Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và 3 quan chức bị điều tra vì rò rỉ bí mật quân sự cho Trung Quốc

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, 4 trợ lý an ninh quốc gia cấp cao của cựu Tổng thống Moon Jae-in bị nghi ngờ làm rò rỉ bí mật cho các quan chức Trung Quốc, và nhà chức trách đã mở một cuộc điều tra về vụ việc. 
Ông Jeong Kyung-doo, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, 1 trong số 4 người bị điều tra. Ảnh: Yonhap.

Theo các báo Hàn Quốc, Cơ quan Thanh tra và kiểm toán Hàn Quốc (BAI) đã ủy thác Viện Kiểm sát tối cao điều tra các cựu quan chức cấp cao thời chính phủ cựu Tổng thống Moon Jae-in bị nghi ngờ cố tình làm rò rỉ thông tin tác chiến quân sự liên quan tới tổ hợp tên lửa THAAD.

4 cựu quan chức cấp cao bị điều tra

Bốn người bị điều tra bao gồm cựu Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Chung Eui-yong, cựu Chánh văn phòng An ninh Quốc gia Seo Joo-suk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyung-doo và Lee Ki-heon, cựu Thư ký vấn đề Công dân của Ban Thư ký Tổng thống.

Những người này bị điều tra vì vi phạm "Đạo luật Bảo vệ bí mật quân sự", làm rò rỉ bí mật hoạt động của quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD cho các đoàn thể công dân và chính quyền Trung Quốc.

Văn phòng Công tố viên Tối cao (Viện Kiểm sát tối cao) Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra vào cuối tháng trước.

Hệ thống THAAD được triển khai tại căn cứ Seongju. Ảnh: Yonhap.

BAI cho rằng, 4 người này bị tình nghi vào ngày 29/5/2020 đã tiết lộ trước cho Trung Quốc kế hoạch thay thế thiết bị hệ thống THAAD của quân đội Hàn Quốc và quân đội Mỹ tại Hàn Quốc nhằm trì hoãn việc triển khai chính thức hệ thống THAAD tại Hàn Quốc.

Theo thông tin mà BAI có được, 4 người này lấy cớ quan hệ ngoại giao để giới thiệu tên kế hoạch, thời gian tiến hành, nội dung hoạt động thay thế tên lửa THAAD cho tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Hàn Quốc. Việc giới thiệu này khi đó đã gây nên sự phản đối kịch liệt của Mỹ.

BAI cho rằng “những lời thuyết minh” của 4 người này với các quan chức Trung Quốc đã vượt xa phạm trù cần thiết trong quan hệ ngoại giao và thuộc vào hành vi rò rỉ bí mật quân sự, cần phải điều tra thêm về những nghi ngờ; do đó BAI buộc tội họ vi phạm “Luật bảo vệ bí mật quân sự” và lạm dụng chức vụ quyền hạn, yêu cầu Viện Kiểm sát tối cao điều tra.

4 người này cũng bị cáo buộc đã tiết lộ trước kế hoạch thay thế thiết bị THAAD, là bí mật cấp hai, cho các đoàn thể công dân Hàn Quốc. Điều này dẫn đến xung đột giữa quân đội và những người dân Hàn Quốc phản đối việc triển khai THAAD khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc tiến hành vận chuyển các bộ phận thiết bị THAAD tới căn cứ vào ban đêm.

Đây không phải là lần đầu tiên có quan chức chính phủ dưới thời ông Moon Jae-in bị cáo buộc cố tình trì hoãn việc triển khai chính thức hệ thống THAAD.

Vào tháng 7 năm ngoái, "Tướng dự bị bảo vệ Hàn Quốc", một tổ chức của các cựu tướng lĩnh quân đội, cũng đã nộp đơn lên BAI yêu cầu thanh tra và cáo buộc chính phủ của cựu Tổng thống Moon Jae-in cố tình trì hoãn việc “đánh giá tác động môi trường” của việc triển khai chính thức THAAD trước khi ông Moon Jae-in đi thăm Trung Quốc năm 2019.

BAI cho rằng một số cáo buộc do "Tướng dự bị bảo vệ Hàn Quốc" đưa ra có thể đúng và từ tháng 10 năm ngoái họ bắt đầu giám sát 11 cơ quan bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và phát hiện ra 4 cựu quan chức này bị nghi ngờ làm rò rỉ bí mật quân sự.

Quyết định gây tranh cãi

Chính quyền Trung Quốc luôn phản đối mạnh mẽ việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc vì cho rằng radar của hệ thống THAAD có thể được sử dụng để phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo của quân đội Trung Quốc. Trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu THAAD phát hiện trước tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) do Trung Quốc phóng, sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng phòng không của Mỹ.

Ngay từ năm 2016, dưới thời chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye, Mỹ và Hàn Quốc đã quyết định triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc. Vào tháng 4/2017, THAAD được tạm thời triển khai tại sân golf Soseong-ri, huyện Seongju, tỉnh Bắc Kyungsang.

Tiếp đó, sau khi các nhóm công dân Hàn Quốc phản đối THAAD tuyên bố rằng "sóng vô tuyến phát ra từ radar THAAD có thể gây hại cho con người", chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tiến hành một cuộc khảo sát đánh giá quy mô nhỏ về tác động môi trường để xác minh cáo buộc của họ có đúng hay không.

Những người dân Hàn Quốc phản đối triển khai THAAD biểu tình bên ngoài căn cứ Seongju. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Moon Jae-in, người nhậm chức vào tháng 5/2017, đã ra lệnh thảo luận lại kế hoạch thực hiện đánh giá tác động môi trường. Vào tháng 7/2017, ông tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc “đánh giá tác động môi trường chung” trong thời gian hơn một năm và căn cứ kết quả, ông sẽ quyết định việc chính thức triển khai THAAD.

Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Moon Jae-in, không có ủy ban đánh giá tác động môi trường chung nào được thành lập, trốn tránh công khai với người dân về kết quả đo đạc sóng điện từ và tiếng ồn tần số thấp, trì hoãn việc vận hành bình thường căn cứ THAAD.

Năm ngoái, sau khi tài liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc được giải mật, BAI nghi ngờ những người có liên quan trong chính quyền Moon Jae-in có thể đã cố tình trì hoãn việc thành lập ủy ban thẩm định trước khi ông Moon Jae-in sang thăm Trung Quốc.

Theo ChosunIlbo, Yonhap