|
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng |
Bỏ cấm vận vũ khí và thực hiện TPP
Ông hy vọng gì ở chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama?
- Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, theo tôi, Tổng thống Barack Obama nên làm 2 việc quan trọng nhất. Thứ nhất, ông cần tuyên bố bỏ cấm vận buôn bán vũ khí với Việt Nam. Thứ hai, ông phải tuyên bố dứt khoát là hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công TPP. Nếu làm được hai việc đó thì coi như chuyến đi thành công.
Theo ông thì việc giải quyết cả hai việc này cùng lúc, như ông nói, có còn khó khăn gì nữa không?
- Đây là những vấn đề còn có những khó khăn nhất định. Ví dụ, việc bỏ cấm vận buôn bán vũ khí chẳng hạn. Người Mỹ nói: “Các ông phải làm cái gì đó để cải thiện nhân quyền chúng tôi mới có lý do để bỏ cấm vận vũ khí được chứ”. Nói như vậy để thấy quan hệ giữa hai nước đã phát triển tốt đấy nhưng vẫn còn có những vấn đề cần phải tính toán riêng.
Việc bỏ cấm vận vũ khí có tầm cỡ sức nặng của nó. Nó có tính răn đe. Báo chí Trung Quốc gần đây bày tỏ rằng Trung Quốc đang rất lo ngại nếu Việt Nam mua máy bay của châu Âu, như của Pháp, của Thụy Điển, những loại mà Trung Quốc không có. Đó là tính răn đe. “Anh” có định làm gì với “tôi” thì “anh” cũng phải nâng lên đặt xuống còn chán.
Nhiều người lo ngại rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, nếu bà Clinton, ông Donald Trump, hay một nhân vật nào đó lên cầm quyền thì chính sách mới của họ có thể ảnh hưởng đến quan hệ với Việt Nam. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
-Theo dõi quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nhiều năm nay, tôi thấy đây là vấn đề chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - TBD. Đã là chiến lược thì ai lên cầm quyền cũng vậy thôi, không thay đổi. Chẳng thế mà ông John Kerry thuộc Đảng Dân chủ, ông John McCain thuộc Đảng Cộng hòa, nhưng vẫn cùng nhau bảo vệ chính sách chuyển trục sang châu Á - TBD đấy thôi.
Chúng ta cũng thấy, với vấn đề Việt Nam thì cho dù các Tổng thống trước đây như ông Bush, ông Clinton, hiện tại là ông Obama, hay sau này hoặc là bà Hillary Clinton hoặc là ông Donald Trump, thì chắc chắn chính sách của Mỹ ở châu Á - TBD vẫn như thế. Vì Trung Quốc vẫn hiện diện ở đó, vẫn thách thức quyền lợi của Mỹ. Ông này hay ông kia lên, cho dù giọng điệu có thể thay đổi một chút, hành động có thể ôn hòa hay dữ dội hơn một chút, nhưng về cơ bản, chiến lược của họ là không thay đổi.
Trong cuộc bầu cử sắp tới nếu bà Clinton lên, tôi nghĩ bà ấy hiểu Việt Nam quá rồi và ấy cũng có cảm tình với chúng ta. Chúng ta rất nhớ là năm 2010 tại Hà Nội, bà ấy tuyên bố về vấn đề Biển Đông và chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Còn đối với ông Donald Trump thì có thể cũng có những vấn đề khó khăn hơn đôi chút. Chẳng hạn, hiện nay ông ấy được nhiều phiếu của tầng lớp da trắng mà đang bị nghèo khó đi, bị mất việc. Vì vậy người ta lại đang nói chính ông Trump này lại đang đại diện cho trường phái nghèo khó Mỹ, còn bà Clinton lại đang đại diện cho tầng lớp giàu có của Mỹ. Vì các tỷ phú, các công ty đa quốc gia đa phần ủng hộ bà Clinton. Vì vậy, nếu ông Trump lên cầm quyền sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề phát triển kinh tế. Ví dụ như TPP sẽ có ảnh hưởng.
Biển Đông chỉ yên khi kiềm chế được Trung Quốc
Xin được chuyển cuộc trò chuyện sang vấn đề căng thẳng ở Biển Đông. Thưa ông, ông nhìn nhận vấn đề biển đông hiện nay như thế nào?
- Từ năm 2010 đến nay tình hình Biển Đông trở nên cực kỳ căng thẳng. Bởi vì so sánh lực lượng của Việt Nam, Philippines, kể cả Mỹ ở khu vực Biển Đông là thua kém Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc mới có thể “xưng hùng, xưng bá” được. Để ngăn chặn được sự bành trướng của Trung Quốc thì “phương trình” ít nhất cũng phải cân bằng lực lượng. Tức là Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc phải hợp tác với Việt Nam, Philippines và các nước khác trong khu vực đủ lực lượng để đối trọng lại với Trung Quốc thì vấn đề Biển Đông mới yên được.
Còn một khi cán cân lực lượng vẫn lệch về phía Trung Quốc thì căng thẳng sẽ vẫn xảy ra.
Thế thì bây giờ chiến lược của chúng ta phải như thế nào? Chúng ta phải tập hợp lực lượng. Tôi nghĩ rằng từ năm ngoái đến năm nay sự tập hợp đó là tương đối tốt. Ví dụ như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Mỹ tuần tra ở Biển Đông, rồi thì họ lên tiếng và kiên quyết giữ quan điểm về tự do đi lại cả dưới nước và trên không. Tóm lại, chừng nào còn kiềm chế được Trung Quốc, vô hiệu hóa được mưu đồ của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông thì Biển Đông vẫn còn an toàn. Vấn đề Biển Đông là vấn đề quốc tế, vấn đề cân bằng lực lượng và vấn đề giữ nguyên trạng. Để làm được cái đó, nếu không có Mỹ, không làm được.
Thưa ông, hiện nay Trung Quốc đang tập trung vào bãi cạn Scarborough. Nếu Trung Quốc đổ đất xây đảo nhân tạo ở đấy thành công thì sẽ cực kỳ căng thẳng và chắc chắn sẽ tiếp tục gây ra khủng hoảng ở khu vực Biển Đông. Việc làm này có ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam chúng ta?
- Việc Trung Quốc có dám tiếp tục liều lĩnh lấn biển, xây đảo ở bãi cạn Scarborough nữa hay không thì còn phải chờ quan sát. Điều cần nhấn mạnh là Philippines là đồng minh quân sự của Mỹ, đồng thời đang tăng cường quan hệ quân sự chặt chẽ với Nhật Bản hơn bao giờ hết, nên họ sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn điều đó xảy ra. Chúng ta nên phối hợp, chia sẻ gánh nặng này với Philippines.
Hiện nay Mỹ và Philippines đang cố giữ sự cân bằng lực lượng. Vì vậy, bên ngoài Mỹ cũng làm căng, hàng tuần đòi ra khu vực bãi cạn Scarborough vài ba lần. Bên trong Mỹ cũng đối thoại, dùng sức ép để Trung Quốc không thực hiện điều đó. Vì bãi đó cách căn cứ quân sự của Mỹ ở Philippines khoảng 200km. Nếu không giữ được thì chiến lược của Mỹ ở Biển Đông sẽ bị phá vỡ.
Về phía Việt Nam, theo ông, phải làm gì để duy trì ổn định, hòa bình ở Biển Đông?
- Tôi nghĩ rằng các đồng chí lãnh đạo của ta biết rõ và đã cân nhắc kỹ lưỡng, biết phải làm gì và hành động đến mức độ như thế nào thì Trung Quốc họ dừng. Còn nếu mà mình cực đoan, hành động quá mức cần thiết thì rất nguy hiểm, tạo ra cái cớ để Trung Quốc họ hành động liều lĩnh hơn.
Có những tính toán ngoại giao không thể nói hết ra được. Người ngoài không nhìn thấy được nên cứ tưởng lãnh đạo Việt Nam không làm gì. Khi tôi còn làm việc thì cũng báo cáo Bộ Chính trị nghe mãi rồi, về quan hệ với Mỹ, rồi với Trung Quốc, “nâng lên đặt xuống” mãi rồi. Các mối quan hệ này cho đến nay cũng không thể đi với bên này chống lại bên kia. Nó vẫn phải từng bước, từng cấp bậc và vẫn phải nhìn vào mục tiêu của chúng ta là hòa bình để phát triển kinh tế và giữ vững an ninh đất nước.
Tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vụ khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014
Nhưng theo ông liệu chúng ta có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế như cách mà Philippines đã làm không?
- Bây giờ thì các cơ quan có thẩm quyền của chúng ta đang tính. Nếu Trung Quốc làm căng, ta sẽ đưa ra kiện. Mà kiện cũng tốt. Làm cho Trung Quốc đau đầu chứ. Nếu Philippines mà không kiện thì làm gì có chuyện Vương Nghị phải chạy vạy đến Brunei, Lào, Campuchia để vận động, rồi lại quay về Nga nhờ vả “ông” Nga phát biểu ủng hộ cho một câu.
Mấy hôm trước tôi có nói chuyện với Đại sứ Mỹ, ông ấy bảo: “Chúng tôi sẽ cô lập Trung Quốc trên trường quốc tế về ngoại giao trong vấn đề Biển Đông”.
Qua đây tôi muốn nhấn mạnh một điều, rằng mọi động thái của Trung Quốc ở Biển Đông đang biến khu vực này thành “đấu trường” trong cạnh tranh quân sự và chiến lược với các cường quốc lớn, mà điển hình là Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần phải hiểu rằng chiến lược độc chiếm Biển Đông sẽ không bao giờ đem lại hiệu quả như mong đợi.
Bởi lẽ, Biển Đông không phải là “ao nhà” của Bắc Kinh, khiến chính quyền này ngang nhiên đưa ra những chính sách phi lý hay triển khai những động thái quân sự đầy vẻ hung hăng, khiêu khích. Hơn nữa, quyền lực kinh tế hay quân sự không thể giải quyết được tranh chấp chủ quyền, mà mọi giải pháp đều phải dựa trên tinh thần đàm phán, thương lượng hòa bình và không bên liên quan nào được quyền ngoan cố.
Xin cám ơn ông!