Trong một lần đến Bảo tàng Hải quân (Hải Phòng) tìm tư liệu về sự kiện 14-3-1988, mất gần ba tiếng kiên trì tìm kiếm, lật tung từng tờ phiếu trong tủ tư liệu, chúng tôi đã tìm thấy cuốn nhật ký trên.
Những dòng viết trong khói lửa
Ký hiệu “HQ 505 và M25HQ” rõ ràng là tàu HQ505 và lữ đoàn 125 hải quân - đơn vị quản lý con tàu lịch sử này. Thông tin trên trang bìa cuốn nhật ký cũng cho biết người viết là thuyền phó Võ Tá Du.
Bên trong từng trang quá khứ là danh sách kèm những dòng thông tin rất ngắn gọn về 16 cán bộ sĩ quan của tàu HQ 505 và các thủy thủ, chiến sĩ trên tàu. Những trang sau đó ghi chép rất tỉ mỉ, cụ thể từng giờ từng phút diễn biến toàn bộ tình hình ngày 14-3-1988 trên tàu HQ 505.
05.30: Hội ý cán bộ ngành, nhận định tình hình địch và mệnh lệnh trên đồng thời cử hai tổ lên đảo cắm hai tiêu và một cờ Tổ quốc.
07: Cắm cờ và hai tiêu xong.
08.05: Ba tàu địch bắt đầu bắn vào 604, 605, 505.
08.07: Lái hỏng, mũi tàu dạt ngang. Lệnh lái tay.
08.08: Dùng hai máy hết tốc độ ủi lên đảo B (đảo Cô Lin - PV). Chân vịt không quay. Điện điều khiển hỏng. Tàu bị địch bắn cháy phòng T2 (thuyền trưởng - PV) và khu T2 (khu thông tin - PV) - Đ/c Hòa NT2 bị thương (đồng chí Hòa, ngành trưởng thông tin - PV).
08.10: Máy T2 (tiếp tục - PV) hỏng, không sử dụng được.
08.11: Bình khí vào ly hợp bị bắn thủng. Ba tàu khu trục TQ (Trung Quốc - PV) tấn công vào tàu rất mạnh. Buồng thông tin bị trúng đạn. Đ/c NTrưởng T2 (ngành trưởng thông tin - PV) bị thương. Hai máy tiến hết tốc độ. Điều khiển = tay lao lên đảo.
08.18: Hai máy ngừng hẳn. Tàu nằm hẳn lên cạn vị trí A6, B1, 2.
08.19: Tàu TQ T2 (tiếp tục - PV) bắn vào tàu. Khu đài chỉ huy bốc cháy. Khu hành lang SQ (sĩ quan - PV) bốc cháy. Khu hành lang chiến sĩ phải bốc cháy.
08.24: Hội ý cấp ủy mở rộng xác định quyết tâm: kiên quyết bám trụ tại tàu, bảo vệ đảo.
08.25: HQ 605 bốc cháy. HQ 604 chìm hẳn.
08.45: Tàu bị cháy nặng.
08.47: Lệnh hủy tài liệu mật. Cháy hầm dầu không dập lửa được.
08.58: Địch bắn lần 2.
09.05: Cấp ủy quyết tâm bám trụ đến cùng. Xác định tất cả có thể sẽ hi sinh. Đ/c Lễ, Thắng ở lại đài chỉ huy. Đ/c Du xuống động viên bộ đội. Đ/c Văn chiến sĩ bị thương. Đ/c Thắng bị thương vào trán.
09.30: Địch kết thúc bắn. Để bảo tồn lực lượng, chủ trương cứu hỏa trong hầm dưới khoang có thực phẩm mang lên hết.
14.30: Tổ chức xuồng cử một tiểu đội do hai đồng chí Nam, Đỉnh phụ trách đi cấp cứu thương binh ở đảo A (Gạc Ma - PV) bị trôi.
14.55: Phát hiện hai tàu địch đến bên mạn phải tàu. Cùng lúc đó xuồng về. Tàu báo động chiến đấu. Xuồng kéo được 45 người về cập ở tàu.
Nhưng em ơi phía này là quần đảo Trường Sa/ Em có nghe không Tổ quốc mình đang gọi...
Em có nghe không Tổ quốc mình đang gọi...
Lần giở hết cuốn sổ nhật ký đặc biệt này, tôi không khỏi ngạc nhiên và xúc động. Bởi sau những dòng ghi rất chi tiết diễn biến của ngày 14-3-1988 và của vài ngày sau đó, thì các trang nhật ký còn lại là ... thơ.
Có bài ngắn. Có bài khá dài. Không tựa đề. Đó là những xúc cảm về tình yêu, tình bạn, tình đồng chí, đồng đội. Trong veo. Nhẹ nhàng. Mộc mạc.
Không một lời giận dữ, than thở dù những dòng thơ ấy chắc chắn được viết ra chỉ vài ngày sau cuộc thảm sát và được bật ra trong những đêm dài đau đáu với bóng tối trên đảo, canh cánh nhớ lại những gương mặt đồng đội, bạn bè vừa mới hi sinh trước đó.
“Có một thời tôi cũng như các anh/ Áo trắng lang thang dọc hè thành phố/ Mắt nhìn đời huýt gió/ Vẩn đục thời gian không chạm đến thân mình/ Với bạn bè anh em vẫn sống chí tình/ Dẫu vất vả gian nan một thời áo lính”.
“Nghìn năm em ơi biển vẫn cứ còn xanh/ Dù bão tố phong ba chập chờn ập tới/ Dù giặc kia dã tâm không đổi/ Đáy biển sâu đồng đội tiễn chúng về/ Đèo sóng núi gió mai này sẽ còn dâu bể/ Tình yêu lứa đôi mai này ắt còn chia xa/ Nhưng em ơi phía này là quần đảo Trường Sa/ Em có nghe không Tổ quốc mình đang gọi... (Kính tặng cán bộ chiến sĩ tàu HQ 505 - 605 - 604)“.
Cuốn nhật ký 14-3 - Ảnh: M.L.
Phía sau cuốn nhật ký
Có rất nhiều câu hỏi về số phận của cuốn nhật ký này. Nó được viết ngay trong thời điểm đang khói lửa, pháo đạn ngùn ngụt dội vào tàu HQ 505 hay được viết 1-2 ngày sau đó?
Tại sao nó không nằm trong phòng tác chiến của quân chủng hải quân hay ở lữ đoàn 125 hải quân mà lại lưu lạc và nằm im lặng trong kho tư liệu lưu trữ của Bảo tàng Hải quân?...
Đọc những trang in bản chụp lại cuốn nhật ký trên tay, ông Nguyễn Đại Thắng, máy trưởng tàu HQ 505, nhận ra ngay.
Ông nói: “Đây là cuốn nhật ký mà anh Võ Tá Du - chính trị viên tàu - viết. Trên tàu chỉ có ba người biết cuốn nhật ký này. Một là anh Vũ Huy Lễ - thuyền trưởng, hai là tôi - máy trưởng và anh Du”.
Gọi điện cho AHLLVTND Vũ Huy Lễ (thuyền trưởng HQ 505), ông Lễ cho biết: “Khi TQ bắt đầu nổ súng, chúng tôi họp cấp ủy hội ý. Tôi phân công anh Du phụ trách viết và giữ nhật ký.
Chiến sự diễn ra như thế nào thì chính trị viên là bí thư chi bộ phải viết nhật ký đầy đủ, chính xác, liên tục từng phút một...”.
Ông Lễ cho hay trước khi rời bến, mỗi tàu được cấp một quyển sổ nhật ký hàng hải. Sau khi về bờ thì gửi lại cho cơ quan tác chiến của đơn vị. Nhưng về nguyên tắc, nhật ký hàng hải là một quyển sổ to bằng khổ giấy A4 in rõ ba cột: thời gian, nội dung, ghi chú.
Còn đây lại là cuốn “nhật ký hàng hải” viết bằng tay dù vẫn có ba nội dung đầy đủ.
Ông Lễ giải thích: “Đây là cuốn nhật ký được Du chép lại từ cuốn gốc khi nằm trên đảo Sinh Tồn. Biết ngày mai ngày kia về cập bến, chắc chắn bên tác chiến sẽ thu lại cuốn gốc nên Du mới chép lại để lưu giữ”.
Khi về đất liền, cuốn nhật ký gốc được thuyền trưởng Vũ Huy Lễ trao cho bộ phận tác chiến của lữ đoàn 125 hải quân. Còn cuốn nhật ký chép tay này không hiểu vì lý do gì đã thất lạc khỏi chủ nhân và nằm trong kho lưu trữ của Bảo tàng Hải quân tận Hải Phòng.
Đọc những chi tiết rất ngắn gọn trong nhật ký viết về việc tàu HQ 505 đưa xuồng sang khu vực gần đảo Gạc Ma cứu đưa 45 thương binh, liệt sĩ về, ông Nguyễn Đại Thắng bùi ngùi kể:
“Khi xuồng về, anh Lễ, anh Du và tôi ra đón. Máu ngập đỏ xuồng, lềnh dềnh với cả nước. Anh Lanh bị nó đâm lê, áo quần đẫm máu, bọt khí trong phổi trồi ra sôi như cơm.
Tôi cứ hi vọng thuyền trưởng 604, chính trị viên, các thuyền phó còn ai đó. Nhưng không còn ai. Chỉ còn ông Quý - báo vụ già người Thái Bình và một chiến sĩ trẻ người Hải Phòng. Anh em lặng đi, không khóc mà nước mắt cứ chảy ra...”.
Theo Tuổi trẻ