Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, hôm 25/6, Hải quân Mỹ tiết lộ, một tàu ngầm hạt nhân chiến lược của họ đã khởi hành từ bờ Tây Thái Bình Dương vào ngày hôm đó để thực hiện các cuộc tuần tra răn đe chiến lược. Cùng ngày 25/6, một tàu ngầm hạt nhân đặc nhiệm của Hải quân Nga cũng đã ra biển thử nghiệm, nó có thể mang theo ngư lôi hạt nhân để thực hiện một cuộc tấn công trả đũa hạt nhân.
Hải quân Mỹ đã đưa ra các bức ảnh cho thấy tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio USS Maine (SSBN-741) đã khởi hành từ căn cứ Hải quân Kitsap (Naval Base Kitsap) ở bang Washington và sẽ thực hiện cuộc tuần tra răn đe chiến lược trên Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ không tiết lộ thêm thông tin, chỉ biết rằng tàu ngầm USS Maine và các tàu ngầm khác cùng lớp Ohio là thành phần có khả năng sống còn mạnh nhất trong lực lượng răn đe bộ ba hạt nhân của Mỹ. Hai thành phần còn lại là máy bay ném bom chiến lược của Không quân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất. Các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Ohio được Lầu Năm Góc coi là phương tiện hữu hiệu nhất để thực hiện đòn tấn công hạt nhân thứ hai. Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio dài 170,7 m, rộng 12,8 m, mớn nước 11,1 m khi di chuyển trên mặt nước lượng choán nước 16.600 tấn; giãn nước dưới nước 18.750 tấn khi di chuyển ngầm, tốc độ dưới nước 20 hải lý/h và thủy thủ đoàn 155 người với 14 hoặc 15 sĩ quan.
USS Maine rời cảng đi tuần tra hôm 25/6 (Ảnh: Đông Phương). |
Mỹ hiện có 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tất cả đều thuộc lớp Ohio, mỗi tàu được thiết kế để mang theo 24 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II D5, mỗi tên lửa có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Theo hạn chế của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (Strategic Arms Reduction Treaty, New START) giữa Mỹ và Nga, mỗi tàu ngầm hiện chỉ có thể mang tối đa 20 tên lửa. Để phát huy tối đa khả năng sẵn sàng chiến lược của tàu ngầm, mỗi tàu có 2 kíp thủy thủ đoàn, họ luân phiên điều khiển tàu ngầm để đi biển và thực hiện nhiệm vụ trên biển trung bình mỗi chuyến đi kéo dài 77 ngày.
USS Maine di chuyển trên mặt nước (Ảnh: US Navy). |
Ở phía bên kia, truyền thông Nga ngày 26/6 đưa tin, chiếc tàu ngầm hạt nhân đặc nhiệm Belgorod K-329 vào ngày 25/6 đã có chuyến thử nghiệm đầu tiên trên biển ở nhà máy đóng tàu ở Bạch Hải (White Sea). Sau khi hoàn thành, nó sẽ tiếp tục trải qua cuộc thử nghiệm quân sự trên biển và dự kiến sẽ được chuyển giao cho Hải quân Nga vào nửa cuối năm nay và sẽ phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương. Belgorod là tàu ngầm đầu tiên có thể mang theo tàu ngầm không người lái chiến lược Poseidon. Poseidon sử dụng năng lượng hạt nhân và được trang bị đầu đạn hạt nhân nên còn được gọi là "ngư lôi hạt nhân", có thể tiêu diệt các mục tiêu lớn trên mặt nước và các thành phố ven biển.
Theo trang tin Sunnews, tàu ngầm đặc nhiệm mới nhất của Hải quân Nga là K-329 Belgorod lần đầu tiên ra khơi. Thông tin tình báo nguồn mở được Naval News trích dẫn cho thấy tàu ngầm rời Severodvinsk vào ngày 25/6 để bắt đầu cuộc thử nghiệm trên biển, một phần rất quan trọng đối với các tàu mới được chuyển giao cho Hải quân Nga.
Tàu ngầm đặc nhiệm Belgorod K-329 được hạ thủy ở Severodvinsk vào ngày 23/4/2019 (Ảnh: sunnews). |
Mặc dù các thông số kỹ thuật chi tiết chưa được tiết lộ nhưng rõ ràng Belgorod là tàu ngầm lớn nhất được đóng trong 30 năm qua. Trên thực tế, tàu ngầm lớn hơn duy nhất là lớp Typhoon. Thân tàu của nó lớn hơn tàu lớp Oscar II ước tính dài 178 mét và rộng khoảng 15 mét. Lượng giãn nước của nó có khả năng vượt quá 19.000 tấn của Oscar II. Về mọi mặt, tàu ngầm này lớn hơn tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ lớn nhất ở phương Tây.
Tàu ngầm đặc nhiệm Belgorod K-329 được hạ thủy ở Severodvinsk vào ngày 23/4/2019. Kể từ đó, nó đã được neo trên dock để lắp đặt thiết bị và thử nghiệm hệ thống. Truyền thông Nga đã đưa tin về việc thử nghiệm các hệ thống vũ khí và lò phản ứng của tàu. Ban đầu nó được lên kế hoạch bắt đầu thử nghiệm sau khi lớp băng ở Bắc Cực tan dần vào tháng 4/2021 nhưng đã bị trì hoãn không rõ lý do. Nó chỉ xuất hiện vào cuối tháng 5 và được xác nhận là đã khử từ vào ngày 5-6/6, cuối cùng đã ra khơi.
Ngư lôi hạt nhân Poseidon, thực chất là tàu ngầm không người lái nhỏ được Belgorod mang theo (Ảnh: sunnews). |
Ngày 25/4, con tàu rời bến lần đầu tiên. Nhưng thay vì đi thẳng ra biển, con tàu lại đi vào ụ nổi và được chuyển trở lại sảnh tòa nhà nơi nó được đóng. Cho đến ngày 7/5, khi một tàu ngầm mới khác, chiếc Kazan đi vào hoạt động, người ta mới thấy nó được vận chuyển trở lại.
Công dụng của chiếc Belgorod đã trở thành một bí ẩn đối với các nhà phân tích phương Tây. Nó kết hợp hai vai trò dường như trái ngược nhau. Đầu tiên là làm tàu mẹ cho các tàu ngầm nhỏ chạy bằng năng lượng hạt nhân hoạt động ở biển sâu. Chúng có thể hoạt động trên dây cáp và các vật thể khác dưới biển. Điều lo ngại của NATO là những thứ này có thể bao gồm cáp Internet ngầm kết nối các nước phương Tây ở đáy biển. Điều này được gọi là "nhiệm vụ đặc biệt" trong thuật ngữ hải quân (đây là một cách nói tránh của các hoạt động bí mật).
Tàu ngầm hạt nhân đặc nhiệm Belgorod theo phỏng đoán của các chuyên gia phương Tây (Ảnh: sunnews). |
Công dụng thứ hai là tấn công hạt nhân và răn đe. Vì vậy, nó sẽ được trang bị 6 ngư lôi Poseidon "2м39". Đây là một loại vũ khí hoàn toàn mới, chưa được trang bị cho bất kỳ lực lượng hải quân nào khác. Chúng được gọi là "ngư lôi tự hành trang bị vũ khí hạt nhân liên lục địa", dài hơn 20 mét và thực sự là những máy bay không người lái khổng lồ dưới nước với tầm bay không giới hạn và mang đầu đạn hạt nhân. Tính năng dự kiến của chúng là vận tốc khoảng 70 hải lý/giờ và dưới độ sâu 1.000 mét. Điều này có nghĩa là không thứ vũ khí hiện có nào có thể đối phó được loại ngư lôi này.
Hai vai trò này được coi là mâu thuẫn nhau, bởi vì thực hiện vai trò này có thể gây hại cho vai trò kia. Tác dụng răn đe hạt nhân cần được che giấu để tránh bị nguy hại; còn "Nhiệm vụ đặc biệt" có thể khiến nó gặp nguy hiểm tiềm tàng. Và vai trò nào sẽ là chính vẫn chưa rõ ràng.
Tàu Belgorod dưới con mắt của giới quan sát phương Tây (Ảnh: sunnews). |
Để thực hiện "nhiệm vụ đặc biệt", Belgorod dự định được trang bị tàu ngầm Loshalik (AS-31). Tuy nhiên, vào ngày 1/7/2019, chỉ hai tháng sau khi Belgorod hạ thủy, nó đã gặp phải một sự cố nghiêm trọng. Một vụ hỏa hoạn trong khoang chứa pin đã dẫn đến cái chết của 14 "phi hành đoàn tàu lặn nước sâu" (thuật ngữ tiếng Nga dành cho đội thủy thủ điều khiển các tàu ngầm biển sâu). "Loshalik" hiện vẫn đang được sửa chữa, có thể mất vài năm để hoàn thành.
Có thông tin cho rằng một tàu ngầm biển sâu nhỏ khác AS-15 đang được sửa đổi để thích ứng với Belgorod, điều này có thể làm giảm bớt sự chậm trễ của việc đưa Loshalik trở lại hoạt động. AS-15 là tàu ngầm lớp Kashalot type 1910, được đóng vào năm 1983 và hạ thủy vào năm 1991. Nhưng mặc dù lớp vỏ titan của nó vẫn còn tốt sau 30 năm, ý tưởng nâng cấp nó không phải là điều xa vời, nhưng lớp tàu này không dự định dùng cho tàu mẹ, vì vậy việc sửa đổi phải rất nhiều. Tin này vẫn chưa được xác nhận.
Video hình ảnh tàu ngầm đặc nhiệm Belgorog K-239 của Nga rời bến ra biển thử nghiệm hôm 25/6 (Video: Đông Phương). |
Ngư lôi hạt nhân Poseidon cũng sẽ mất vài năm để triển khai, vì vậy có thể mất vài năm nữa Belgorod mới thực sự được đưa vào sử dụng. Truyền thông Nga mới đây đưa tin, tàu ngầm Belgorod sẽ phục vụ ở Thái Bình Dương thay vì Hạm đội Phương Bắc triển khai ở Bắc Cực. Điều này có vẻ hợp lý bởi nếu đưa vào biên chế Hạm đội Phương Bắc nó sẽ làm tăng gánh nặng đảm bảo hậu cần cho các tàu ngầm biển sâu.