Đi lễ đầu năm là nét văn hóa đẹp từ xa xưa của dân tộc Việt Nam. Từ mùng 4 tết trở đi, nhiều địa phương đã tổ chức các lễ hội như là sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa trang trọng và linh thiêng.
Lễ hội là nơi người dân về với nguồn cội, sống lại lịch sử của cha ông, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Lễ hội cũng là nơi để người dân vui chơi, giải tỏa những căng thẳng.
Tuy nhiên thời gian qua, từ thực trạng của hoạt động lễ hội, dường như ý nghĩa thiêng liêng đó đã ít nhiều suy giảm trước sự xâm lấn của yếu tố xã hội hóa, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác. Tại Hội Gióng vừa qua, người ta xông vào hỗn chiến để cướp hoa Tre, gây nên cảnh hỗn loạn nơi thờ tự. Lễ hội đền Trần cũng chưa năm nào thoát khỏi cảnh ùn ùn kéo đến xin Ấn, thậm chí "cướp" Ấn với hy vọng có Ấn sẽ được thăng quan, tiến chức.
Cần loại bỏ sự mù quáng tâm linh
Tranh cướp dẫn tới hỗn chiến ở Lễ hội đền Gióng. Ảnh: Zing
"Có lẽ trong chúng ta ai cũng đều biết câu 'vui như trẩy hội' nhưng lễ hội có còn vui không khi mà cảnh cướp bóc, chém giết trở nên phổ biến? Chúng ta đón xuân để cầu mong một năm mới an lành và hạnh phúc vậy mà có tới hơn 6.200 người vào viện do đánh nhau trong dịp Tết”? Tiến sĩ Đinh Hồng Hải, Viện khoa học xã hội Việt Nam đặt câu hỏi.
TS Hải cho biết “Cướp hoa Tre đền Gióng” hay “cướp Ấn đền Trần” là một nghi thức có tính tượng trưng trong lễ hội. Đó là cướp lấy vui chứ không phải cướp lấy được. Cướp lấy được không còn ý nghĩa tượng trưng, vui vẻ mà đã biến thành một sự tranh giành quyền lợi. Và khi đụng đến quyền lợi thì người ta sẵn sàng giẫm đạp lên nhau. Tình trạng này cũng tượng tự như “hôi bia” khi xe chở bia bị lật.
"Thánh Gióng hay Thánh Trần đều là những biểu tượng của tinh thần đại nghĩa, từ bỏ cái lợi của cá nhân hy sinh vì cái lợi chung của dân tộc. Liệu các Thánh có hài lòng không khi thấy con cháu mình chỉ lo tranh cướp cái lợi riêng tư mà quên quyền lợi quốc gia và nỗi nhục quốc thể?", TS Hải nói.
Ông Hải nhận định những hành vi như vậy đều xuất phát từ sự mù quáng tâm linh, tâm lý đám đông và tình trạng kém hiểu biết, có căn nguyên từ tính mông muội, hiếu chiến và hiếu sát của con người dã man buổi sơ khai. Xã hội càng văn minh, con người càng giảm bớt tính hiếu chiến và hiếu sát mà hướng đến trí tuệ và hướng thiện. Việc tranh cướp những chiến “ấn rởm” hay nhét tiền vào miệng tượng Phật để cầu tài lộc, cầu may rủi, thậm chí cầu Phật “bóp cổ kẻ khốn nạn” nào đó chính là những biểu hiện của tình trạng trí tuệ hạn chế ở một bộ phận trong xã hội.
Chỉ nên giữ lại các lễ hội cần thiết?
TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia đã nhiều lần bày tỏ băn khoăn: "Có nhiều lễ hội vốn chỉ mang quy mô rất nhỏ, sau đó được nâng tầm, tổ chức lại và đưa thêm vào các sự kiện khác, làm lu mờ hạt nhân là phần lễ hội của cộng đồng. Vì thế, cần kiểm kê và nhận diện cho được lễ hội nào thật sự cần thiết, thật sự gắn bó mật thiết với người dân để tiến hành gìn giữ và thực hành lễ hội sao cho vừa văn hóa, vừa hiệu quả, tiết kiệm".
Đè đầu cưỡi cổ nhau để cướp Ấn đền Trần
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH TT&DL cho rằng việc tổ chức và quản lý lễ hội hiện nay đang phải giải quyết mâu thuẫn: một bên cho rằng lễ hội dân gian ngày nay không còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, một bên cho rằng lễ hội là sản phẩm du lịch thu hút khách thập phương. Vì thế, công tác tổ chức và quản lý lễ hội hiện nay đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ mối quan hệ giữa kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
"Cần thay đổi nhận thức và hanh vi của những người tham gia lễ hội, như thế mới mong lễ hội sẽ diễn ra đúng tinh thần 'vui như trẩy hội', lễ hội mới mang đúng bản sắc văn hóa vốn có", ông Phúc cho biết.
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của Tiến sĩ Đinh Hồng Hải: "Để người dân tham gia lễ hội có được không khí “vui như trẩy hội” như xưa thì cần phải loại bỏ sự mù quáng tâm linh, tâm lý đám đông và tình trạng thiểu năng trí tuệ đang có xu thế ngày càng tăng trong xã hội hiện tại".
Theo Vietnamnet