|
Phiến quân IS. |
Các nguồn lực quan trọng như đập thủy điện, nhà máy lọc dầu và một số cửa khẩu chiến lược nối với Syria đã lần lượt rơi vào tay ISIS. Chỉ trong vòng một tháng, nhóm - nay đã đổi tên thành IS - chính thức tuyên bố thành lập Caliphate trong vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát và tôn Baghdadi làm Khalíp và “thủ lĩnh của người Hồi giáo ở mọi nơi”.
Rất đông các nhóm thánh chiến, ngay cả một số thành viên chính thức của các chi nhánh của Al Qaeda, cũng công khai thể hiện sự ủng hộ đối với Baghdadi và IS. Một thủ lĩnh của Al Qaeda tại Maghreb (vùng Tây Bắc Phi), chi nhánh từ lâu có mối liên hệ mật thiết với phong trào thánh chiến tại Iraq, tuyên bố ủng hộ IS và nêu rõ: “Chúng tôi vẫn chờ đợi các nhánh của Al Qaeda trên khắp thế giới thể hiện lập trường và tuyên bố ủng hộ các bạn”. Một thông báo mà theo nhiều người là có hàm ý chỉ trích Zawahiri và giới lãnh đạo Al Qaeda đã từ chối ủng hộ IS.
Một số tổ chức nhỏ khác tại Libya cũng tuyên thệ trung thành với IS và tiến hành các vụ tấn công nhân danh nhóm này. Vậy là, Zawahiri và các thành viên còn lại thuộc lực lượng nòng cốt của Al Qaeda đã không còn ở tuyến đầu trong cuộc thánh chiến Hồi giáo toàn cầu. Thay vào đó, IS, nhóm mà Zawahiri chối bỏ do lo ngại sẽ gây hại tới cuộc thánh chiến toàn cầu, nay đang cạnh tranh để trở thành kẻ lãnh đạo phong trào. Và đó mới chỉ là bắt đầu.
Cuộc tranh giành giữa IS và Al Qaeda không chỉ giới hạn trong việc tìm kiếm chiếc ghế quyền lực trong phong trào thánh chiến. Hai tổ chức này khác nhau một cách cơ bản trong việc xác định kẻ thù chính là ai, chiến thuật và chiến lược sử dụng để tấn công kẻ thù này và cách nhìn về vấn đề xã hội, cũng như các mối quan tâm chính.
Mục tiêu cuối của của Al Qaeda là lật đổ các chế độ phi Hồi giáo và tham nhũng tại Trung Đông, thay thế chúng bằng các chính phủ Hồi giáo “thực sự”. Kẻ thù hàng đầu của Al Qaeda là Mỹ, quốc gia mà chúng xem là gốc rễ của các vấn đề tại Trung Đông. Logic đằng sau chiến lược “kẻ thù xa” này dựa trên lý lẽ: Quân đội Mỹ và sự hỗ trợ kinh tế của Washington cho các kẻ độc tài tham nhũng ở Trung Đông, như ở Ai Cập và Saudi Arabia, giúp các chế độ này trụ vững trước nỗ lực lật đổ chính quyền của “nhân dân”. Bằng cách nhắm vào Mỹ, Al Qaeda tin rằng chúng cuối cùng sẽ buộc Mỹ ngừng hỗ trợ các chế độ tham nhũng và rút lui khỏi khu vực. Sau đó, chúng sẽ kích động các cuộc “cách mạng” từ bên trong làm suy yếu hoặc lật đổ các chính quyền.
Al Qaeda coi Hồi giáo dòng Shiite là những kẻ bội giáo nhưng vẫn xem việc giết hại những người Shiite là quá cực đoan và gây phương hại tới cuộc thánh chiến toàn cầu. Zawahiri chỉ trích việc AQI tàn sát những người Shiite. Trong một bức thư tay mà lực lượng Mỹ thu được, Zawahiri đã hỏi Zarqawi rằng: “Tại sao lại giết những người Shiite bình thường và họ đáng được tha thứ vì họ vô can?”. Thủ lĩnh Al Qaeda này cũng cho rằng hành động tàn sát người Shiite của IS làm sao nhãng thực hiện mục tiêu là người Mỹ.
Về mặt chiến lược, Al Qaeda tin rằng “đa số người Hồi giáo”, không kể những kẻ ủng hộ tổ chức này, không thực sự hiểu hay quan tâm về những khác biệt về mặt giáo lý giữa dòng Sunni và Shiite. Những người này nhìn việc các phần tử thánh chiến phá hủy thánh đường của người Shiite hay giết hại những thường dân Shiite chỉ đơn giản là người Hồi giáo giết hại lẫn nhau.
IS không đi theo chiến lược “kẻ thù xa” của Al Qaeda mà lựa chọn con đường “kẻ địch gần”. Vì vậy, mục tiêu hàng đầu của IS không phải là Mỹ mà là các chính quyền chúng coi là bội giáo trong thế giới Arab, trong đó có chính quyền Tổng thống Al Assad ở Syria và của Thủ tướng Abadi ở Iraq.
Giống như những thủ lĩnh tiền nhiệm của AQI, Baghdadi coi trọng trên hết việc thanh lọc cộng đồng Hồi giáo bằng cách tấn công người Shiite, các cộng đồng tôn giáo thiểu số khác và cả các nhóm thánh chiến đối địch. Danh sách kẻ thù của IS do đó rất dài, trong đó phải kể tới người Shiite Iraq, Hezbollah, người Yazidis (một cộng đồng tôn giáo thiểu số người Kurd chủ yếu sống tại Iraq), người Kurd ở Iraq, Syria và các nhóm đối địch tại Syria (như Mặt trận Al Nusra).
Ngoài những khác biệt kể trên, Al Qaeda tin vào việc phải giành được sự ủng hộ của người dân, nhưng IS thì không cho như vậy. Mặt trận Al Nusra hợp tác với các chiến binh Syria để chống lại chính quyền Damascus, chủ trương hạn chế tấn công vào dân thường, thả các nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đã học được bài học về việc phải gánh chịu hậu quả thế nào nếu bị người dân quay lưng chống lại từ ví dụ của AQI ở Iraq, trong các khu vực mà Mặt trận Al Nusra kiểm soát, nhóm này cưỡng giáo người dân thay vì khủng bố họ để buộc người ta đi theo thứ Đạo Hồi “đích thực” mà chúng tin. Khi các lực lượng Mỹ không kích Mặt trận Al Nusra vì mối liên hệ của chúng với Al Qaeda, rất nhiều người dân Syria đã tức giận và cho rằng Mỹ đã đánh vào một kẻ thù duy nhất đáng sợ của chính quyền Syria.