Cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục khai lý do "nhận cảm ơn" gần 25 tỷ đồng

Tại phiên tòa, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái khai nhận bối cảnh phạm tội. Ông trình bày khi bản thân nhận thức được hành vi sai phạm đã tự thú.

Cựu giám đốc mong nhận lại gần 10 tỷ đồng khắc phục thừa

Chiều 14/1, TAND TP Hà Nội dành phần lớn thời gian để các luật sư và đại diện Viện kiểm sát hỏi các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hai cựu Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bị cáo Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải đều thừa nhận cáo trạng quy kết hành vi của mình là đúng. Họ trình bày thời điểm thực hiện các hoạt động đấu thầu mua sắm giấy in không biết quy định chỉ thực hiện phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn với các gói thầu giá trị dưới 1 tỷ đồng.

Toàn cảnh phiên tòa.

Bị cáo Hoàng Lê Bách khai, bản thân là người ký hợp đồng với các công ty trúng thầu, song chỉ đến khi được cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát giải thích mới nắm rõ các quy định này.

Trong khi đó, bị cáo Phạm Gia Thạch, cựu thành viên Hội đồng Thành viên, kế toán trưởng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định trong biên bản họp Ban chỉ đạo lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư, có yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với 7 gói thầu năm 2017.

Bị cáo Phạm Gia Thạch khai đây là lần đầu tiên tham gia vào hoạt động mua sắm giấy in của Nhà xuất bản Giáo dục. Bị cáo không tham gia bàn bạc, không trao đổi, chỉ biết kết quả khi tổ tư vấn triển khai báo cáo, thực hiện công việc theo phân công. Ông Thạch nói không làm việc trực tiếp với nhà thầu, không hưởng lợi.

“Bị cáo có ký vào các biên bản của ban chỉ đạo”, ông Thạch nói và cho rằng việc đấu thầu rút gọn là trái với quy định của pháp luật. Bị cáo luôn nhắc vấn đề này và đưa ý kiến ra các cuộc họp song không được lắng nghe.

Đại diện VKS Hà Nội đặt câu hỏi: “Bị cáo nhận thức thời điểm đó là sai, trái với thành viên của ban chỉ đạo, nhân viên Nhà xuất bản Giáo dục nhưng có bao giờ nói thẳng phương thức đấu thầu này không đúng quy định pháp luật không, bị cáo có xin ý kiến ban chỉ đạo không? Bị cáo Thạch trình bày: “Trong cuộc họp bị cáo luôn nói gay gắt”.

Về số tiền 19 tỷ đồng mà bà Tô Mỹ Châu đã nộp để khắc phục cho bị cáo Tô Mỹ Ngọc (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng, xin xét xử vắng mặt), đại diện của bà Châu cho biết cả hai bà có nguyện vọng sử dụng 9 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án (6,5 tỷ đồng nộp khắc phục hậu quả; 3 tỷ đồng tự nguyện sung công quỹ).

Số tiền gần 10 tỷ đồng còn lại, bà Ngọc mong cơ quan chức năng cho được nhận lại để dùng chữa bệnh, sinh sống, nuôi dưỡng con cùng bố mẹ già.

Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục khai lý do phạm tội

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khai bản thân khi nhận thức được hành vi sai phạm đã làm đơn tự thú, khi cơ quan công an chưa phát hiện.

Ông Thái nói bản thân có đơn tố giác tội phạm từ đó giúp phát hiện đường dây sách lậu, sách giả lớn nhất từ trước liên quan bị cáo Cao Thị Minh Thuận. Ông Thái còn có đơn trình báo trường hợp mạo danh người có chức vụ để lừa đảo, sau đó cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án.

Trước tòa, cựu Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục nghẹn giọng nói sức khỏe yếu, mắc bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao, gần đây cấp cứu vì giảm tiểu cầu. Bản thân bị cáo đã khắc phục 25 tỷ đồng. Gia đình bị cáo có công với cách mạng, bố bị cáo tham gia 2 cuộc kháng chiến… mong HĐXX xem xét.

Trình bày về bối cảnh phạm tội, ông Thái khai việc áp dụng phương thức chào hàng cạnh tranh do Nhà xuất bản Giáo dục phải in bộ SGK mới từ lớp 1-12 cho năm học 2018-2019. Ban chỉ đạo và các cán bộ lâu năm tham mưu chào hàng cạnh tranh để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nhà xuất bản.

Cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái.

Theo ông Thái, năm 2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã động viên ông Thái nhận nhiệm vụ ở nhà xuất bản trong bối cảnh nội bộ phức tạp, người tiền nhiệm nghỉ hưu sớm.

Ông đã tạo điều kiện cho các công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty CP, Công ty Minh Cường Phát cung cấp giấy để tiết kiệm chi phí. Năm 2018, giá bột giấy tăng kỷ lục 30%, Nhà xuất bản Giáo dục đã phát hành hơn 100 triệu bản SGK mới, giá bán giữ nguyên và thấp hơn 11% so với sách xã hội hóa. Đại diện Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty CP khai rằng giấy nhập khẩu từ Nhật Bản, chất lượng vượt trội và giúp nhà xuất bản tiết kiệm chi phí.

Theo cáo buộc, từ năm 2017-2021, bị cáo Nguyễn Đức Thái và đại diện pháp luật của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thỏa thuận với bà Tô Mỹ Ngọc và ông Nguyễn Trí Minh để các công ty của họ trúng các gói thầu cung cấp giấy in, trị giá lần lượt 2.156 tỷ đồng và 209 tỷ đồng.

Ông Thái chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, tạo điều kiện cho các công ty này trúng thầu. Sau khi trúng thầu, ông Thái nhận hối lộ từ bà Ngọc hơn 20 tỷ đồng và từ ông Minh 4,9 tỷ đồng.