khi nghe trình bày về việc đã từng làm việc với Nhà xuất bản về việc cung cấp giấy từ năm 2015 đến 2017, ông Thái nói sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho Công ty Minh Cường Phát.
Ông Thái đồng ý tạo điều kiện cho công ty. Sau đó, bị cáo Minh chuẩn bị hồ sơ đấu thầu gói thầu số 6 và trúng thầu. Nhân dịp Tết Trung thu, Minh biếu Thái 400 triệu đồng.
"Tiền được bị cáo gói vào túi bóng màu đen rồi để túi bánh lên trên. Khi đến phòng làm việc, bị cáo để túi quà trên bàn ông Thái và gửi lời cảm ơn", ông Minh khai.
Khi có chủ trương phát sinh thêm gói thầu số 7 tại Nhà xuất bản Giáo dục, bị cáo Minh chỉ đạo cấp dưới ra Hà Nội gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu Trưởng ban Kế hoạch Marketing Nhà xuất bản Giáo dục để lấy hồ sơ tham gia dự thầu và chuẩn bị hồ sơ
Sau khi trúng gói thầu số 7, Minh biếu ông Thái 2,5 tỷ đồng vào ngày 17/10/2017. Minh trình bày đã mua bánh, rượu và để tiền dưới túi quà. Từ năm 2018 đến 2020, Minh nhiều lần biếu tiền Thái, tổng cộng 4,9 tỷ đồng, sau khi công ty trúng thêm các gói thầu. Minh cho biết việc biếu tiền không có thoả thuận gì và chỉ nghĩ rằng làm ăn thì phải biếu quà. Sau đó, khi được kiểm sát viên và luật sư phân tích, Minh mới nhận ra hành vi phạm tội của mình.